Thị trường nữ trang nín thở trước giờ G
Ngày 1.6 tới, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường có hiệu lực.
Thị trường nữ trang nín thở trước giờ G
Ngày 1.6 tới, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường có hiệu lực.
|
Các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh vàng hiện nay như “ngồi trên lửa” khi lượng hàng tồn kho lên đến hàng trăm triệu sản phẩm chưa theo tiêu chuẩn của thông tư này đưa ra.
Trả tuổi thật cho vàng
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM cho biết, Thông tư 22 quy định lập lại trật tự kỷ cương trên thị trường vàng nữ trang. Có một quy trình thỏa thuận tồn tại nhiều năm nay là DN kinh doanh (chành) giao cho DN sản xuất (lò) vàng nguyên liệu có hàm lượng (tuổi vàng – PV) là 62%. “Lò” giao lại vàng thương phẩm cho “chành” có hàm lượng vàng là 60%. “Chành” bán lại cho DN kinh doanh bán lẻ (tiệm vàng) tính vàng hàm lượng 64-65%. Tiệm vàng bán ra thị trường cho người tiêu dùng tính theo hàm lượng vàng 66-68%. Nhưng không phải DN nào cũng áp dụng quy trình này, trên thực tế, rất nhiều cơ sở sản xuất với hàm lượng vàng thấp hơn và tính giá cao hơn rất nhiều.
Thông tư 22 quy định giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ như sau: vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%, theo đó hàng triệu sản phẩm vàng nữ trang trên thị trường hiện nay sẽ không đủ chuẩn để lưu hành.
|
Vừa rồi, các DN kiến nghị điều chỉnh thời gian có hiệu lực của thông tư thêm 1 năm nữa nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ không chấp nhận. Trong bối cảnh này, mỗi DN lại có một cách ứng xử khác nhau.
Bà Cao Ngọc Dung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết: “Từ hơn 2 tháng trở lại đây, công ty đã sản xuất vàng nữ trang với hàm lượng vàng nguyên liệu cao hơn, chẳng hạn để sản phẩm đạt được hàm lượng vàng 75%, công ty đã phải sử dụng nguyên liệu có hàm lượng 75,3% – 75,5%, đồng thời các vẩy hàn cũng có chất lượng tương đương và cao hơn hàm lượng vàng để sản phẩm không bị giảm tuổi. Đối với những sản phẩm sản xuất từ trước đó, công ty điều chỉnh lại thông tin đúng theo tuổi vàng. Bởi trước đây, công ty đăng ký sai số hàm lượng vàng trong sản phẩm là +/- 0,5% nhưng Thông tư 22 thì hàm lượng có sai số thấp hơn, từ 0,1% đến 0,3%”.
Trưởng phòng kinh doanh vàng của một đơn vị cho hay những sản phẩm ghi ký hiệu ST (68%), SL kiểu (65%) trước đây được đơn vị điều chỉnh lại cho đúng là 61%. Những sản phẩm này bán với giá mềm hơn, còn những sản phẩm theo đúng quy định TT 22 thì sẽ có giá gia công cao hơn.
Kiểm định phải đối chiếu được
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) đánh giá: “Thông tư 22 có hiệu lực sẽ bảo vệ người tiêu dùng bởi từ trước đến nay thị trường vàng nữ trang không ai kiểm soát về chất lượng, hàm lượng, người bán nói bao nhiêu thì người tiêu dùng biết bấy nhiêu. Thế nhưng quy định là vậy mà thực tế không làm, không chặt thì không khéo sẽ dẫn đến việc hợp thức hóa các sản phẩm nữ trang kém chất lượng”.
Theo ông Hải, các DN hiện đang có số lượng sản phẩm tồn không đủ chất lượng hiện nay rất lớn, nhiều đơn vị khó có thể phá mẫu để làm lại sản phẩm khác đúng chất lượng. Do đó cần có hướng xử lý đối với những sản phẩm này nếu không sẽ dễ nảy sinh tiêu cực khi cơ quan chức năng kiểm tra. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng, Thông tư 22 có hiệu lực sẽ giúp thị trường nữ trang vàng đạt được chất lượng hơn, có chuẩn mực hơn. Các thành viên của hiệp hội ủng hộ lập lại trật tự trên thị trường vàng nữ trang. Thế nhưng các đơn vị có 2 vấn đề lo lắng nhất hiện nay đó là hướng xử lý lượng hàng tồn kho như thế nào, nếu không có hướng dẫn sẽ dẫn đến thiệt hại rất lớn đối với các đơn vị. Thứ hai là việc kiểm định sẽ như thế nào để DN có thể biết và người tiêu dùng có thể đối chiếu.
Ông Nguyễn Văn Dưng cho rằng, để việc thử nghiệm phá mẫu dễ xảy ra tranh chấp giữa DN và cơ quan kiểm tra, còn không phá mẫu sản phẩm nữ trang thì dùng phương pháp huỳnh quang tia X. Phương pháp này chỉ có thể đo hàm lượng vàng trên bề mặt của các mẫu vàng thương phẩm có hàm lượng vàng không thấp hơn 88% (21K trở lên), trong khi thị trường vàng hiện nay chủ yếu là vàng dưới 18K, chiếm 90% thị trường vàng nữ trang. Đó là chưa kể, phương pháp này cũng thường xảy ra việc cho nhiều kết quả khác nhau. Tổng giám đốc một công ty kinh doanh vàng cho hay gần đây nhất công ty vừa bị cơ quan chức năng kiểm tra hàm lượng vàng. Căn cứ theo máy kiểm định của công ty thì sản phẩm đúng chất lượng nhưng khi đem đi kiểm định lại có sai số khác. Vì vậy, sau 1.6, cơ quan chức năng mà đi kiểm tra thì thế nào DN cũng bị “dính”.
Giá vàng SJC ngược chiều giá thế giới Ngày 27.5, giá vàng thế giới giảm 7 USD/ounce so với ngày 26.5, xuống 1.285 USD/ounce nhưng giá vàng SJC tăng 10.000 – 50.000 đồng/lượng, giá mua – bán vàng lần lượt là 36,55 – 36,73 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC cao hơn giá thế giới 3,7 triệu đồng/lượng. Đại diện Công ty SJC cho biết giá vàng SJC không giảm theo giá thế giới bởi thị trường lại xuất hiện lực mua nên giá vàng tăng lại. Giá USD ngân hàng ngày 27.5 ổn định, một số ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ 5 đồng/USD so với ngày 26.5, chẳng hạn tại Vietcombank còn 21.115 – 21.115 – 21.165 đồng/USD… Giá USD tự do buổi chiều tăng 10 đồng/USD so với sáng cùng ngày, quanh mức 21.300 – 21.310 đồng/USD. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết các ngân hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân, chưa thấy trường hợp ngân hàng từ chối khách hàng. Giá USD hiện nay tăng nhưng chưa vượt mức trần mà nhà nước cho phép, ở mức 21.246 đồng/USD nên cung – cầu ngoại tệ không căng thẳng. T.Xuân
|
Thanh Xuân