13/01/2025

Cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu

Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, không có cách nào khác là Việt Nam phải tận dụng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một cơ hội và một áp lực nhằm cải thiện chất lượng thể chế.

Cơ hội mở rộng thị trường toàn cầu

Làm thế nào để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong một lộ trình nhất định? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS PHạm Sỹ Thành (giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra khuyến cáo và đề nghị nhiều chính sách. Ông Thành nói:

Tình trạng hàng nghìn xe tải chở nông sản nối đuôi nhau xếp dài hàng chục kilômet chờ xuất hàng tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) xảy ra thường xuyên trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc – Ảnh: Quang Thế 

– Với dân số gần 1,4 tỉ người và quy mô kinh tế lớn, Trung Quốc đem lại cơ hội thương mại cho tất cả quốc gia trên thế giới với nhu cầu thị trường không chỉ lớn mà còn đa dạng về phân khúc. Tuy nhiên, Việt Nam không nên chỉ nhìn nhận đây như một thị trường dễ tính (về các hàng rào kỹ thuật) và rẻ tiền (xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp sang Trung Quốc). Sẽ là vấn đề đối với Việt Nam nếu trong quá trình gắn kết với kinh tế Trung Quốc chúng ta không tận dụng được đầy đủ lợi ích của mình, đồng thời không hoặc chưa có các phương án thay thế trong trường hợp xảy ra rủi ro.

* Nhập siêu từ Trung Quốc cho thấy Việt Nam không làm được những điều các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia đã làm được? Và chúng ta sẽ dễ bị tác động hơn?

– Việc chưa tận dụng được nhiều ích lợi từ hoạt động thương mại với Trung Quốc thể hiện trước hết ở việc chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc các hàng thô sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này liên quan đến trình độ công nghệ và sự phát triển của công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam còn rất yếu. Việt Nam chưa nhận được những ích lợi từ thương mại với Trung Quốc giống như những gì Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Singapore nhận được.

 

“Trong lúc này, điều chúng ta cần nghĩ đến là không có kẻ thù và bạn bè nào là mãi mãi, chỉ có lợi ích là mãi mãi. Và vấn đề là làm sao để đạt lợi ích tốt nhất”

 

Những bất lợi đối với sản xuất của Việt Nam khi phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp mà còn tồn tại cả trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay 100% cung ứng thức ăn chăn nuôi rơi vào tay các doanh nghiệp Thái Lan, Đài Loan, Pháp, Trung Quốc; 60-70% thức ăn cho cá tra và 90% thuốc thú y, thủy sản cũng rơi vào tay doanh nghiệp FDI. Do đó, tác động từ cú sốc nguồn cung đối với nông nghiệp có thể còn trầm trọng hơn đối với công nghiệp.

Nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc đều do Việt Nam chưa phát triển được các ngành công nghiệp phụ trợ, đặc biệt trong những ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may (55-60% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc) hay da giày. Ngoài công nghiệp phụ trợ trong nước kém phát triển, còn có nguyên nhân tỉ giá thực đồng VND quá cao khiến doanh nghiệp FDI không có lợi trong việc đầu tư sản xuất linh phụ kiện tại Việt Nam.

* Một số ngành như da giày, dệt may… Việt Nam nói đã tăng tự chủ, nhưng thống kê vẫn cho thấy nhập khẩu các mặt hàng này từ Trung Quốc tăng trong vài năm trở lại đây? Giảm sự phụ thuộc là bài toán khó nếu Nhà nước không vào cuộc?

– Trong thời đại toàn cầu hóa, tất cả nền kinh tế đều phụ thuộc vào nhau ở các mức độ nhất định. Chỉ tính riêng thương mại, Hàn Quốc và Đài Loan có tỉ trọng thương mại hai chiều với Trung Quốc trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn hơn so với Việt Nam (Hàn Quốc là 24%, Đài Loan khoảng 40%). Điều Nhà nước cần thật sự quan tâm là làm sao để Việt Nam tận dụng tốt hơn nữa các lợi ích từ quan hệ kinh tế với Trung Quốc (gồm cả thương mại, đầu tư).

Việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian ngắn, với chi phí thấp như hiện nay là bất khả thi. Vì vậy, việc các cơ quan chức năng cần làm để đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước là các hàng rào kỹ thuật và công tác quản lý cần được nâng cao hơn. Ví dụ, thương mại tiểu ngạch đang chiếm một tỉ trọng đáng kể trong thương mại với Trung Quốc, không chỉ tác động đến nguồn thuế thu, gây khó khăn cho việc quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, mà còn tác động tiêu cực đến các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch, hàng hóa Việt Nam mới chỉ thâm nhập các tỉnh ven biên giới như Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông mà chưa thể thâm nhập sâu vào nội địa Trung Quốc. Điều này cũng trực tiếp làm suy giảm lợi ích từ hoạt động thương mại của Việt Nam. Đây là những điều cần có kế hoạch, chính sách để cải thiện.

* Vậy theo ông, có những giải pháp nào để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và bản thân các doanh nghiệp có thể áp dụng được ngay?

– Để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, không có cách nào khác là Việt Nam phải tận dụng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như một cơ hội và một áp lực nhằm cải thiện chất lượng thể chế. Chỉ có việc sở hữu một thể chế ưu việt hơn với Trung Quốc thì Việt Nam mới thật sự mạnh, có thể tìm được sự độc lập nhất định của mình trong các hoạt động và chính sách kinh tế đối với Trung Quốc.

Giải pháp quan trọng nữa là nhờ sát với thị trường khổng lồ Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội lớn về mặt thương mại nếu hàng xuất khẩu của Việt Nam có tính bổ sung đối với thị trường Trung Quốc. Quy mô xuất nhập khẩu sang Trung Quốc hiện nay chiếm 1/5 quy mô thương mại hai chiều của Việt Nam, do đó rõ ràng Việt Nam có những lợi ích nhất định nếu gắn kết hợp lý và tận dụng được sự phát triển kinh tế của quốc gia này.

C.V.KÌNH

 

 

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – IPSARD):

Nên chấm dứt tình trạng buôn bán tiểu ngạch

Để giảm thiểu thiệt hại ngắn hạn về thương mại nông sản giữa hai nước, cần tính tới giải pháp nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản. Đây là lúc các cơ quan xúc tiến thương mại, phát triển thị trường chuyên nghiệp phải vào cuộc để tìm cơ hội đưa hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam thâm nhập trực tiếp đến người tiêu dùng cuối cùng tại các thị trường khác. Việt Nam cần chuẩn bị để tận dụng các hiệp định thương mại sắp ký như TPP, Việt Nam – EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN…

Rủi ro khi giao thương với Trung Quốc cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, hệ thống hơn thị trường này thay vì chỉ tập trung vào buôn bán tiểu ngạch. Việc nghiên cứu kỹ thị trường Trung Quốc sẽ tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội làm ăn với những doanh nghiệp lớn của Trung Quốc thông qua hợp đồng dài hạn và thương mại chính ngạch. Cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng buôn bán tiểu ngạch, không chính thống hiện nay rất khó quản lý khi có đột biến. Nhưng đồng thời cần cư xử bình đẳng, đúng mực với các thương nhân Trung Quốc làm ăn hợp pháp, đứng đắn tại Việt Nam.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa với các tập đoàn đa quốc gia để đưa nông sản Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cần nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về cơ chế chính sách để huy động các tập đoàn đa quốc gia triển khai các dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp tại Việt Nam từ khâu nghiên cứu, phát triển giống đến chăm sóc, chế biến và đầu ra nhằm nâng cao giá trị gia tăng một cách bền vững, nối kết trực tiếp với chuỗi toàn cầu.

TRẦN MẠNH