28/11/2024

Phở lon Việt Nam đến Nhật

Ông Yoshimasa Hayashi, bộ trưởng nông lâm nghiệp và thuỷ sản Nhật Bản, khẳng định Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi nông nghiệp chất lượng cao từ sản xuất đến chế biến, sau đó đưa sản phẩm vào Nhật

Phở lon Việt Nam đến Nhật

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi nông nghiệp chất lượng cao từ sản xuất đến chế biến, sau đó đưa sản phẩm vào Nhật”.

Một đoàn doanh nghiệp Nhật tham quan Công ty Rồng Đỏ (Bình Dương) – doanh nghiệp đang xuất thanh long tươi sang Nhật – Ảnh: Trần Mạnh 

Ông Yoshimasa Hayashi, bộ trưởng nông lâm nghiệp và thuỷ sản Nhật Bản, đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26-6.

 

Ông Yoshimasa Hayashi nói:

– Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của tôi lần này chính là để thực hiện những nội dung đã ký kết giữa bộ nông nghiệp hai nước nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 3-2014. Trong đó, hai nước sẽ triển khai những chương trình hợp tác cụ thể nhằm giúp Việt Nam xây dựng một chuỗi sản xuất nông nghiệp chất lượng cao từ sản xuất đến chế biến và lưu thông, phân phối.

 

Ông Yoshimasa Hayashi – Ảnh: Trần Mạnh

Trong 10 năm gần đây tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ổn định ở mức cao 5-6%, cộng với lực lượng lao động trẻ với 60% dân số dưới 30 tuổi. Đây là tiềm năng thu hút đầu tư không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà cả ở lĩnh vực công nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2016 trở đi Asean sẽ trở thành một thị trường thống nhất cũng là một tiềm năng rất lớn mà các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng khi đầu tư vào Việt Nam.

 

* Trong giai đoạn đầu hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam – Nhật Bản, lĩnh vực nào sẽ được hai nước tập trung hợp tác, thưa ông?

– Nhật Bản sẽ tập trung nhiều vào các mặt hàng thế mạnh tại Việt Nam như tôm, cà phê…, đây là những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu vào Nhật ngày càng nhiều. Tuy nhiên để tăng giá trị sản phẩm và bám rễ vào thị trường, các công ty Việt Nam phải sản xuất được các mặt hàng có chất lượng cao đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm để người tiêu dùng an tâm. Đó cũng là một trong những trọng tâm của mối liên kết giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam nhằm xây dựng những sản phẩm an toàn. Một khi Việt Nam đã tạo ra những sản phẩm chất lượng như tại Nhật Bản thì không chỉ có tôm, cà phê mà còn nhiều sản phẩm nông nghiệp thực phẩm khác sẽ được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất tại Việt Nam sau đó đưa về Nhật Bản.

 

“Để biến sự hợp tác này trở thành hiện thực, chúng tôi sẽ kết hợp các hình thức hợp tác công – tư giữa vốn ODA của Chính phủ và các công ty tư nhân để tạo thành một chuỗi nông sản chất lượng cao”

Ông Yoshimasa Hayashi

 

Trong chuyến đến Việt Nam lần này, chúng tôi đã đến thăm Công ty Acecook (vốn đầu tư của Nhật) tại TP.HCM và được thưởng thức món phở đóng lon làm từ gạo Việt Nam rất ngon. Sản phẩm này đã được xuất khẩu sang Nhật, tôi tin rằng nhiều người Nhật sẽ thích. Đây là một dẫn chứng sinh động cho việc hợp tác giữa hai nước khi Việt Nam có nguồn nguyên liệu nông nghiệp dồi dào sẽ thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư thu mua, chế biến, sau đó xuất khẩu vào Nhật.

* Ngoài hỗ trợ về công nghệ, giống, vốn… Nhật Bản có nới lỏng hàng rào kỹ thuật để nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây tươi, có điều kiện tiếp cận thị trường Nhật hay không?

– Chúng tôi đã có dịp thăm Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM và gặp một doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư trồng thanh long tại Việt Nam với phân nửa sản lượng là xuất khẩu sang Nhật Bản. Dựa vào nhu cầu từ phía Nhật Bản để chúng tôi tạo các điều kiện cho lưu thông hàng hoá từ Việt Nam vào Nhật dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc nới lỏng các điều kiện về an toàn thực phẩm cho riêng sản phẩm của Việt Nam vào Nhật Bản là rất khó, vì yêu cầu này là bắt buộc không chỉ riêng Nhật đặt ra mà còn là các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu.

* Trước đây gạo Việt Nam đã vào Nhật Bản nhưng sau đó bị tạm ngưng vì các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Sắp tới liệu Nhật Bản có nới lỏng các điều kiện để gạo Việt Nam quay lại Nhật, thưa ông?

– Đúng là trước đây gạo Việt Nam đã được xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản nhưng đang tạm ngưng. Chúng tôi sẽ xem xét lại các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng gạo nhằm hỗ trợ tháo gỡ lệnh cấm, đưa gạo Việt Nam xuất khẩu trở lại Nhật Bản. Chúng tôi hi vọng là trong tương lai chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề này. Tuy nhiên như tôi đã nói, tuỳ yêu cầu của người tiêu dùng mà các mặt hàng thực phẩm vào Nhật Bản phải đáp ứng được các điều kiện đặt ra. Vấn đề là chúng ta phải hợp tác để sản xuất những sản phẩm đáp ứng các điều kiện đó.

* Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vào nông nghiệp?

– Việc hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm giúp Việt Nam có thể sản xuất nông nghiệp một cách hiệu quả, chất lượng cao, đầu tư vào chế biến để nâng cao giá trị. Ví dụ như trái nho của Pháp thì không nhiều người biết tới nhưng rượu vang Pháp làm từ nho thì giá trị rất cao. Khi có một trình độ chế biến sâu sẽ góp phần xây dựng thương hiệu nông sản và nâng cao giá trị sản phẩm. Do đó, trọng tâm trong mối liên kết nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản là chúng tôi mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao thông qua chế biến. Các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tham gia từ khâu sản xuất giúp tăng năng suất đến khâu chế biến và lưu thông phân phối để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và có giá trị lớn.

X.TOÀN – T.MẠNH