Tránh nguy cơ phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị có chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển; có chiến lược phát triển để giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong cả nhập siêu và xuất khẩu.
Tránh nguy cơ phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị có chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển; có chiến lược phát triển để giảm sự lệ thuộcvào thị trường Trung Quốc trong cả nhập siêu và xuất khẩu.
|
Các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vừa thảo luận tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH năm 2013, những tháng đầu năm 2014 do Trưởng đoàn thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH, ký ngày 29.5.
Nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng
|
Trong đó, qua đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển KT-XH năm 2013 về lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, một số ĐB cho rằng cán cân thương mại với Trung Quốc hiện là vấn đề đáng lo ngại: nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng. Năm 2013 kim ngạch buôn bán 2 chiều hơn 50 tỉ USD, trong đó, VN nhập hơn 36 tỉ USD; 30% hàng nông sản của VN xuất khẩu sang Trung Quốc; nguyên liệu cho sản xuất chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc; nhiều hàng hóa Trung Quốc vào VN là hàng độc hại.
Lo ngại trên lặp lại khi các ĐB đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2014. Một số ĐB cho rằng việc phụ thuộc kim ngạch xuất, nhập khẩu của ta vào Trung Quốc hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ, chẳng hạn trong trường hợp Trung Quốc cô lập nước ta về kinh tế thì kim ngạch xuất, nhập khẩu sẽ giảm, thiếu nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ.
Từ thực trạng trên, các ĐB đề nghị cần đánh giá đúng mối quan hệ với Trung Quốc, lường trước và có phương án đối phó với khả năng Trung Quốc dùng biện pháp kinh tế để chống lại VN. “Nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường xuất khẩu và lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp; có phương án nghiên cứu, khai thác thị trường mới để không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; củng cố thị trường trong nước; tăng cường kiểm soát việc Trung Quốc lợi dụng thương lái VN thu mua nông sản nhằm lũng đoạn nền kinh tế”, Trưởng đoàn thư ký Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo.
Tiền “găm” trong ngân hàng, còn ngư dân phải vay nóng
Theo các ĐB, trong những tháng còn lại của năm 2014, phải rà soát, gắn quy hoạch phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh để bảo đảm chủ quyền quốc gia. “Cần tập trung đầu tư cho kinh tế biển, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng biển đảo, hỗ trợ ngư dân bám biển, khai thác hải sản trên vùng biển chủ quyền, xây dựng các vùng neo đậu để làm nơi hậu cần sửa chữa tàu thuyền, trú bão, cung cấp nguyên liệu cho ngư dân; cần rà soát lại để có những chính sách phù hợp đối với 15 khu kinh tế ven biển”, các ĐB đề nghị.
Về tín dụng, quản lý thị trường vàng và ngoại tệ, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của việc vốn tồn đọng tín dụng nhiều trong các ngân hàng thương mại nhưng không được đưa vào sản xuất, mà dùng để mua trái phiếu Chính phủ, tích trữ ngoại hối, tới 32 tỉ USD, trong khi nền kinh tế đang khát vốn, các doanh nghiệp, nông dân, ngư dân tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn, thậm chí tình hình ngư dân vay tín dụng đen để đóng mới tàu cá đi biển diễn ra nhiều.
Đầu tư thích đáng cho Cảnh sát biển và Kiểm ngư Đối với các giải pháp về đối ngoại, quốc phòng an ninh từ nay đến cuối năm, ngoài kiến nghị các giải pháp về đấu tranh ngoại giao, ĐBQH cũng đề nghị tăng ngân sách cho quốc phòng để bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia; Quan tâm và đầu tư thích đáng cho lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư nhằm bảo vệ tốt vùng biển quốc gia. Áp dụng luật Biển VN vào giải quyết vấn đề ở biển Đông. Kiên quyết, kiên trì giữ môi trường hòa bình để bảo đảm phát triển kinh tế – xã hội đất nước…; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh để Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981; Xác định rõ đối tượng, đối tác ủng hộ VN trong vấn đề biển Đông.
|
Bảo Cầm