27/11/2024

Nhật bỏ lệnh cấm tham chiến ở nước ngoài

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe ngày 1.7 thông qua nghị quyết lịch sử bãi bỏ lệnh cấm Lực lượng phòng vệ Nhật tham chiến ở nước ngoài.

 

Nhật bỏ lệnh cấm tham chiến ở nước ngoài

Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe ngày 1.7 thông qua nghị quyết lịch sử bãi bỏ lệnh cấm Lực lượng phòng vệ Nhật tham chiến ở nước ngoài.

 

Nhật bỏ lệnh cấm tham chiến ở nước ngoài
Thủ tướng Abe trình bày một kịch bản bảo vệ người Nhật trong cuộc họp báo – Ảnh: Reuters

 

Đây được xem là sự thay đổi quan trọng trong chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật, đồng thời là một thắng lợi của Thủ tướng Shinzo Abe – người đã xác định việc mở rộng vai trò quân sự của Nhật là hòn đá tảng trong các chính sách của mình kể từ khi trở lại cầm quyền cách đây 18 tháng.

Theo Reuters, bước đi trên sẽ mở rộng đáng kể các phương án quân sự của Nhật bằng việc chấm dứt lệnh cấm vận dụng “phòng vệ tập thể” hoặc trợ giúp một nước bạn bị tấn công. Nó cũng sẽ nới lỏng các hạn chế đối với những hoạt động trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ và những sự cố “vùng xám” chưa đạt đến tầm mức của một cuộc chiến tranh toàn diện. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Bất kể trong hoàn cảnh nào, tôi sẽ bảo vệ tính mạng và sự tồn tại hòa bình của người Nhật. Với tư cách thủ tướng, tôi có trách nhiệm quan trọng này. Với quyết tâm như vậy, nội các đã thông qua chính sách an ninh quốc gia cơ bản”.

Các chính phủ Nhật tiền nhiệm vốn thừa nhận hiến pháp hòa bình của Nhật đã hạn chế các trường hợp sử dụng vũ lực để bảo vệ đất nước. Đến lượt mình, Thủ tướng Abe đã viện dẫn bối cảnh an ninh xấu đi, đặc biệt là sự vươn lên về quân sự của Trung Quốc và mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, làm lý do thúc đẩy việc diễn dịch lại hiến pháp do Mỹ chỉ đạo soạn thảo sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Theo cách diễn dịch mới, các binh sĩ Nhật sẽ có thể hỗ trợ các đồng minh nếu họ bị một kẻ thù chung tấn công, ngay cả khi Nhật không phải là mục tiêu của cuộc tấn công. Những người chống đối nói rằng chính sách mới cuối cùng sẽ mở cánh cửa cho sự tham gia của Nhật vào các chiến dịch quân sự chung như cuộc chiến tại Iraq. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe và các lãnh đạo khác của đảng Dân chủ Tự do khẳng định Nhật sẽ duy trì cam kết từ bỏ chiến tranh của mình. Thỏa thuận đạt được với đảng Komeito trong liên minh cầm quyền bao gồm những hạn chế đối với việc khi nào quyền phòng vệ tập thể được thực thi.

Mỹ, hiện là đồng minh then chốt của Nhật, đã ủng hộ việc diễn dịch lại hiến pháp của chính quyền Abe. Về phần mình, Trung Quốc và Hàn Quốc phản đối nỗ lực của ông Abe, coi đó một bước đi nhằm “tái quân sự hóa” nước Nhật. Theo AP, khoảng 2.000 người phản đối việc diễn dịch lại hiến pháp đã tập hợp trước văn phòng thủ tướng sáng qua, trước khi nội các thông qua nghị quyết được cho là sẽ trao cho nước Nhật cơ hội thể hiện trách nhiệm của mình trước những biến động về an ninh trong khu vực.

Trùng Quang