12/01/2025

Dubai: từ trạm tiếp liệu thành sân bay hàng đầu

Từ một trạm dừng tiếp nhiên liệu vô danh ở bán đảo Arab, Dubai ngày nay trở thành trung tâm con đường tơ lụa trên không của thế giới nhờ tầm nhìn và chiến lược đầu tư táo bạo.

 

Dubai: từ trạm tiếp liệu thành sân bay hàng đầu

Từ một trạm dừng tiếp nhiên liệu vô danh ở bán đảo Arab, Dubai ngày nay trở thành trung tâm con đường tơ lụa trên không của thế giới nhờ tầm nhìn và chiến lược đầu tư táo bạo.

Dubai từng phải dùng rất nhiều chiêu để hấp dẫn du khách đi qua đây, như các màn xổ số cả triệu USD, cơ hội trúng thưởng siêu xe Porsche hay các đợt khuyến mãi kéo dài cả tháng. Nhưng giờ đây, những điều đó không còn là lý do thu hút du khách đi qua đây. Dubai đang trở thành trung tâm trung chuyển từ Đông sang Tây.

Mới đây, sân bay này đã lần đầu tiên vượt qua sân bay Heathrow của Anh và trở thành sân bay tấp nập nhất thế giới. Đây là cuộc lột xác ngoạn mục của Dubai khi biết rằng sân bay này chỉ đứng thứ 45 trên thế giới cách đây một thập kỷ và năm 2006 thậm chí chưa lọt được vào nhóm 30.

Sân bay Dubai, thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, tiếp đón hơn 67,3 triệu khách năm ngoái, từ những doanh nhân sành điệu đến các khách du lịch bụi châu Âu, các vận động viên thể thao…

“Nó có một chút lấp lánh, một chút hào nhoáng và mang phong cách Dubai đậm nét nhưng tôi thích nó – viên kỹ sư người Pháp Marius Verscheure nói khi ngồi chờ trong hai giờ đáp tại sân bay Dubai – Nó khổng lồ nhưng bạn không bị choáng ngợp bởi kích thước của nó”.

Canh bạc hàng không

 

Mối đe dọa với châu Âu, Mỹ

Sự phát triển của Dubai rõ ràng là một mối đe dọa với các sân bay châu Âu và Mỹ, vốn trước đây đã thừa nhận bị sân bay ở Trung Đông này hút bớt khách, và cả các đối thủ trong khu vực như Etihad Airways của Abu Dhabi hay Qatar Airways. Thậm chí các sân bay khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hiện là thị trường lớn nhất chiếm đến 30% lợi nhuận của Emirates, cũng sẽ đối mặt với thách thức này.

 

Không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, thậm chí là không dầu mỏ, chỉ 168.000 dân và nhiệt độ trung bình mùa hè luôn trên 38OC, Dubai khởi đầu chỉ là điểm dừng tiếp nhiên liệu cho máy bay nước ngoài.

Nhưng chính quyền đã đặt cược lớn vào những thế mạnh của mình. Ngoài việc không bao giờ bị cản trở vì tuyết, không xảy ra đình công, lợi thế lớn nhất của Dubai chính là vị trí tọa lạc trong tầm tám giờ bay của khoảng 2/3 dân số thế giới.

Thành phố này có thể kết nối hầu như bất cứ hai thành phố nào trên toàn cầu chỉ với một điểm dừng. “Dubai nằm ở trung tâm mạng lưới du lịch toàn cầu, nối châu Á – Thái Bình Dương với châu Âu và châu Phi” – Tổ chức tư vấn hàng không CAPA Center for Aviation đánh giá.

Kể từ khi xác định tham vọng trở thành trung tâm du lịch quốc tế, Dubai cũng đã xây dựng hai trong số những trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới, một có sân trượt tuyết trong nhà lớn nhất thế giới và cái còn lại có một bể cá khổng lồ, tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa cao hơn 828m và một quần đảo nhân tạo hình cây cọ có thể nhìn thấy từ ngoài không gian. Để thu hút du khách, Dubai tổ chức đợt khuyến mãi kéo dài cả tháng cùng với giảm giá phòng khách sạn…

Nhưng chiến lược quan trọng nhất của Dubai là xây dựng Hãng hàng không mới Emirates và phát triển cơ sở hạ tầng hàng không quy mô để hỗ trợ nó.

“Hãng hàng không là mấu chốt trong thành công của Dubai – chuyên gia Jim Krane thuộc Viện Chính sách công Baker của Đại học Rice – nhận định – Du lịch hàng không quyết định sự sống còn của Dubai và nền kinh tế của nó phụ thuộc vào điều đó”.

Hãng hàng không Emirates được thành lập năm 1985 với 10 triệu USD vốn từ Chính phủ Dubai và hai chiếc Boeing 727. Nó nhanh chóng lớn mạnh sau đó nhờ chính sách mở của Dubai nhằm phát triển hàng không và thu hút doanh nhân nước ngoài.

Nhưng lợi thế lớn nhất cho việc lãnh đạo Emirates là ông Sheikh Ahmed bin Saeed al-Maktoum đồng thời lãnh đạo Cơ quan Quản lý hàng không dân sự Dubai, Dubai Airports, và là chú của nhà lãnh đạo Dubai Sheik Mohammed bin Rashid al-Maktoum. Với dàn siêu máy bay A380 hoành tráng, các nhà ga trị giá hàng tỉ USD với hàng trăm cửa hàng miễn thuế… Dubai được dự đoán sẽ nhanh chóng vượt mặt các sân bay của phương Tây.

Mục tiêu 220 triệu khách/năm

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới cách nay năm năm từng suýt khiến Dubai ngã quỵ. Nhưng thành phố này nhanh chóng hồi phục và thậm chí đang lên kế hoạch xây dựng một sân bay thứ hai để đáp ứng sự phát triển.

“Chúng tôi liên tục điều chỉnh mục tiêu bởi nhu cầu mà chúng tôi dự đoán cứ ngày một tăng” – New York Times dẫn lời giám đốc điều hành Paul Griffiths của Dubai Airports. Chính quyền Dubai ước tính lượng khách đến sân bay nước này sẽ vượt sân bay Bắc Kinh, Atlanta để đạt 100 triệu lượt năm 2019 và chạm mốc 220 triệu vào năm 2025.

“Thực tế là sân bay hiện tại đang chịu áp lực về năng suất – Jon Conway, lãnh đạo cấp cao của Dnata, cho biết – Chúng tôi không thể giữ tốc độ gia tăng hành khách ở đây mà không mở rộng thêm”. Sân bay mới Dubai World Central-Al Maktoum lớn hơn nhiều so với sân bay hiện tại, với năm đường băng song song và chi phí xây dựng đến gần 80 tỉ USD. Sau khi hoàn thành, dự kiến trước năm 2025, sân bay có khả năng tiếp nhận đến hơn 120 triệu khách mỗi năm và đạt đến 200 triệu khách vào giữa thế kỷ này.

Với trợ thủ đắc lực là Cơ quan Du lịch hàng không quốc gia Dubai, một trong những nhà cung cấp dịch vụ hàng không lớn nhất thế giới, Dubai đang quyết tâm tiến vào thị trường tiềm năng ở châu Á. Tuy nhiên để làm được điều đó, Dubai còn phải giải quyết được thách thức lớn là chính sách bầu trời mở sẽ được ASEAN áp dụng vào năm sau.

 

TRẦN PHƯƠNG