16/01/2025

Trung Quốc đang bất chấp tất cả

Việc Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan thứ 2 ra biển Đông cho thấy nước này không chịu dừng lại việc khẳng định chủ quyền phi lý của mình.

 

Trung Quốc đang bất chấp tất cả

Việc Trung Quốc tiếp tục đưa giàn khoan thứ 2 ra biển Đông cho thấy nước này không chịu dừng lại việc khẳng định chủ quyền phi lý của mình.

 
Tàu hải cảnh Trung Quốc gần giàn khoan Hải Dương-981 - Ảnh: Độc Lập

Cục Hải sự Trung Quốc ngày 17.6 thông báo sẽ đưa giàn khoan thứ 2 ra biển Đông. Theo đó, từ ngày 18 – 20.6, giàn khoan Nam Hải số 9 sẽ được tàu lai dắt kéo từ tọa độ 17 độ 38 phút vĩ bắc, 110 độ 12,3 phút kinh đông tới vị trí có tọa độ 17 độ 14,6 phút vĩ bắc, 109 độ 31 phút kinh đông trên biển Đông. Theo ước tính, giàn khoan này sẽ neo ở vị trí cách Đà Nẵng khoảng 100 hải lý về phía đông bắc, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 60 hải lý về phía nam.

Trả lời Thanh Niên, các chuyên gia cho rằng với việc công bố động thái trên ngay trong thời điểm Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đến Việt Nam, Trung Quốc một lần nữa cho thấy nước này chỉ “làm những gì mình muốn” để khẳng định cái gọi là chủ quyền trên biển Đông. Bà Tôn Vân, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ) nói: “Sẽ phải còn chờ xem địa điểm hạ đặt cuối cùng của giàn khoan Nam Hải số 9 là ở đâu, nhưng có vẻ động thái đưa nó ra biển Đông vào thời điểm này đã được tính toán kỹ lưỡng. Quyết định này cho thấy Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ con đường khẳng định cái gọi là chủ quyền theo phương thức cưỡng bức”. Theo bà Tôn Vân, trong cách nhìn của lãnh đạo Trung Quốc, những “kiềm chế” từ nước này trong quá khứ đã không làm được gì để giúp cải thiện các tranh chấp trên biển và do vậy, Bắc Kinh bắt buộc phải thay đổi hiện trạng “bằng tất cả các biện pháp cần thiết”. Bà Vân nhận định: “Không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc sẽ dừng lại. Và mỗi khi tiến hành một động thái “dân sự” như hạ đặt giàn khoan như thế này, hầu như chắc chắn Bắc Kinh cũng chuẩn bị các nguồn lực quân sự và bán quân sự cần thiết để bảo vệ các tài sản “dân sự” như thế”.

Các chuyên gia cũng đồng ý là những động thái hạ đặt giàn khoan như thế đã được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng nhằm phục vụ cho các động cơ chính trị chứ không phải kinh tế. Tiến sĩ Euan Graham (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) nói với Thanh Niên: “Vị trí của giàn khoan Nam Hải số 9 gần đảo Hải Nam cho thấy Bắc Kinh muốn tận dụng vị trí và cơ sở hạ tầng để từ đó Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) có thể hỗ trợ hậu cần và bảo vệ giàn khoan. Đây có thể là lý do vì sao bất chấp những nỗ lực hàn gắn và kêu gọi hợp tác trong những năm qua, Việt Nam luôn bị Trung Quốc nhắm đến cho những động thái như thế này. Bắc Kinh đang ngày càng có những động thái khó lường”.

Ngoại giao hai mặt

Theo các chuyên gia, Trung Quốc ngày càng có những hành động đơn phương chỉ bởi vì nước này tự cho mình cái quyền được làm như vậy. Hơn thế nữa, điều quan trọng nhất là Bắc Kinh tin chắc sẽ không ai có thể can thiệp vào những hành động đơn phương liên tục của họ. Giáo sư Adam Fforde (Đại học Victoria, Úc), nhận định: “Những hành động mang tính khiêu khích của Trung Quốc nhằm làm yếu đi sự đoàn kết hay liên minh chống lại tham vọng bá quyền của họ. Cụ thể là Bắc Kinh muốn hướng dư luận tin là sự đoàn kết sẽ vô ích vì Mỹ sẽ không thể ngăn chặn tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam hay hạ đặt một giàn khoan”. Theo Giáo sư Fforde, cứ bằng những hành động gây hấn như vậy, ngày qua ngày, Trung Quốc sẽ tạo ra tình hình mới và đặt các bên liên quan vào “thế đã rồi”. Giáo sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục những bước đi khiêu khích khác của mình, vì: “Đối với Bắc Kinh, lùi bước bây giờ là một sự hổ thẹn và do vậy họ không còn cách nào khác là tiếp tục vai trò của kẻ bắt nạt. Rõ ràng Trung Quốc đang làm những gì mình muốn, nhưng liệu họ có đạt được những gì muốn hay không? Nếu cái Trung Quốc muốn nhắm đến là vị thế của một nước lớn và có tầm ảnh hưởng, thì rõ ràng họ đã và đang thất bại”. GS McCorac cũng cảnh báo Trung Quốc sẽ có những động thái khó lường trong trường hợp Việt Nam điều tàu ra khu vực giàn khoan Nam Hải số 9.

Bà Tôn Vân đúc kết: “Chính sách đối ngoại của Trung Quốc luôn có hai khía cạnh: “Đàm phán ngoại giao để cho dư luận thấy mình cũng muốn hòa khí và thân thiện; nhưng lại sử dụng các phương thức cưỡng bức ở thực địa để khẳng định cái gọi là chủ quyền. Với động thái đưa giàn khoan thứ 2 ra biển Đông, đã đến lúc các nước trong khu vực và Mỹ phải quyết định có thể và sẽ phải làm gì, hay là chấp nhận nhìn Trung Quốc tiếp tục với những hành động đơn phương”.

 

Bao nhiêu giàn khoan nữa ?

Không dừng lại ở giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), đầu tháng 6.2014, báo mạng Hải Dương Trung Quốc (ocean.china.com.cn) từng đưa tin Trung Quốc đang ồ ạt đóng thêm ít nhất 3 giàn khoan lớn khác nữa là Hải Dương-982, 943 và 944 với tổng trị giá lên tới 6,65 tỉ tệ (khoảng 1 tỉ USD). Một số cư dân mạng nước này còn cho rằng Trung Quốc ít nhất sẽ tung tới 4 giàn khoan ra khu vực tranh chấp với Việt Nam trên biển Đông và ngay sau khi giàn khoan thứ 2 là Nam Hải số 9 đã yên vị, giàn khoan thứ 3 sẽ được kéo ra.

Lucy Nguyễn

 

An Điền