Giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc: Cơ hội từ các hiệp định thương mại
Các chuyên gia đều đồng tình việc Việt Nam đang đàm phán và sắp tới sẽ tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, đặc biệt là trong hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thương mại với Trung Quốc.
Giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc: Cơ hội từ các hiệp định thương mại
Các chuyên gia đều đồng tình việc Việt Nam đang đàm phán và sắp tới sẽ tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, đặc biệt là trong hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thương mại với Trung Quốc.
Khi trao đổi với các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế, đánh giá sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc, các chuyên gia đều nói “chỉ cần nhìn số liệu xuất nhập khẩu đã quá rõ”. Để dễ hiểu hơn, có chuyên gia hỏi tôi: “Bạn thử về nhà bỏ tất cả những đồ có liên quan tới Trung Quốc sang một bên, rồi xem nhà bạn còn lại gì? Từ cái tăm, cây kim, sợi chỉ đều nhập của Trung Quốc, dù DN Việt thừa sức làm”.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), lũy kế các dự án còn hiệu lực tính tới ngày 20/5/2014, Trung Quốc là nhà đầu tư xếp thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 1.029 dự án, vốn đăng ký 7,835 tỷ USD, vốn điều lệ hơn 3 tỷ USD. Nếu tính cả Hồng Kông, Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư lớn thứ 5 vào Việt Nam, với 1.839 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký gần 21 tỷ USD, vốn điều lệ hơn 7,3 tỷ USD.
Còn theo số liệu của Bộ Công Thương, với Trung Quốc, năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang nước này hơn 10 tỷ USD (chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu), và nhập khẩu khoảng 30 tỷ USD (chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu). Trong 4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc của Việt Nam tăng 28,4% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc chủ yếu các sản phẩm nguyên, nhiên, phụ liệu, máy móc cho sản xuất; Việt Nam xuất khẩu chủ yếu khoáng sản thô, nông sản (điều, cao su, hoa quả), thủy sản… Riêng ngành dệt may Việt Nam đang phải nhập 50 – 60% vật tư, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – VEPR (Đại học Kinh tế, Đại học QGHN) đã đưa ra dự báo khá “sốc” về tăng trưởng kinh tế năm 2014. Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP đạt thấp nhất 4,15% và lạm phát 4,76%. Kịch bản thứ 2, tăng trưởng cao nhất đạt 4,88% và lạm phát 5,51%. Các dự báo này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5,8%, lạm phát dưới 7% Chính phủ đề ra hồi đầu năm.
TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR lý giải, cách đây 2 tháng nhóm nghiên cứu của ông có dự báo tăng trưởng lạc quan hơn, GDP tăng cao hơn năm ngoái khi kinh tế đang phục hồi nhẹ. “Nhưng diễn biến gần đây trên biển Đông, như TS Lê Đăng Doanh nói: Là sự xâm lăng của Trung Quốc trên biển Việt Nam, làm thay đổi quan hệ kinh tế hai nước, ảnh hưởng tới tăng trưởng, nên chúng tôi thay đổi dự báo”, TS Thành nói. Do vậy, câu hỏi đặt ra lúc này là làm sao để Việt Nam giảm lệ thuộc kinh tế Trung Quốc?
Cần tìm đối tác mới thay Trung Quốc
Theo các chuyên gia, trong nền kinh tế hội nhập, chuỗi cung ứng toàn cầu các nền kinh tế đều nằm trong mạng sản xuất ấy, các nước sẽ chịu những chi phối qua lại. Các chuyên gia đều đồng tình việc Việt Nam đang đàm phán và sắp tới sẽ tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (như Hiệp định đối tác chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc…) có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho DN và nền kinh tế, đặc biệt là trong hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thương mại với Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, chúng ta cần tính trước các bước Trung Quốc có thể đi, đề phòng những việc Trung Quốc có thể làm để gây sức ép với kinh tế Việt Nam. Từ đó có phương án, biện pháp ứng phó.
“Sự chuyển mình ban đầu luôn khó khăn, nhưng là cách buộc các DN Việt Nam phải làm, phải đối mặt. Đồng thời tránh được những rủi ro với sự bất nhất, không thể dự báo trước trong quan hệ với Trung Quốc”
TS Nguyễn ĐứcThành, Giám đốc VEPR
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần tìm kiếm đối tác mới thay thế Trung Quốc, có dự trữ đủ an toàn trong thời gian nhất định. “Đa dạng hóa thị trường là việc buộc phải làm, qua đó tác động thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DN Việt mạnh mẽ hơn để tự sản xuất những sản phẩm thay thế nhập khẩu của Trung Quốc”, ông Doanh nói. Theo đó, hiện các DN trong nước rất cần nguồn vốn trung, dài hạn để đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm. Do vậy, các ngân hàng nên mạnh dạn đẩy mạnh tín dụng qua kênh này, có như vậy mới mong giảm phụ thuộc thương mại. Ngoài ra, Việt Nam cần có những bước cải cách thể chế kinh tế, điều chỉnh ngân sách trước tình hình mới, giảm tiêu thường xuyên, lãng phí, tăng cường đầu tư cho chiến lược biển, quốc phòng…
TS Nguyễn Đức Thành đồng tình việc Việt Nam hoàn toàn có thể thoát khỏi lệ thuộc Trung Quốc. Sắp tới sẽ thấy ngay tác động từ sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đó là suy giảm về kinh tế. Do đó, theo chuyên gia này, Việt Nam nên kịp thời chuyển hướng, chuyển đổi thành nền kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn.
Về phần DN Việt, trước mắt phải tăng cường khả năng sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu. Kế đến, phải linh hoạt tìm những nguồn hàng tương đương hoặc có chất lượng tốt hơn Trung Quốc, như các thành viên trong ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí từ châu Âu, Mỹ… dù giá nhập khẩu có thể cao hơn, nhưng sẽ cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã thay vì giá như hiện nay. Đồng thời, kéo dài chu trình sản xuất, không quay vòng vốn nhanh như trước. Để làm được, các DN phải linh hoạt hơn trong tìm kiếm nguồn thay thế. Đồng thời, khu vực DN nhà nước và đầu tư công cũng cần có những kế hoạch hỗ trợ, không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc như hiện nay.
Theo các chuyên gia, hiện người dân cũng cần có ý thức ưu tiên dùng hàng Việt. Tuy nhiên, không nên cực đoan, chúng ta có thể chuyển dần sang tìm các loại hàng hóa khác thay thế hàng Trung Quốc. “Tôi không ủng hộ việc cưỡng ép bỏ hàng Trung Quốc để mua hàng Việt, hay tẩy chay hàng Trung Quốc, mỗi người có lựa chọn riêng”, TS Thành nói.