11/01/2025

Phải chuẩn bị mọi khả năng để bảo vệ chủ quyền

Nhấn mạnh ‘VN không mong muốn chiến tranh xảy ra và cố gắng làm mọi cách để nó không xảy ra’, nhưng để bảo vệ chủ quyền đất nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ‘chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng’. Thông điệp trên được Tổng bí thư đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 (Hà Nội).

 

Phải chuẩn bị mọi khả năng để bảo vệ chủ quyền

Nhấn mạnh ‘VN không mong muốn chiến tranh xảy ra và cố gắng làm mọi cách để nó không xảy ra’, nhưng để bảo vệ chủ quyền đất nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói ‘chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng’.


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri Q.Tây Hồ (Hà Nội) - Ảnh: Thái Sơn

 

Thông điệp trên được Tổng bí thư đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 (Hà Nội).

Tiếp tục đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa

 

 
 

Có ý kiến nói lỡ chiến tranh xảy ra thì sao? Thì chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng, dù chúng ta không mong muốn chiến tranh xảy ra và cố gắng làm mọi cách để nó không xảy ra

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

 

 

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ đồng tình với đối sách của Đảng và Nhà nước trong việc Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn Hải Dương-981 khoan trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của VN. Đồng thời, cử tri góp ý trước thái độ hung hăng của TQ, Nhà nước cần phải thể hiện quan điểm kiên quyết hơn, dành nhiều nguồn lực để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Tổng bí thư khẳng định đây là vấn đề rất lớn, hệ trọng và nhạy cảm, được nhiều nước trên thế giới quan tâm. “Dù muốn hay không thì vẫn phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu. Vậy thì phải xử lý như thế nào cho đúng trước tình hình này. Việc này không phải bây giờ mới xảy ra, trong lịch sử đã xảy ra nhiều lần rồi và chúng ta phải tìm mọi cách để chung sống hòa bình hữu nghị với nhau nhưng cũng phải giữ cho được độc lập chủ quyền”, Tổng bí thư nói.

Tổng bí thư chỉ rõ: “Việc TQ hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN là vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước VN – TQ, ảnh hưởng đến an ninh an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông. VN kịch liệt phản đối, yêu cầu TQ rút giàn khoan Hải Dương-981 và các tàu hộ tống đi cùng ra khỏi vùng biển của nước ta, đi vào đàm phán, đối thoại. Chúng ta chủ trương đấu tranh một cách toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp cả trên thực địa, cả về chính trị, ngoại giao, tuyên truyền đối ngoại, nhưng với tinh thần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết và kiên trì, không để xảy ra xung đột, không để xảy ra chiến tranh. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn phức tạp; chủ trương của chúng ta là giải quyết bằng con đường đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, kể cả con đường đấu tranh pháp lý”. “Có ý kiến nói lỡ chiến tranh xảy ra thì sao? Thì chúng ta phải chuẩn bị tất cả mọi khả năng, dù chúng ta không mong muốn chiến tranh xảy ra và cố gắng làm mọi cách để nó không xảy ra”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Theo Tổng bí thư, TQ đang có ý đồ muốn hiện thực hóa đường “lưỡi bò”, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ, trên thực tế họ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa. Song Đảng và Nhà nước ta kiên định đấu tranh, khẳng định chủ quyền tiếp tục đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa.

Củng cố hồ sơ, cân nhắc đấu tranh pháp lý với TQ

 

 
 

Dù về hưu cũng phải xác minh tài sản

Trao đổi với cử tri, Tổng bí thư khẳng định hiện nay phòng chống tham nhũng cũng là vấn đề lớn được người dân cả nước quan tâm không kém biển Đông. “Đây là thứ giặc nội xâm, giặc trong chính lòng mình, là loại địch có trong chính mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi đơn vị của chúng ta. Tham nhũng liên quan đến dây mơ rễ má, đến những người có chức có quyền, có quan hệ, tồn tại qua nhiều năm tháng, ăn sâu vào tận trong lòng rồi nên cuộc đấu tranh này hết sức nóng bỏng và cực kỳ phức tạp”, Tổng bí thư nói và nhìn nhận hiện đang có những khâu yếu trên mặt trận này cần được chấn chỉnh, đó là việc kê khai tài sản, việc điều tra, xét xử, thu hồi tài sản tham nhũng. Về tài sản của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Tổng bí thư cho biết Ban Bí thư đã giao cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư xác minh. “Dù có về hưu cũng vẫn phải làm. Vẫn phải kiểm điểm ở cơ quan kiểm tra của Đảng. Quan trọng là chúng ta phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”, Tổng bí thư khẳng định và cho biết: “Năm nay, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục thành lập các đoàn đi kiểm tra ở các cấp. Không chỉ T.Ư mà còn ở các địa phương, cơ sở”.

T.S

 

 

Trong khi đó, khép lại 2 ngày làm việc với nhiều vấn đề “nóng” của đất nước, đặc biệt là tình hình phức tạp trên biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm củng cố và chuẩn bị hồ sơ để báo cáo lãnh đạo cấp cao xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế đối với TQ.

Thủ tướng nêu rõ hành động TQ hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển VN, về chiến lược VN không bất ngờ về sự việc này, tuy nhiên hậu quả của nó là hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới quan hệ hai nước, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương, định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, kiên định, kiên trì các giải pháp, biện pháp, đối sách đấu tranh bằng biện pháp hòa bình trên thực địa, bằng chính trị – ngoại giao. Bằng thông tin, truyền thông trong nước và nước ngoài, kiên quyết yêu cầu TQ tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của VN.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động xử lý và báo cáo kịp thời những tình huống mới, phức tạp. Đồng thời, tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ, báo cáo lãnh đạo cấp cao xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị thiệt hại; làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. “Dứt khoát không để tái diễn sự việc như vừa qua tại một số địa phương”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu phải tăng cường thông tin, tuyên truyền về môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Không để lệ thuộc kinh tế vào nước nào

Liên quan đến điều hành phát triển KT-XH năm 2014, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết tâm, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ KT-XH chủ yếu đã đề ra từ đầu năm. Trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% và kiểm soát lạm phát tăng không quá 6%. Thủ tướng nhấn mạnh: “Không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu chỉ tiêu phát triển KT-XH”.

Để ứng phó với những tác động tiêu cực về KT-XH do tình hình phức tạp trên biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương VN xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. “VN hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nền kinh tế trên thế giới chứ không phụ thuộc vào bất cứ nền kinh tế nào”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy nhanh tiến độ Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. “Các biện pháp bảo đảm nền kinh tế VN không phụ thuộc vào một thị trường nhất định đã được nêu ra trong nội dung Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau đó do Văn phòng Chính phủ chủ trì, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nên cho biết thêm các giải pháp để không lệ thuộc vào nền kinh tế của TQ hay các quốc gia khác đã được Chính phủ triển khai từ trước đó. Tuy nhiên, thời gian tới cần phải tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt và hiệu quả hơn nữa. Theo Bộ trưởng Nên, Chính phủ cũng đưa ra các tình huống xấu như TQ có thể hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu tại biên giới, xấu hơn là rút các nhà thầu tại các dự án đang triển khai tại VN. “Tuy nhiên đến giờ phút này qua nghe báo cáo, Chính phủ có thể khẳng định tác động tuy có nhưng ở mức độ không lớn, hoàn toàn có thể giải quyết được”, ông Nên khẳng định và cho biết thêm tại các cửa khẩu có sự hạn chế lưu thông hàng hóa từ phía TQ, nhưng vẫn đang hoạt động không đóng cửa như một số luồng dư luận phản ánh. Ngoài ra, ông Nên cũng khẳng định thông tin vải thiều TQ nhập vào VN là không chính xác. 

 

Chủ tịch nước động viên Cảnh sát biển, Kiểm ngư

Ngày 1.7, tại Hà Nội, đến thăm và tặng quà lực lượng Cảnh sát biển (CSB) và Kiểm ngư (KN), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã động viên và biểu dương những hoạt động thực thi pháp luật trên biển của cán bộ chiến sĩ, nhân viên kiểm ngư trong suốt 2 tháng kể từ khi TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển VN.

Tại Trung tâm thông tin Cục CSB VN, Chủ tịch nước đã giao lưu, xúc động khi lắng nghe những chia sẻ của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển. Chủ tịch nước nhấn mạnh: là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, CSB không chỉ kiên quyết đấu tranh buộc TQ rút giàn khoan Hải Dương-981 để bảo vệ chủ quyền, mà cần làm tốt nhiệm vụ bảo vệ bà con ngư dân bám biển, bảo vệ hoạt động kinh tế thăm dò dầu khí, chống buôn lậu trên biển. Xác định nhiệm vụ trong giai đoạn tới hết sức nặng nề, kéo dài và tốn nhiều công sức, Chủ tịch nước đề nghị lực lượng CSB phải chuẩn bị mọi phương án để hoàn thành nhiệm vụ.

Về công tác trên thực địa, Chủ tịch nước cho rằng điều quan trọng là tập trung tuyên truyền để các lực lượng TQ trên biển hiểu rõ các hành vi sai trái đã gây ra, đồng thời làm sáng tỏ chính nghĩa, tinh thần khoan dung hòa hiếu của người VN. Có như vậy, công tác đấu tranh trên biển mới mang lại kết quả. Chủ tịch nước cũng đề nghị lực lượng CSB cần chăm lo tốt hơn đời sống cán bộ anh em chiến sĩ; khẳng định Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện để các lực lượng thực thi trên biển có đời sống tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ.

Thăm và nói chuyện với lực lượng KN tại Cục KN (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT), Chủ tịch nước lắng nghe những chia sẻ từ đại diện các thuyền trưởng, thuyền phó các tàu KN 951, 956, 799 từ hiện trường trở về báo cáo những thành tích, trở ngại khó khăn sau 2 tháng đấu tranh trên thực địa. Biểu dương lực lượng với tinh thần kiên định, quả cảm đã bám trụ địa bàn, bảo vệ ngư dân trên vùng biển ngàn đời của tổ tiên để lại, Chủ tịch nước cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục xem xét để hỗ trợ các lực lượng này đủ các trang thiết bị cần thiết và hiện đại. 

TTXVN

 

Thái Sơn – Anh Vũ