Không vì hữu nghị mà không nói sự thật
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong gần một tháng qua là cực kỳ nguy hiểm, đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Không vì hữu nghị mà không nói sự thật
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 29-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ đã có nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến tình hình hiện nay trên biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2014 – Ảnh: TTXVN |
Thủ tướng nói năm 2014 đã đi được gần nửa chặng đường, nhìn lại năm tháng và trong tháng 5 có một sự kiện tác động đến tình hình kinh tế – xã hội đất nước, đó là việc Trung Quốc ngang ngược dùng sức mạnh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cực kỳ nguy hiểm
“Trước các việc làm sai trái của Trung Quốc thì không thể vì hữu nghị mà ta không nói. Ví dụ việc họ đâm tàu cá ta chìm. Vì hữu nghị mà không nói hay sao? Không được. Ta phải nói rõ sự thật” |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong gần một tháng qua là cực kỳ nguy hiểm, đe doạ nghiêm trọng đến hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Trước sự việc này, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại.
Đến nay đã có hơn 30 cuộc giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Theo Thủ tướng, tất cả tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển Việt Nam đều bị tàu của Trung Quốc đâm va làm cho móp méo, dù số lượng tàu Việt Nam ít hơn nhưng kiên quyết đeo bám trên thực địa để phát loa yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.
3 nhóm biện pháp đấu tranh với Trung Quốc
Thủ tướng nêu rõ ba nhóm biện pháp trong thời gian tới. Thứ nhất, sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Thứ hai, đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Thứ ba, đấu tranh bằng dư luận, thông tin trung thực cho nhân dân và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hành vi xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc cũng như các biện pháp đấu tranh hòa bình của Việt Nam; kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
“Việt Nam công khai trung thực tình hình với quốc tế theo tinh thần không nói quá lên, không nói giấu đi” – Thủ tướng nói.
Đồng thời, Thủ tướng cho rằng để tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc, về chính nghĩa của Việt Nam, chúng ta bằng các kênh thông tin khác nhau, chú trọng đến thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc… để quốc tế hiểu rõ việc làm sai trái của Trung Quốc.
Về biện pháp pháp lý, Thủ tướng cho biết: “Chúng ta nhất quán sử dụng các biện pháp hoà bình, lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”.
TVO thực hiện |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các thành viên Chính phủ về tình hình biển Đông – Ảnh: TTXVN |
Giảm lệ thuộc vào một thị trường
Đối với vấn đề hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập sâu rộng, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định hợp tác kinh tế khu vực.
Đồng thời, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nên hợp tác trong các lĩnh vực nêu trên giữa hai bên là hoàn toàn tự nhiên trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bình đẳng cùng có lợi với Trung Quốc. Đồng thời Việt Nam đang triển khai thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, mở rộng thị trường, đàm phán và tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác mới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên thế giới.
Việc mở rộng và đa dạng hoá thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả đối tác trên thế giới nhằm giảm rủi ro, lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nhất định, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.
Liên quan đến tình trạng một số người lợi dụng việc biểu thị tinh thần yêu nước của người dân vừa qua, có hành vi quá khích, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo kiên quyết ngăn chặn.
“Không để lan rộng, không để lặp lại tình trạng này” – Thủ tướng nhấn mạnh. Chính phủ cũng đã kịp thời thực hiện các giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.
V.V.THÀNH – H.GIANG