08/01/2025

Máy bay Trung Quốc gầm rú đe doạ

Từ rạng sáng đến chiều tối 28-5, Trung Quốc liên tục xua nhiều tàu xịt vòi rồng vào các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam. Đại uý Đặng Lê Sơn – thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 2015 – cho biết: “Trong hai ngày qua, các tàu Trung Quốc liên tục có thái độ gây hấn truy cản, phun vòi rồng vào buổi sáng, sau đó buổi chiều tăng tốc rồi tạo thành vòng vây khép kín các tàu Việt Nam”. Theo đại uý Sơn, mức độ bao vây truy cản của các tàu Trung Quốc đã tăng về cường độ và thời gian kéo dài hơn.

 

Máy bay Trung Quốc gầm rú đe doạ

Từ rạng sáng đến chiều tối 28-5, Trung Quốc liên tục xua nhiều tàu xịt vòi rồng vào các tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư Việt Nam lúc rạng ngày 28-5 – Ảnh: My Lăng

Đây là một trong những ngày các tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam sớm nhất và kéo dài lâu nhất từ khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Từ tàu cảnh sát biển 8003, PV My Lăng cho biết ngay từ rạng sáng, tại khu vực xung quanh vị trí Trung Quốc mới dịch chuyển giàn khoan, các tàu Trung Quốc đã ngang nhiên áp sát, kèm chặt các tàu Việt Nam.

Đặc biệt, lúc 5g45, tại tọa độ cách giàn khoan 11 hải lý, tàu 8003 đã phát hiện tàu hải tuần 22, tàu hải cảnh 46102 và hải cảnh 31 của Trung Quốc vây ép và phun vòi rồng vào tàu kiểm ngư 630.

Thế dàn trận của các tàu Trung Quốc vẫn là “lấy thịt đè người” khi cùng lúc tàu hải tuần 22 ép phía sau, tàu hải cảnh 31 ép phía trái phun vòi rồng với áp lực lớn lên tàu kiểm ngư 630.

Sau đó, tàu hải tuần 22 cũng tiếp tục phun vòi rồng vào phía trước và sau tàu kiểm ngư 630. Phải 20 phút sau, bằng sự dũng cảm và khôn khéo, tàu kiểm ngư 630 mới thoát khỏi sự tấn công của các tàu Trung Quốc.

Đáng chú ý, tàu kiểm ngư 630 cũng là con tàu năm ngày trước từng bị tàu Trung Quốc dùng vòi bắn vào tàu làm ba kiểm ngư viên bị thương.

Tuy nhiên các kiểm ngư viên sau khi được chăm sóc vẫn xin ở lại tàu tiếp tục nhiệm vụ và chống chọi trận vòi rồng của tàu Trung Quốc sáng 28-5 cùng đồng đội.

Phóng viên Minh Quang từ tàu cảnh sát biển 2016 và Hữu Khá từ tàu cảnh sát biển 2015 cho biết suốt đêm 27 đến hết ngày 28-5, các tàu Trung Quốc liên tục kè sát các tàu chấp pháp của Việt Nam.

Đặc biệt, đêm 27-5, hai tàu Trung Quốc liên tục chiếu đèn pha công suất lớn vào tàu cảnh sát biển 2016 và các tàu chấp pháp của Việt Nam, buộc các tàu Việt Nam phải di chuyển ra vị trí xa hơn.

Từ sáng đến trưa 28-5, các tàu Trung Quốc bố trí theo hình rẻ quạt theo hướng tây nam đến đông nam giàn khoan để lao vào các tàu Việt Nam.

Lúc 13g30, khi các tàu Việt Nam thả trôi quan sát thì một tàu hải cảnh và một tàu đầu kéo của Trung Quốc lao ra với tốc độ cao sẵn sàng đâm va, xịt vòi rồng.

Cùng thời điểm, một máy bay cánh bằng của Trung Quốc đã xuất hiện lượn nhiều vòng đe dọa. Đến 15g30, các tàu hải cảnh của Trung Quốc tiếp tục bao vây một nhóm tàu Việt Nam và một máy bay mang số hiệu 81220 bay trên bầu trời quan sát đe dọa.

Đến hơn 16g, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh 22, hải cảnh 3210 và nhiều tàu hải giám bao vây các tàu kiểm ngư 635, 951 và cảnh sát biển 2015, 2016.

Đặc biệt, tàu hải cảnh 3210 và hải cảnh 22 đã tìm cách đấu đầu với tàu 951 của Việt Nam. Phải 30 phút sau, tàu 951 mới thoát khỏi sự bao vây này.

Ngay lúc đó, máy bay chiến đấu của Trung Quốc mang số hiệu 81220 bay gầm rú trên bầu trời đe doạ và tiếp tục xuất hiện sau đó khoảng 15 phút ở độ cao thấp hơn trên khu vực các tàu Việt Nam.

Đến 16g, tiếp tục có một tốp tám tàu của Trung Quốc xuất hiện bao vây biên đội tàu của Việt Nam. Trong đó, tàu hải cảnh 4001 và 3210 của Trung Quốc hung hăng đe dọa các tàu cảnh sát biển 2015 và 2016. Sau đó máy bay chiến đấu của Trung Quốc lại xuất hiện ở độ cao khoảng 400m.

Đại uý Đặng Lê Sơn – thuyền trưởng tàu cảnh sát biển 2015 – cho biết: “Trong hai ngày qua, các tàu Trung Quốc liên tục có thái độ gây hấn truy cản, phun vòi rồng vào buổi sáng, sau đó buổi chiều tăng tốc rồi tạo thành vòng vây khép kín các tàu Việt Nam”. Theo đại uý Sơn, mức độ bao vây truy cản của các tàu Trung Quốc đã tăng về cường độ và thời gian kéo dài hơn.

Trung tá Phan Duy Cường – trợ lý tác chiến Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đang có mặt trên tàu cảnh sát biển 8003 – đánh giá: “Trung Quốc vẫn chiêu bài cũ, đó là dùng 3-4 tàu vây ép, sẵn sàng đâm và dùng vòi rồng tấn công. Gần đây Trung Quốc còn dùng thêm tàu cá đi xen kẽ giữa tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam. Việc đưa tàu cá đi xen kẽ này không loại trừ Trung Quốc có âm mưu dùng lưới tàu cá để mắc vào chân vịt của các tàu Việt Nam. Đồng thời việc cho tàu cá đi sát tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam, Trung Quốc sẽ tạo ra những cú đâm va và vu cáo với quốc tế tàu cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam tấn công tàu cá Trung Quốc nhằm đảo ngược dư luận hiện nay”.

MY LĂNG – HỮU KHÁ – MINH QUANG (từ Hoàng Sa)