16/01/2025

Sài Gòn… “siêu xe đạp”

Gần đây, đi xe đạp đến công sở, dạo phố… để tập thể thao, rèn luyện sức khoẻ đã trở nên quen thuộc với nhiều người Sài Gòn.

 

Sài Gòn… “siêu xe đạp”

Ông Nguyễn Hữu Vũ (Vũ “An Đông”) và bộ xe đạp thể thao gồm những thương hiệu hàng đầu châu Âu hiện nay như Colnago, Lightweight, Pinarello, Shimano… – Ảnh: Đức Thanh

 

Bắt đầu từ việc rèn luyện sức khỏe, nhiều “cuarơ” đam mê sưu tầm những chiếc “siêu xe đạp” có giá đến hàng trăm triệu đồng.

Những mẫu xe mới nhất mang thương hiệu của nhiều hãng sản xuất xe đạp hàng đầu châu Âu như Colnago, Lightweight, Pinarello, Shimano… đều đã được những “cuarơ” đam mê xe đạp tự tìm tòi trên mạng rồi đặt hàng nhập về.

Từ bình dân đến cao cấp

 

Đạo tặc rình rập

Ông Thủy, một người chơi xe đạp, ngụ Q.12, cho biết gần đây đã có nhiều người bị mất trộm xe đạp đắt tiền. Các nhóm cướp xe khá manh động: chúng đi thành nhóm 5-7 người, canh những người đi xe đạp một mình ở những con đường nhỏ dẫn ra các đại lộ và nhào đến đánh tới tấp rồi cướp xe, ôm xe lên xe máy chạy mất. Cũng có khi chúng đi hai người một xe máy, xông thẳng vào quán cà phê ôm xe đạp rồi bỏ chạy. Thời gian chúng ra tay từ 4-5g sáng.

Cũng theo ông Thủy, trong vòng gần hai tháng qua, trong nhóm chơi xe đạp của ông đã xảy ra hơn 10 vụ bị cướp xe tại các tuyến đường: Tân Hòa Đông, Pasteur, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng…

 

Dọc đường Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp), Võ Thị Sáu (Q.3, TP.HCM)…, các cửa hàng bán xe đạp thể thao mọc lên ngày một nhiều. Nhiều nhất là các tiệm cung cấp xe đạp thể thao với giá khá bình dân, từ 5-10 triệu đồng/chiếc. Nhưng cũng có một số cửa hàng chuyên bán xe đạp với giá “khủng” đến hàng trăm triệu đồng/chiếc.

Ông Toàn, chủ cửa hàng bán xe đạp thể thao trên đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp, cho biết cửa hàng của ông cung cấp ba loại xe: MTB (xe thể thao dành cho người mới bắt đầu đạp xe), xe road (xe đường trường) và dòng xe dành cho phụ huynh mua cho con cái đến trường. Các thương hiệu có giá “vừa vừa” gồm: Jett, Giant ATX, Giant OCR…

“Đối với các loại xe mắc hơn thì phải đặt hàng trước, như những chiếc Giant Propel Advanced 2 (gần 84 triệu đồng, dòng xe đua) hay Giant TRC Advanced SL RABO ISP (104 triệu đồng, xe đua)…” – ông Toàn cho biết.

Nhưng nếu đã là dân chơi xe chuyên nghiệp thì khách lại chọn những cửa hàng chuyên bán linh kiện xe đạp nhập từ nước ngoài (các nước Âu, Mỹ…) để tự lắp ráp một chiếc xe hoàn chỉnh.

Ông Hùng, chủ một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Q.10), cho biết ông nhập linh kiện xe đạp từ ba thương hiệu lớn: Colnago, Warrior và Shimano. Theo ông Hùng, khách đặt hàng nhập về thì thời gian nhận hàng phải từ 2-4 tuần, còn hàng đặt thiết kế riêng theo sở thích thì lâu hơn, tùy vào từng thương hiệu và xuất xứ.

“Sự quan trọng của các bộ phận xe xếp theo thứ tự: khung, lốp, nhóm các phụ kiện khác (sên, líp, tay thắng, hàm thắng…). Khung xe có bốn chủng loại: thép, nhôm, titan, cacbon, trong đó khung cacbon là cao cấp nhất” – ông Hùng chia sẻ. Quan trọng là khâu lắp ráp xe.

Người ráp xe đạp nổi tiếng hiện nay là ông Tòng (ngụ Q.8), chuyên đi khắp nơi từ Nam chí Bắc, đến tận nhà ráp xe cho khách. Chỉ cần hai tiếng đồng hồ, ông có thể ráp hoàn chỉnh một chiếc xe đạp cho khách như ý muốn từ các mớ linh kiện rối mù. “Thù lao từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/chiếc” – ông Tòng cho biết.

 

Mỗi sáng, các thành viên clb xe đạp Phú Giai Lợi đạp xe xịn rèn luyện sức khỏe - Ảnh: Đức Thanh

 

“Yêu xe như… vợ”

Ông Lý – giám đốc một chuỗi nhà hàng có tiếng ở Q.7, một người đam mê chơi xe đạp thể thao và dùng xe để đi làm hơn một năm nay – tuyên bố: “Xe hơi, xe máy có đụng, có trầy xước không xót bằng xe đạp”. Ông bảo mỗi ngày đến công ty, ông đưa luôn chiếc xe vào phòng làm việc của mình để “yên tâm vì không bị trầy xước”. Chiếc xe đạp ông mua linh kiện nhập và được lắp ráp tỉ mỉ theo ý của ông có giá đến hơn 200 triệu đồng.

Theo ông Hoàng – thành viên một “hội xe đạp” ở Q.5,  “chiếc mắc nhứt trong hội có tầm 12.000 USD”. Cũng theo ông Hoàng, giá xe đạp là “vô chừng”, tùy vào nguồn gốc xuất xứ của các linh kiện. Các linh kiện nhập từ các nước châu Âu có giá cao hơn hẳn. Hai bộ phận nhiều tiền của chiếc xe là sườn và cặp lốp xe.

Hiện nay, “đỉnh của sườn” là sườn Mỹ và “đỉnh của bánh” có nguồn gốc từ Ý. Sườn xe hàng Mỹ sản xuất có giá khoảng 7.000 USD, còn cặp bánh xe do Ý sản xuất có giá dao động 2.500-3.000 USD. Một đại gia khá nổi tiếng trong ngành ngân hàng ở TP vừa “đầu tư” lắp ráp một chiếc xe đạp “đỉnh” với giá hơn 400 triệu đồng chỉ để đi dạo phố tập thể dục vào mỗi sáng chủ nhật.

Giới chơi xe đạp ở Sài Gòn nói vui rằng nếu đã “lỡ” đam mê xe đạp rồi thì sẽ thường xuyên “cạn túi” vì xe. Ông Quý (ngụ Q.7), mới chơi xe đạp được hai tháng, cho biết ban đầu ông chỉ tính ráp một chiếc bình thường để chạy.

“Nhưng về sau thấy xe người ta thích quá, không cầm lòng được nên tôi đầu tư thay dần các linh kiện ở xe. Cứ để dành rồi mua từ từ từng món. Thay xong cặp bánh xe là ưng ý rồi, giờ để dành tiền ráp thêm một chiếc nữa” – ông nói.

Ông Nguyễn Hữu Vũ (Vũ “An Đông”) có một bộ sưu tập “khủng” tới bảy chiếc xe đạp, dù chỉ mới chơi xe đạp được… hai tháng. Trong bộ sưu tập của ông Vũ hiện có chiếc chỉ có duy nhất tại VN như Colnago C59 – Art Decor, Lightweight Urgestalt… Ông kể: “Lúc đầu tôi chọn chơi xe đạp không phải vì mê xe, mà là để rèn luyện sức khỏe nên chỉ mua một chiếc khoảng 1.000 USD. Nhưng càng chơi càng đam mê nên sưu tầm thêm những chiếc 40 triệu đồng, 60 triệu đồng, rồi cứ thế tăng dần lên…”.

Dù giá xe vừa phải hay “đắt kinh hồn” thì dân mê xe đạp đều coi xe như “người yêu”, “yêu xe như… vợ”. Kết thúc buổi đạp xe tập thể thao, dạo phố, đến công sở… trở về nhà, nhiều người chơi xe đạp lại phải tốn thêm gần tiếng đồng hồ cọ rửa, lau chùi xe.

Ông Hà (ngụ đường Quang Trung, Q.Gò Vấp), người từ bỏ chiếc xe SH nửa năm nay để chọn đi xe đạp đến công sở mỗi ngày, hào hứng phân tích các chi tiết trong xe có độ chính xác rất cao, chỉ cần cát bám vô sẽ rất dễ hư, “xe phải sạch bong, xe dơ thì xấu, xấu thì không kích thích đam mê và cũng là niềm hãnh diện của mình khi đến… cơ quan làm việc”.

Đ.THANH – MINH PHƯỢNG