12/01/2025

Doanh nghiệp bớt khó khăn

Ngày 27-6, tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê khẳng định doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn, dựa trên những số liệu điều tra hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

 

Doanh nghiệp bớt khó khăn

Ngày 27-6, tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê khẳng định doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn, dựa trên những số liệu điều tra hoạt động thực tế của doanh nghiệp.

 

 

GDP sáu tháng đầu năm 2014 đã khởi sắc so với cùng kỳ năm 2012 và 2013 – Ảnh: Đ.Dân – Đồ họa: V.Cường

 

Ông Phạm Đình Thúy – vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê – cho biết tổ chức này đã điều tra trên 7.600 doanh nghiệp và kết quả cho thấy doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn! “Tất cả chỉ tiêu, như GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp… đều cho thấy kinh tế Việt Nam đang trong đà đi lên, cơ bản đã thoát đáy” – ông Thúy nói.

 

CPI dự báo trên 5%

Theo Tổng cục Thống kê, GDP sáu tháng đầu năm 2014 ước tăng 5,18% và dự báo CPI năm 2014 sẽ trên 5%. Sáu tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 1,3 tỉ USD.

 

Tính đến ngày 1-3-2014, tổng số doanh nghiệp phải dừng sản xuất kinh doanh chỉ còn chiếm 5,6% tổng doanh nghiệp, giảm so với mức 8,4% cùng thời điểm 2012. Đặc biệt, có tới 71,6% doanh nghiệp cho biết doanh thu 2014 của họ sẽ tăng (tỉ lệ này trong năm 2013 là 54%), 75% doanh nghiệp khẳng định lợi nhuận sẽ cao hơn năm 2013. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp mở rộng quy mô về vốn, lao động vẫn thấp, chứng tỏ doanh nghiệp vẫn rất thận trọng để tránh rủi ro. “Thực tế, có tới 50,5% doanh nghiệp không vay vốn cho sản xuất kinh doanh, cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn tin vào sự hồi phục và ổn định của thị trường” – ông Thúy nói.

Cũng tại buổi họp, bà Lê Thị Minh Thủy – vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ – thừa nhận Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng, sáu tháng đầu năm lên tới 13,1 tỉ USD. Từ cuối tháng 5-2014, khi có căng thẳng ở biển Đông, thương mại Việt – Trung giảm nhẹ, nhưng chủ yếu là xuất khẩu của Việt Nam giảm, “nhập khẩu chưa giảm đáng kể”. Theo bà Thủy, số liệu cho thấy nhập khẩu máy móc thiết bị Trung Quốc vẫn rất lớn, việc Trung Quốc trúng thầu và nhập hàng Trung Quốc là vấn đề “đáng quan tâm”.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cũng cho biết căng thẳng biển Đông khiến một số hoạt động tăng trưởng giảm đi, chẳng hạn khách Trung Quốc giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, khách sạn, bán lẻ… Hoạt động xây dựng cũng bị ảnh hưởng, chủ yếu bởi hoạt động ngưng thầu của nhà thầu Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu tăng GDP 5,8% năm 2014.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm – tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam sáu tháng đầu năm đã tăng trưởng khả quan hơn nhưng sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vừa qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong sáu tháng cuối năm. Theo ông Lâm, nếu quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc bị ngưng trệ, Việt Nam không tìm được nguồn thay thế thì GDP của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10%. “Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không ngồi yên, như Việt Nam đã làm việc với Ấn Độ để tìm nguyên liệu dệt may. Thay vì xuất vải sang Trung Quốc, Việt Nam đang tìm đường xuất sang Hàn Quốc” – ông Lâm nói.

CẦM VĂN KÌNH