09/01/2025

Đến nhầm địa điểm cũng được dự thi

Nhiều tình huống giả định và các phương án giải quyết đã được lãnh đạo các sở GD-ĐT, trường THPT đặt ra trong ngày hôm qua (27.5) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

 

Thi tốt nghiệp THPT: Đến nhầm địa điểm cũng được dự thi

Nhiều tình huống giả định và các phương án giải quyết đã được lãnh đạo các sở GD-ĐT, trường THPT đặt ra trong ngày hôm qua (27.5) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

 

Thi tốt nghiệp THPT: Đến nhầm địa điểm cũng được dự thi
Học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Bình (TP.HCM) trả bài trong buổi ôn tập tối 26.5 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Chỉ giải quyết ở môn thi đầu tiên

Sáng qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi tập huấn nghiệp vụ thanh tra coi thi tốt nghiệp THPT cho các chủ tịch hội đồng coi thi, lãnh đạo các trường THPT.

Các hội đồng thi sẽ xếp thí sinh thi cùng môn vào chung phòng; học sinh cùng trường sẽ thi chung một hội đồng thi (ngoại trừ trường hợp số lượng thí sinh chọn môn thi tự chọn ít, phải ghép nhiều trường lại với nhau).

Nếu thí sinh đi nhầm vào hội đồng thi ghép (có cả hệ GDTX và THPT), chủ tịch hội đồng thi sẽ hướng dẫn cho các em đến đúng hội đồng thi mà mình dự thi (nếu thời gian còn sớm). Trong trường hợp không thể đến đúng điểm thi kịp thời gian, chủ tịch hội đồng thi sẽ tổ chức cho thí sinh thi ở phòng dự phòng (thí sinh ở hệ nào cho thi đề hệ đó). Nếu thí sinh GDTX đi nhầm vào hội đồng thi chỉ có hệ THPT thì chủ tịch hội đồng thi hướng dẫn cho thí sinh đến hội đồng thi gần nhất có hệ GDTX (hoặc bố trí xe đưa thí sinh đến điểm có hệ GDTX). Sở cũng lưu ý, các chủ tịch hội đồng thi chỉ giải quyết trường hợp đi nhầm ở môn thi đầu tiên (môn văn).

Các hội đồng thi sẽ dán danh sách thí sinh thi theo môn để tiện theo dõi. Các năm trước, thí sinh thi 6 môn trong cùng một phòng thì năm nay có thể sáng thi ở phòng này, chiều thi ở phòng khác.

Chỉ 1 thí sinh, vẫn tổ chức cả bộ máy

Trao đổi với báo chí chiều 27.5, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết năm nay việc chuẩn bị thi tốt nghiệp có chú trọng tới những điểm mới. Chẳng hạn quy định về thời gian rất rõ, cụ thể cho từng việc. Ông Chất nêu rõ: “Do có 2 ca trong một buổi thi nên Sở GD-ĐT yêu cầu các hội đồng thi chuẩn bị những địa điểm cho các phụ huynh như các trường THCS, trường tiểu học… bên cạnh để phụ huynh có chỗ nghỉ khi đưa con đến”. Tránh tụ tập trước các cổng trường, Sở yêu cầu sau khi kết thúc thời gian làm bài của ca 1 thì bắt đầu mở cổng của ca 2 cho thí sinh vào khu vực riêng, được bảo vệ, không cho học sinh đi lại.

Với những môn thi có rất ít thí sinh, ông Chất cho hay Sở vẫn giữ học sinh hội đồng thi nào ở nguyên hội đồng thi đó chứ không gửi sang hội đồng khác. “Ví dụ có những hội đồng coi thi chỉ một học sinh thi sử thì tất cả bộ máy hoạt động của hội đồng vẫn làm việc bình thường để phục vụ”, ông Chất khẳng định.

Giám thị không đeo kính râm…

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đưa ra những biện pháp giúp thí sinh có tâm lý thi tốt. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc, lưu ý với giám thị trước khi phát đề thì phải xem qua đề để có bị nhầm môn không, để kịp thời xử lý. Giám thị phải vui vẻ, cư xử nhẹ nhàng, không la lối quát tháo thí sinh, tránh gây ảnh hưởng đến tâm lý các em trong quá trình làm bài. Đồng thời, giám thị phải ăn mặc lịch sự, không mặc áo dài quá mỏng, không đeo kính râm trong quá trình coi thi.

Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý môn tiếng Anh có 2 phần trắc nghiệm và tự luận. Thí sinh sẽ thi phần trắc nghiệm trước. Sau khi thí sinh hoàn thành bài thi trắc nghiệm, giám thị sẽ thu bài trong vòng 10 phút, sau đó mới cho thí sinh thi tiếp phần tự luận.

Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ thành lập 4 đoàn thanh tra đến khoảng 60% hội đồng thi để kiểm tra, giám sát.

 

Chuẩn bị chỗ cho thí sinh chờ giữa 2 ca thi

Ngày 27.5, ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Phước cho biết ở những điểm thi vùng sâu vùng xa, Sở bố trí cho học sinh thi ca 2 chờ ở nhà đa năng hoặc khu vực nhà xe có kê bàn ghế, bố trí nước uống, quạt mát. Để tránh lộn xộn giữa các thí sinh thi môn thứ nhất và môn thứ 2 trong cùng một buổi, các đơn vị đã phối hợp với lực lượng công an địa phương cùng cán bộ, bảo vệ nhà trường tăng cường quản lý, giám sát thí sinh.

Ở Đồng Nai, bà Phạm Thị Ngọc Lý, Phó hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) cho biết trường sẽ bố trí phòng thi theo sơ đồ từ trên xuống để những học sinh thi môn thứ 2 của buổi thi có thể vào trường, ôn bài tại các phòng trống ở tầng dưới hoặc có thể nghỉ ngơi ở trường THCS nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh và trật tự của kỳ thi. 

P.Hiệp – Đ.Nguyễn

 

 

Phản ánh chất lượng dạy học qua việc thí sinh chọn môn thi

Báo cáo về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2014 tại cuộc giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí sáng qua, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT về cơ bản đã được hoàn tất, đảm bảo cho kỳ thi diễn ra”.

Nhận định về việc chọn môn thi tốt nghiệp lần đầu tiên được áp dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ cho rằng tỷ lệ lựa chọn các môn phù hợp với điều kiện dạy học của các địa phương. Việc môn lịch sử và ngoại ngữ có tỷ lệ thí sinh lựa chọn thấp cũng phần nào phản ánh sự bất cập trong điều kiện tổ chức dạy học và chất lượng. Việc đổi mới đề thi các môn ngoại ngữ (có thêm phần thi viết) nhằm đánh giá toàn diện hơn năng lực ngoại ngữ của học sinh cũng có tác động đến việc lựa chọn môn thi này.

Tuệ Nguyễn

 

Minh Luân – Tuệ Nguyễn