10/01/2025

Bản đồ mới của Trung Quốc bị lên án

Tấm bản đồ “đường 10 đoạn” mà Trung Quốc vừa phát hành không chỉ bị các nước láng giềng chỉ trích mạnh mẽ mà còn gây phản ứng ngược từ dư luận trong nước.

 

Bản đồ mới của Trung Quốc bị lên án

Tấm bản đồ “đường 10 đoạn” mà Trung Quốc vừa phát hành không chỉ bị các nước láng giềng chỉ trích mạnh mẽ mà còn gây phản ứng ngược từ dư luận trong nước.

 Tấm bản đồ phi pháp của Trung Quốc - Ảnh: Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam
Tấm bản đồ phi pháp của Trung Quốc – Ảnh: Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam

Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố nhấn mạnh việc Trung Quốc phát hành tấm bản đồ khổ dọc mới cho thấy “tham vọng bành trướng phi lý” của Trung Quốc và hành động này đi ngược lại luật quốc tế và Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Theo ĐàiABS-CBN, trong phát biểu đưa ra ngày 25.6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh: “Chúng ta cần lưu ý rằng đã không quốc gia nào công nhận tuyên bố chủ quyền 9 đoạn trước đây của Trung Quốc. Việc phát hành bản đồ mới không làm cho những lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền trở thành của họ. Chính xác là những tham vọng bành trướng như thế đang gây leo thang căng thẳng tại biển Đông”.

Trong khi đó, tờ South China Morning Post ngày 26.6 dẫn lời chuyên gia Lý Vĩnh Long thuộc Đại học Hạ Môn vạch rõ Trung Quốc muốn dùng bản đồ mới để kiểm tra phản ứng của các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. “Việc để một nhà xuất bản địa phương ấn hành tấm bản đồ trên sẽ cho phép Bắc Kinh tránh né phản ứng mạnh từ các nước láng giềng. Đồng thời nó cũng sẽ mở đường cho chính quyền thúc đẩy việc sử dụng bản đồ này trong tương lai nếu phản ứng không quá nghiêm trọng”, tờ báo dẫn lời ông Lý.

Một số người Trung Quốc cũng tỏ ra không mấy ấn tượng với tấm bản đồ mới và xem đó là hành động sai trái. Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một người có tên Wu Ge viết trên mạng Weibo: “Có thực sự hữu ích hay không khi cố tình gom hết (các đảo) vào mình? Chẳng có gì khác ngoài tham vọng bị lộ rõ. Việc làm đó (của Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam) chỉ cho thấy những kẻ cực tả dễ dàng hòa lẫn với chủ nghĩa yêu nước mù quáng”. Luật sư Harry Roque thuộc Viện Nghiên cứu luật pháp quốc tế của Đại học Philippines nhận định Trung Quốc dường như đang bối rối vì nước này liên tục thay đổi thông tin trong tuyên bố chủ quyền của họ. “Về mặt pháp lý mà nói, đường 10 đoạn mang tính tư lợi do đang có một tiến trình thẩm định giá trị pháp lý của đường 9 đoạn. Bất kể Trung Quốc làm gì, cuối cùng tòa án quốc tế mới là cơ quan phán quyết về tính hợp pháp của đường 9 đoạn hay đường 10 đoạn”, Đài ABS-CBN dẫn lời ông Roque.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng bản đồ để khẳng định chủ quyền phi lý ở biển Đông. Hộ chiếu mới nhất của Trung Quốc được ban hành năm 2012 đã in kèm một bản đồ “ôm” hầu hết vùng biển này, dẫn đến làn sóng phản đối gay gắt của nhiều nước láng giềng.

 

Lãnh đạo Mỹ, Singapore bàn về biển Đông

Ngày 25.6, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thảo luận mối quan ngại chung về “hành vi gây bất ổn” của Trung Quốc trên biển Đông, theo thông báo của Nhà Trắng. “Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định mối quan tâm chung của hai nước về luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và giải quyết các vấn đề tranh chấp biển đảo thông qua các biện pháp hòa bình”, thông báo viết.

Cũng liên quan đến tình hình biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel ngày 25.6 tuyên bố những nỗ lực dùng vũ lực để áp đặt các tuyên bố chủ quyền ở những vùng biển tranh chấp không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực mà còn hủy hoại vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. “Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc đang lên, nên giữ hành vi có chuẩn mực cao. Việc cố tình phớt lờ các biện pháp ngoại giao và hòa bình khác trong giải quyết các bất đồng và tranh chấp, thay vào đó lựa chọn áp dụng sự cưỡng bách bằng kinh tế và vũ lực là hành động gây bất ổn định và nguy hiểm”, AP dẫn lời ông Russel nói tại một cuộc điều trần trước quốc hội.

 

Trùng Quang