28/11/2024

Phải giữ bằng được chủ quyền

“Trừ khi nào họ nói họ từ bỏ đường chín đoạn hoặc chúng ta từ bỏ chủ quyền – mà điều này chắc chắn không người dân Việt Nam nào chấp nhận. Do đó chúng ta phải tiếp tục kiên trì, bền bỉ đấu tranh” – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải giữ bằng được chủ quyền

“Trừ khi nào họ nói họ từ bỏ đường chín đoạn hoặc chúng ta từ bỏ chủ quyền – mà điều này chắc chắn không người dân Việt Nam nào chấp nhận. Do đó chúng ta phải tiếp tục kiên trì, bền bỉ đấu tranh” – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu và nói chuyện với các cử tri sáng 26-6 – Ảnh: T.T.D. 

Ngày 26-6, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã lắng nghe, dành nhiều thời gian trao đổi các ý kiến bức xúc tại hai buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.

 

Nóng bỏng hơn cả là vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã hạ đặt trái phép tại vùng biển của Việt Nam.

Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc sáng 26-6 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, ông Trần Ngọc Thổ (ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) nói: trong khi Đảng, Nhà nước ta kiên trì nhẫn nại đấu tranh hòa bình, tôn trọng Trung Quốc… nhưng Trung Quốc vẫn ngang ngược, có dã tâm xâm lược nước ta.

“Họ không có cái gì tốt với chúng ta cả”

 

“Năm nay không xong thì năm tới, mười năm này không xong thì mười năm sau, đời ta không xong thì đến đời con cháu, phải dứt khoát như vậy. Trước sau như một, vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, phải giữ gìn”

Chủ tịch nước TRƯƠNG TẤN SANG

 

Ông Huỳnh Tấn Mẫm (cử tri TP.HCM) cho rằng nếu cứ để Trung Quốc lấn tới, đặt mọi chuyện vào sự đã rồi thì sẽ khó khăn cho nước ta. Do vậy, theo ông, tiếng nói của nhân dân là vô cùng quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Ông Mẫm cho biết nhiều người vẫn rất bức xúc trước những hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam vỡ thành từng mảnh. Người dân rất quan tâm vấn đề kiện Trung Quốc ra quốc tế và mong muốn Quốc hội phát biểu liên quan đến vấn đề này. Theo ông Mẫm, Quốc hội không ra được nghị quyết (về biển Đông, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển của Việt Nam), trong khi nghị quyết thì cao hơn thông cáo và thế giới nhìn về nghị quyết nhiều hơn.

Ông Trần Thiện Tứ (cử tri TP.HCM) cho rằng Quốc hội họp xong nhưng đưa ra ý kiến chung chung và nêu như vậy là chưa “đủ đô”, cần có một nghị quyết hay tuyên bố mạnh mẽ hơn. Ông Tứ đồng ý với đề xuất của đại biểu Trương Trọng Nghĩa về vấn đề này. “Đối với Trung Quốc, nghĩa tình đầy đủ nhưng đúng sai phải rõ ràng, còn đến bây giờ đúng sai vẫn ỡm ờ” – ông Tứ bức xúc. Theo ông Huỳnh Văn Mười (cử tri TP.HCM), cần kiên quyết kiện Trung Quốc ra quốc tế, chỗ dựa lớn nhất là dân tộc Việt Nam và luật pháp quốc tế. Ông Mười còn đề nghị vạch rõ âm mưu có hệ thống của Trung Quốc cho nhân dân biết.

Theo ông Huỳnh Tấn Mẫm, với hành động nói trên của Trung Quốc thì không còn 16 chữ, 4 tốt. Trung Quốc đã nói dối, tàu Trung Quốc đâm nát một phần tàu Việt Nam nhưng người phát ngôn của Trung Quốc lại nói tàu nước ta tấn công tàu của họ. Đó là sự dối trá công khai. Quan hệ với Trung Quốc phải là quan hệ bình đẳng và muốn vậy, nền kinh tế Việt Nam phải mạnh và củng cố nền quốc phòng toàn dân, không để lệ thuộc Trung Quốc.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm (ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) kiến nghị Đảng, Nhà nước nhìn nhận một cách thẳng thắn về tình đồng chí, tình bạn bè với Trung Quốc như thế nào để đánh giá. Nhân dân, đặc biệt là trí thức, đặt vấn đề Đảng, Nhà nước ta nhìn nhận quan hệ thực chất với Trung Quốc như thế nào? Có còn là đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt nữa không? Hay đây là chiêu bài được nêu lên nhưng thực tế họ (Trung Quốc) không có cái gì tốt đối với chúng ta cả?

“Thủ tướng Phạm Văn Đồng không nói thế…”

 

Phải giải quyết kịp thời bức xúc của dân

Chiều 26-6, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM (đơn vị 4) đã tiếp xúc cử tri quận 11. Tổ đại biểu đã thông tin chi tiết kết quả làm việc của kỳ họp đến đông đảo cử tri… Trao đổi với cử tri tại buổi tiếp xúc, đại biểu Lê Thanh Hải (ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP) lưu ý các cấp chính quyền phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân; cần gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân…

Q.THANH

 

Trao đổi tại cuộc tiếp xúc với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: Đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước là Việt Nam muốn làm bạn, đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, vì sự phát triển, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi. Từ đường lối này, Việt Nam đã quan hệ với hầu như khắp các nước trên thế giới. “Tôi muốn nói điều này để khẳng định một điều rằng chúng ta không lệ thuộc bất cứ ai cả” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Ông Phạm Văn Đồng (cố thủ tướng) có bao giờ nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc đâu, đã đăng công khai trên mạng hết rồi. Hãy lật lại Hiến pháp năm 1946 xem nước Việt Nam lúc bấy giờ ai là người có thẩm quyền tuyên bố chủ quyền. Tôi đã đọc kỹ từng chữ (công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) và tôi là người Việt Nam, trình độ cỡ này không thể không hiểu được chữ Việt. Xung quanh việc công nhận 12 hải lý, lúc bấy giờ thế giới cũng đang bàn luận và từ năm đó cho đến năm 1982 thì Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mới thừa nhận nội thủy là 3 hải lý, lãnh hải 12 hải lý. Lúc bấy giờ tư duy của các cụ mình cũng theo tư duy số đông của thế giới là muốn quốc gia có biển là lãnh hải phải 12 hải lý và mình thừa nhận 12 hải lý đó.

Tại lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ mới đây, tôi thay mặt quốc dân đồng bào đọc diễn văn, đều cảm ơn nhân dân Liên Xô và Trung Quốc, nhưng rất tiếc hôm đó đại diện của Trung Quốc không có mặt. Mặc dù Trung Quốc đã đưa giàn khoan vào vùng biển của nước ta và chúng ta vẫn nói đàng hoàng, mấy khẩu súng mà cụ đại tướng sử dụng tại Điện Biên, trong đó có của Trung Quốc, chúng ta đâu có quên. Nhưng không vì thế mà bắt chúng ta phải thế này thế nọ, không được. Họ cũng phải cảm ơn ta, nếu chúng ta không chống xâm lược thì xâm lược cũng đến nhà họ thôi”.

Trước câu hỏi ai vi phạm (các thỏa thuận liên quan đến biển Đông), Chủ tịch nước cho biết “chắc chắn sớm chiều gì cũng sẽ gặp lại lãnh đạo của Trung Quốc và câu đầu tiên tôi muốn hỏi là ai vi phạm? Phải trả lời việc này chứ không lẽ nói thôi bỏ qua đi, đâu có dễ vậy”. Theo Chủ tịch nước, Việt Nam sẽ làm tối đa bằng con đường ngoại giao, còn trên thực địa thì biển của ta, ta phải giữ. Việt Nam đã khẳng định sáng ngời chính nghĩa, luôn hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình.

Tình hình còn phức tạp hơn

Chiều cùng ngày, tổ đại biểu Quốc hội số 1 (gồm các đại biểu Trương Tấn Sang, Trần Du Lịch, Hoàng Hữu Phước) đã tiếp xúc với cử tri Q.1, TP.HCM. Cử tri Nguyễn Đăng Cường (P.Tân Định) đặt câu hỏi: “Trung Quốc vẫn đang ngày càng ngang ngược. Tôi muốn hỏi chúng ta nhịn được tới bao giờ?”.

Đồng cảm với nỗi lòng của bà con cử tri, Chủ tịch nước nói: “Thời gian qua, vấn đề chủ quyền biển đảo là chuyện mà đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài bức xúc ghê gớm. Nhịp đập con tim người dân Việt Nam trên khắp địa cầu này đều giống nhau”. Về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Chủ tịch nước giải thích đó là mối quan hệ lâu đời và trải qua nhiều thăng trầm, có lúc rất hữu hảo, có lúc lại hết sức khó khăn. Nhưng trước sau chúng ta vẫn khẳng định Việt Nam luôn mong muốn xây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị. Trong mối quan hệ đó, ta chủ trương tăng cường phát triển những điểm đồng. Những gì còn bất đồng thì buộc ta phải đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đặc biệt là chủ quyền biển đảo thì càng phải đấu tranh.

Về yêu cầu sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc, Chủ tịch nước trấn an: “Xin bà con yên tâm rằng không có nước nhỏ nào lại không quan tâm đến vấn đề pháp lý, không dùng luật pháp quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia cả!”. Về biện pháp sắp tới cần làm, Chủ tịch nước dự báo trước tình hình sẽ còn gay gắt và phức tạp hơn chứ chưa giảm. “Trừ khi nào họ nói họ từ bỏ đường chín đoạn hoặc chúng ta từ bỏ chủ quyền – mà điều này chắc chắn không người dân Việt Nam nào chấp nhận. Do đó chúng ta phải tiếp tục kiên trì, bền bỉ đấu tranh” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Hãy biến khó khăn thành quyết tâm

Để cuộc đấu tranh lâu dài có kết quả, Chủ tịch nước lưu ý nền kinh tế đất nước “ốm yếu” quá thì tiếng nói đất nước sẽ không có sức nặng. “Bà con mình nên động viên nhau ra sức đoàn kết sản xuất để xây dựng nền kinh tế. Hãy biến khó khăn thành quyết tâm đưa nền kinh tế, nền quốc phòng của đất nước phát triển lên một bước mới. Ngoài ra còn nỗ lực xây dựng bộ máy chính quyền. Những lúc đất nước khó khăn như thế này, làm thế nào để tiếng kêu ca, phàn nàn của dân đến xã, phường, quận huyện, tỉnh giảm đi, tiếng khen thì tăng lên, làm sao cho bộ máy phải được sự tin cậy tuyệt đối của nhân dân” – Chủ tịch nước tha thiết.

Q.THANH – M.HƯƠNG