11/01/2025

Vốn ngoại rót mạnh vào sản xuất

Hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tăng tốc đẩy nhanh việc giải ngân vốn cam kết và mở rộng sản xuất.

Vốn ngoại rót mạnh vào sản xuất

Hàng loạt dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tăng tốc đẩy nhanh việc giải ngân vốn cam kết và mở rộng sản xuất. 
Công ty TNHH Freetrend Industrial A (vốn Trung Quốc – Hong Kong) tại Khu chế xuất Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM vừa tăng vốn thêm 8 triệu USD mở rộng sản xuất - Ảnh: Đ.Dân

 

Dòng vốn ngoại giờ đây không chỉ là những dự án tỉ đô trên giấy, mà đã được chuyển thành vốn đi vào sản xuất trong nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng gia tăng khi các quỹ đầu tư nước ngoài nhắm đến nhiều lĩnh vực đầu tư mới…

Gia tăng vốn đầu tư

 

“Rõ ràng VN đang là một thị trường mới nổi đầy tiềm năng, đặc biệt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân rất lớn và đang gia tăng mạnh. Vì vậy chúng tôi quyết định đầu tư 1 tỉ USD tại VN để xây dựng 20 trung tâm mua sắm từ nay đến năm 2020”

Ông Yasuo Nishitohge (tổng giám đốc Công ty Aeon VN)

 

Sau gần một năm làm ăn tại VN với dự án Trung tâm nghiên cứu và triển khai tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn Microchip (Mỹ) đã quyết định tăng vốn đầu tư lên 1 triệu USD và bắt đầu việc xúc tiến mở nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn tại VN.

“Hiện chúng tôi đang tìm địa điểm để mở nhà máy với quy mô công suất lớn và đầu tư dài hạn trên 30 năm nên cần một địa điểm có hạ tầng hoàn chỉnh, có nhân công được đào tạo và các chính sách ưu đãi thỏa đáng” – ông Ganesh Moorthy, đại diện Microchip, nói. Hiện trong khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Microchip đang hoạt động với hai nhà máy tại Thái Lan với quy mô 40.000 công nhân. Ông Ganesh Moorthy cho biết thêm việc tìm đất mở nhà máy này đang được khảo sát trên nhiều quốc gia nhưng VN là điểm ưu tiên hàng đầu…

Tương tự, tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7, TP.HCM), nhiều loại máy móc, dây chuyền sản xuất được Công ty TNHH Nikken VN vận chuyển từ Nhật sang được gấp rút vận hành thử để đi vào sản xuất. Khá hài lòng với nhà máy vừa được UBND TP.HCM cấp giấy phép đầu tư mới, ông Takashi Sakakibara, tổng giám đốc Công ty Nikken VN, kể rằng khoảng hai năm trước ông tới nghiên cứu về môi trường đầu tư tại VN, sau đó không chỉ nhận thấy cơ hội đầu tư lớn mà còn tìm được sự tương đồng trong văn hóa với con người nơi đây nên đã lên kế hoạch đầu tư vào TP.HCM.

“Mọi thủ tục đầu tư, cấp phép diễn ra khá thuận lợi vì thuê nhà xưởng xây sẵn nên chúng tôi chỉ cần chuyển máy móc vào là có thể sản xuất ngay. Dự kiến sản xuất vừa ổn định chúng tôi sẽ có kế hoạch tăng vốn, mở rộng quy mô dự án” – ông Takashi Sakakibara khẳng định. Đây là dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mà TP.HCM đang kêu gọi đầu tư, chuyên sản xuất các linh phụ kiện kim loại cơ khí chính xác phục vụ các ngành xe hơi, điện, điện tử, y tế, thực phẩm… với tổng vốn đầu tư hơn 700.000 USD.

Không khí sản xuất tấp nập cũng đang diễn ra tại Khu chế xuất Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) khi nhiều công ty ở đây quyết định tăng vốn, mở rộng sản xuất. Là một trong số những công ty tại TP.HCM bị ảnh hưởng nhiều nhất sau vụ đập phá vừa qua, Công ty TNHH Freetrend Industrial A (vốn Trung Quốc – Hong Kong) vẫn quyết định tăng vốn không chần chừ.

Ông Rody Chiu, phó tổng giám đốc điều hành công ty, cho biết việc tăng vốn dự án từ 50 triệu USD lên hơn 58 triệu USD lần này nhằm mở rộng sản xuất. “Mặt hàng giày dép vẫn không ngừng gia tăng lượng tiêu thụ, môi trường đầu tư tại VN đang ngày một tốt hơn, trình độ lao động được nâng cao nên đây là thời điểm chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư” – ông Rody Chiu giải thích thêm.

Xu hướng dịch chuyển

Không chỉ các nhà đầu tư hiện hữu, ngay cả các nhà đầu tư mới cũng coi VN là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn của mình. Ông Thomas Hugger, giám đốc Quỹ đầu tư Asia Frontier Capital (AFC), cho rằng cơ hội ở VN vẫn nhiều, nhất là khi xu hướng các công ty toàn cầu dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang vẫn còn tiếp diễn trong ít nhất 10 năm nữa. “AFC sẽ đầu tư nông nghiệp và dệt may ở VN cũng như một số thị trường tiềm năng khác như Lào, Campuchia, Myanmar” – ông Thomas Hugger nói.

Trong số các nước này, VN đứng đầu về mức độ ưu tiên của AFC, với 20,1% tổng danh mục đầu tư của quỹ. Lý giải cho điều này, ông Thomas dẫn ra các lợi điểm của VN hiện nay: thị trường tài sản của VN đang ở quanh mức đáy; hệ thống ngân hàng đã và đang được cải tổ, nhất là việc thành lập công ty mua bán nợ xấu; chính phủ vẫn liên tiếp hỗ trợ cho quá trình hồi phục kinh tế ở nhiều mặt. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà VN đang tham gia đàm phán có thể mang lại những cơ hội rất lớn cho nhà đầu tư. Đặc biệt, ông phát hiện dòng vốn ngoại đang chảy vào hướng bền vững là sản xuất thay vì đầu cơ, thể hiện ở các dự án đầu tư lớn như của Samsung tại Bắc Ninh…

Trong khi AFC chọn nông nghiệp và dệt may thì giám đốc Tập đoàn VinaCapital Don Lam tin rằng các lĩnh vực phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về tiêu dùng nội địa sẽ có cơ hội phát triển, mở rộng, kể cả ngắn lẫn dài hạn. Đó là các ngành nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và tài chính ngân hàng. “Các dự án bất động sản mà đặc biệt là nhà ở phân khúc trung bình sẽ tiếp tục phát triển” – ông Lam dự báo thêm.

ĐÌNH DÂN – HỒNG QUÝ

 

 

 

Lượng vốn FDI giải ngân 6 tháng đầu năm 2014 và so với cùng kỳ – Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ KH&ĐT – Đồ họa: V.Cường

 

Đang xem xét hàng chục dự án tỉ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch – đầu tư), trong sáu tháng đầu năm 2014 các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân được 5,75 tỉ USD. Cùng thời điểm, tổng số vốn FDI (tính chung cấp mới và tăng vốn) đăng ký đầu tư vào VN đạt 6,85 tỉ USD. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỉ USD.

Ông Đỗ Nhất Hoàng – cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – cho biết hiện có hàng chục dự án FDI với số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỉ USD đang đàm phán, nếu thuận lợi sẽ cấp phép trong cuối năm 2014. Các dự án này tập trung vào lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp chế biến chế tạo.

Đ.DÂN