Ấn Độ hướng đến chính sách đối ngoại mạnh mẽ
Ngày 9.6, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Thủ tướng Narendra Modi đã tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ngay trước buổi tiếp ông Vương, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra cam kết theo đuổi một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn và “can dự năng động hơn” với Trung Quốc.
Ấn Độ hướng đến chính sách đối ngoại mạnh mẽ
Chính phủ mới của Ấn Độ khẳng định nước này theo đuổi chính sách hòa bình nhưng sẵn sàng đối đầu khi cần thiết.
|
Ngày 9.6, Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Thủ tướng Narendra Modi đã tiếp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến chào xã giao trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài 2 ngày đến quốc gia Nam Á, theo AFP. Chuyến thăm của ông Vương với tư cách là đặc phái viên của Chủ tịch Tập Cận Bình được xem là động thái của Trung Quốc nhằm “kết thân” với chính phủ mới tại New Delhi và chuẩn bị cho chuyến thăm Ấn của ông Tập trong năm nay.
Tuy nhiên, ngay trước buổi tiếp ông Vương, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra cam kết theo đuổi một chính sách ngoại giao mạnh mẽ hơn và “can dự năng động hơn” với Trung Quốc. Trong bài phát biểu quan trọng trước quốc hội do Thủ tướng Modi chấp bút, Tổng thống Mukherjee tuyên bố Ấn Độ muốn có quan hệ hòa bình và hữu nghị với tất cả các nước nhưng sẽ không tránh né sự đối đầu khi cần thiết. Ông nói chính phủ do Thủ tướng Modi lãnh đạo “cam kết xây dựng một nước Ấn Độ hùng mạnh, độc lập và tự tin” và muốn có một “vị trí phù hợp trong sự công nhận của các nước”.
Trong diễn văn được dư luận trong và ngoài nước chú ý, Tổng thống Mukherjee đã đề cập riêng Trung Quốc và khẳng định: “Chính phủ của chúng tôi sẽ can dự năng động hơn với các nước láng giềng trong khu vực, bao gồm Trung Quốc. Với những nước này, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển đối sách quan hệ đối tác và chiến lược của mình”.
AFP dẫn lời giới quan sát nhận định, Thủ tướng Modi, được cho là có quan điểm cứng rắn về ngoại giao và chủ quyền, đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là vừa phải đối phó một Trung Quốc ngày càng cứng rắn và đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng sang Nam Á, vừa phải cố gắng tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh. Quan hệ song phương vẫn còn ẩn chứa nhiều trắc trở do tranh chấp chủ quyền và việc Trung Quốc đang có những hành vi gây căng thẳng trên biển Đông, vốn là tuyến hàng hải đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với lợi ích chiến lược của Ấn Độ. Trong chiến dịch vận động tranh cử hồi tháng 2, ông Modi đã từng cảnh báo Trung Quốc không được có “tư tưởng bành trướng”. Theo trang tin Ấn Độ Saharasamay, tại cuộc gặp ngày 8.6, Ngoại trưởng Sushma Swaraj cũng đã nói thẳng với người đồng cấp Vương Nghị rằng nếu muốn có quan hệ tốt với Ấn Độ, Trung Quốc phải không để tái diễn tình trạng binh lính nước này xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ.
Với những tuyên bố trên, chính phủ mới ở Ấn Độ rõ ràng muốn cho Trung Quốc thấy những động thái gây hấn của nước này gần đây và trong thời gian tới sẽ không dễ dàng được bỏ qua, dù Bắc Kinh “ve vãn” tài tình đến mức nào.
Trùng Quang