Giàn khoan càn quấy ở cửa vịnh Bắc bộ
Trong khi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) cùng một số lượng lớn tàu hộ tống và máy bay của Trung Quốc vẫn đang hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam thì giàn khoan thứ hai trên biển Đông, Nam Hải-09, đã bắt đầu được vận hành từ ngày 24.6 và sẽ hoạt động cho đến ngày 20.8.
Giàn khoan càn quấy ở cửa vịnh Bắc bộ
An ninh biển Đông sẽ diễn biến xấu đi từng ngày nếu Trung Quốc cứ tiếp tục các động thái như họ đang làm.
|
Trong khi giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) cùng một số lượng lớn tàu hộ tống và máy bay của Trung Quốc vẫn đang hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam thì giàn khoan thứ hai trên biển Đông, Nam Hải-09, đã bắt đầu được vận hành từ ngày 24.6 và sẽ hoạt động cho đến ngày 20.8. Trong cuộc họp báo quốc tế ngày 26.6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định khu vực giàn khoan Nam Hải-09 và tàu khảo sát 719 hoạt động thuộc vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc bộ chưa được phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo luật pháp và thực tiễn quốc tế, không bên nào được đơn phương hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở vùng biển chồng lấn chưa được phân định.
Tiến sĩ Ian Storey (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Singapore) nhận định với Thanh Niên: “Nếu giàn khoan Nam Hải-09 hoạt động trong vùng biển chưa phân định thì rõ ràng và đơn giản đây là một hành động phi pháp”.
Bà Tôn Vân, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ), nhận định chính sách đối ngoại của Bắc Kinh luôn có hai khía cạnh: đàm phán ngoại giao để dư luận thấy mình cũng muốn hòa khí và thân thiện, nhưng lại sử dụng các phương thức cưỡng bức ở thực địa để khẳng định cái gọi là chủ quyền. Tuy nhiên, với những động thái gần đây, dường như Trung Quốc đã quyết định đánh đổi hình ảnh của mình và an ninh khu vực nói chung cũng như biển Đông sẽ ngày càng bất an. Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, chuyên gia Richard Bitzinger thuộc ĐH Nanyang (Singapore) nói: “Một khi Bắc Kinh đã quyết định rồi thì họ sẽ cho triển khai thêm nhiều giàn khoan khác nữa xuống biển Đông để khẳng định cái gọi là chủ quyền. Mỗi khi tiến hành một động thái “dân sự” như hạ đặt giàn khoan, hầu như chắc chắn Bắc Kinh cũng chuẩn bị các nguồn lực quân sự và bán quân sự cần thiết để bảo vệ”.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành động đơn phương ở vùng chồng lấn chưa được phân định và vi phạm thỏa thuận song phương về hoạt động trong vùng tương tự. Hồi năm 2008, nước này và Nhật Bản ký thỏa thuận cùng khai khác các mỏ khí đốt trong vùng mà hai bên đều tuyên bố có đặc quyền kinh tế ở biển Hoa Đông, trong đó có mỏ Xuân Hiểu/Shirakaba. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các công ty Trung Quốc không ít lần đơn phương khai thác mỏ Xuân Hiểu/Shirakaba, khiến Nhật vô cùng phẫn nộ, theo tờ Yomiuri Shimbun. Vì thế, giới quan sát cảnh báo ngoài các ý đồ như tạo thêm áp lực đồng thời phân tán sự chú ý và phản ứng của Việt Nam cũng như dư luận quốc tế khỏi giàn khoan Hải Dương-981, sự xuất hiện của giàn khoan Nam Hải-09 còn nhằm mục đích tạo sự đã rồi để Trung Quốc có thể tiếp tục vi phạm sau khi hai bên đạt được thỏa thuận phân định ở cửa vịnh Bắc bộ.
Nhiều nước trên thế giới cũng đã có hiệp ước lập vùng phát triển chung tại các khu vực chồng lấn trên biển nhưng ít có chuyện một bên đơn phương phát triển dự án. Theo nghiên cứu của ĐH Wollongong (Úc), không có vụ vi phạm nào giữa Nhật và Hàn Quốc trước và sau khi hai bên hoàn tất thỏa thuận phân định quyền tài phán ở vùng chồng lấn trên biển Hoa Đông năm 1974. Cũng tương tự như vậy trong trường hợp Colombia và Jamaica đối với hiệp ước song phương ký năm 1993. Mới đây nhất, Indonesia và Philippines hồi tháng 5 đã ký hiệp ước phân định vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn sau 20 năm đàm phán. Trong bài phân tích trên chuyên san The Dilopmat, Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và EU Arif Havas Oegrosen, người từng tham gia đàm phán hiệp ước trên, cho hay đàm phán đã thành công sau khi Philippines chịu bỏ qua yếu tố lịch sử và tuân theo Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). Từ đó, ông cho rằng cách giải quyết tranh chấp biển giữa Indonesia và Philippines có thể là bài tham khảo quan trọng cho các bên tranh chấp ở biển Đông. Minh Trung
|
Quan ngại tại Rimpac Ngày 27.6, Đài TV5 dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg khẳng định bản đồ khổ dọc mới của Trung Quốc bao gồm đường lưỡi bò ôm gần trọn biển Đông không có cơ sở pháp lý quốc tế, vi phạm Công ước LHQ về luật Biển. Trước tình trạng Trung Quốc ngày càng có hành động hung hăng ở biển Đông, nhiều nghị sĩ, cựu quan chức Mỹ đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc lần đầu được mời tham gia RIMPAC, cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới do Mỹ chủ trì. Báo mạng The Washington Free Beacon dẫn lời nghị sĩ J.Randy Forbes thuộc Ủy an Quân vụ Hạ viện Mỹ tuyên bố: “Trước hành vi hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở châu Á – Thái Bình Dương, tôi lo ngại về việc họ được cho cơ hội tham gia cuộc diễn tập danh tiếng như thế”. Trung Quốc đã gửi 4 tàu chiến đến tham gia RIMPAC 2014, từ ngày 26.6 – 1.8. Tham gia tập trận lần này có 22 quốc gia, với tổng cộng 25.000 binh sĩ cùng 47 tàu chiến, 6 tàu ngầm và hơn 200 máy bay. Minh Trung
|
An Điền – Văn Khoa