11/01/2025

Kỳ bí Amazon: Thành phố giữa rừng già

Nơi nào trên trái đất tập trung nhiều động thực vật kỳ lạ nhất? Nơi đâu là mái nhà của những bộ lạc kỳ bí – niềm khao khát được đặt chân đến của biết bao kẻ khám phá? Câu trả lời chung là Amazon, bảo tàng thiên nhiên nhiệt đới kỳ vĩ nhất thế giới, trải rộng đến 9 quốc gia, có con sông với chiều dài và lưu lượng lớn nhất thế giới.

 

Kỳ bí Amazon: Thành phố giữa rừng già

Nơi nào trên trái đất tập trung nhiều động thực vật kỳ lạ nhất? Nơi đâu là mái nhà của những bộ lạc kỳ bí – niềm khao khát được đặt chân đến của biết bao kẻ khám phá? Câu trả lời chung là Amazon, bảo tàng thiên nhiên nhiệt đới kỳ vĩ nhất thế giới, trải rộng đến 9 quốc gia, có con sông với chiều dài và lưu lượng lớn nhất thế giới.

Xe máy và moto-kar là  phương tiện di chuyển chủ yếu ở Iquios
Xe máy và moto-kar là  phương tiện di chuyển chủ yếu ở Iquios   

Đã từng trải nghiệm những giây phút tưởng lả người đi vì khát, vì cái nóng kinh hồn trong những ngày cưỡi lạc đà, lang thang tại sa mạc Gobi; những lúc xây xẩm, muốn gục xuống vì thiếu ô xy trên những đỉnh đèo hơn 5.000 m tại Tây Tạng; những ngày lên nương, vào rừng săn thú cùng với người Si La (một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam) ở vùng miền núi Tây Bắc… nhưng với tôi, khám phá rừng già Amazon, tìm gặp thổ dân luôn là nỗi khao khát dù biết rằng đó là một chuyến đi đầy thử thách.

Những “bài tập” đeo ba lô gần 30 kg đi bộ mấy tiếng đồng hồ, những kỹ năng sinh tồn, nhìn sao, xem phương hướng… được tôi lôi ra tập luyện lại từ vài tháng trước khi lên đường. Dù đã từng ở Peru 2 tháng (năm 2008) khi làm loạt ký sự về người Inca, nhưng khi biết tôi định đi Amazon, viên lãnh sự tại sứ quán Peru vẫn đòi thêm sổ chích ngừa sốt vàng da và một loạt thuốc ngừa khác như: dịch tả, sốt rét… mới đồng ý cấp visa. “Vì sự an toàn của anh thôi. Đến Amazon, không có sự chuẩn bị nào là thừa”, viên lãnh sự chìa cuốn hộ chiếu với dấu đóng visa Peru mới tinh cùng nụ cười: “Chúc chuyến đi an toàn”.

Iquitos – thủ đô sinh thái

Nằm gần biên giới của Colombia và Brazil, được mệnh danh là thủ đô sinh thái của Amazon, Iquitos (một thành phố của Peru) như bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi rừng rậm và những con sông lớn. Muốn đến Iquitos chỉ có thể bằng đường không hoặc đường thủy (khoảng 4, 5 ngày). Đây là thành phố lớn nhất thế giới không thể đến được bằng đường bộ.

Từ Lima (thủ đô Peru) mất gần hai giờ bay để đến Iquitos. Cùng một đất nước, nhưng mới đây tôi hãy còn sùm sụp bận áo ấm, quấn khăn len ho sù sụ vì lạnh, chỉ chưa đầy hai tiếng sau vừa ra khỏi máy bay, cái nóng đã xộc vào. 36 độ C, độ ẩm 90%. Gió thổi ào ào nhưng người vẫn nhớp nháp, khó chịu.

Được phát hiện từ giữa thế kỷ 18, Iquitos khi ấy chỉ là một thành phố nhỏ nằm lẩn khuất trong rừng già. Từ đầu thế kỷ 20, khi cơn sốt mủ cao su (vốn có rất nhiều ở Amazon) bùng nổ, Iquitos trở thành một trong những thành phố sầm uất nhất Nam Mỹ. Nằm ngay con sông Amazon nên Iquitos đã trở thành trung tâm giao thương của châu Âu và cư dân Amazon.

 

Thú rừng bán công khai tại chợ Belen (Iquitos)
Thú rừng bán công khai tại chợ Belen (Iquitos) – Ảnh: Nguyễn Tập 

 

Rồi cơn sốt cao su đi qua (bởi cao su tổng hợp được phát minh và người châu Âu đã có thể “tậu” được những đồn điền cao su tại các nước châu Á), như vừa trải qua một giấc mơ, Iquitos trở về với sự nghèo nàn của mình. Thương cảng nhộn nhịp tàu thuyền nước ngoài ngày nào giờ chỉ còn những chiếc ghe nhỏ trao đổi, mua bán trái cây, sản vật của cư dân quanh vùng. Một thời phồn hoa, thịnh vượng chỉ còn gợi nhớ lại bằng những công trình kiến trúc cũ già nua còn tồn tại cho đến ngày nay xung quanh quảng trường trung tâm.

Tôi bắt chiếc moto-kar (xe máy kéo thùng chở khách đằng sau tương tự xe lôi ở ta) cùng vài du khách nước ngoài để bắt đầu khám phá thành phố. Nếu như hầu hết các nước Nam Mỹ đều sử dụng xe hơi, thì ở Iquitos đa số chạy xe máy (phần lớn là xe đời cũ) phun khói mịt mù. Các bác tài

moto-kar chạy nhanh, lạng lách khá điệu nghệ. Là dân Việt Nam nên tôi chẳng lạ, nhưng với người nước ngoài đó là một trải nghiệm thú vị. Họ rú lên, có người bịt cả mắt lại vì sợ hãi.

Dân Iquitos còn nghèo, nhiều vùng không có điện, nước sạch. Trên những góc phố, mỗi chiều tối, mấy bà nội trợ lại ngồi tụ tập tám chuyện. Bọn nhỏ trần trùng trục rượt đuổi nhau chạy quanh, đến chương trình ti vi là bắt ghế tụ tập lại xem chung bằng cái ti vi nội địa cũ mèm. Ở đây, ti vi, điện thoại, internet không phổ biến lắm. Cái usb 3G mua ở thủ đô Lima được quảng cáo là có thể xài bất kỳ nơi đâu nhưng lên tới đây thì tịt ngóm. Toi mất 200 soles (khoảng 1,4 triệu đồng). 

Mục đích chuyến đi của tôi lần này là tìm gặp bộ lạc người Matsés – những chiến binh ẩn sâu trong rừng già nổi tiếng về những vụ bắt cóc phụ nữ bộ tộc khác về làm vợ và ăn thịt. Một hướng dẫn viên du lịch địa phương nghe thế liền nói: “Đi chi cho xa? Ngay đây thôi, có bộ lạc người Bora và Yagua hay lắm. Nhiều báo, đài cũng đến đó để viết bài, quay phim rồi đấy”. Để chứng minh , anh chìa cho tôi xem một loạt hình thổ dân ngực trần (kể cả nữ), vẽ mặt và người vằn vện đang cầm súng thổi tên (một loại vũ khí của người Amazon để săn thú). “Ồ, hấp dẫn thật!”, tôi quyết định ngay. Ừ, đi…

 

Rừng nhiệt đới Amazon chiếm 5,5 triệu km2, trải rộng khắp 9 quốc gia Nam Mỹ (Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Ecuador, Bolivia, Guyana, Surinam và Guyana thuộc Pháp). Rừng Amazon chiếm hơn 50% rừng nhiệt đới trên thế giới với hơn 2 triệu rưỡi loài côn trùng, hàng chục ngàn loài động thực vật. Amazon còn nổi tiếng với những loài thú dữ như: trăn khổng lồ anaconda, ếch độc, cá cọp piranha…

 

 

Nguyễn Tập