09/01/2025

Những vở diễn để đời : ‘Lá cờ thêu sáu chữ vàng’

Tiếp theo vở Thánh Gióng, cách đây khoảng 5 năm, Sân khấu kịch IDECAF dàn dựng vở Lá cờ thêu sáu chữ vàng (tác giả Thanh Phương, đạo diễn Vũ Minh) mà người đóng vai Trần Quốc Toản chính là NSƯT Thành Lộc…

 

Những vở diễn để đời : ‘Lá cờ thêu sáu chữ vàng’

Tiếp theo vở Thánh Gióng, cách đây khoảng 5 năm, Sân khấu kịch IDECAF dàn dựng vở Lá cờ thêu sáu chữ vàng (tác giả Thanh Phương, đạo diễn Vũ Minh) mà người đóng vai Trần Quốc Toản chính là NSƯT Thành Lộc…

Những vở diễn để đời - Kỳ 12: Lá cờ thêu sáu chữ vàng
NSƯT Thành Lộc vai Trần Quốc Toản – Ảnh: T.L

 

Năm 1282, quân Nguyên chuẩn bị xâm chiếm nước ta lần thứ 2, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị tại bến Bình Than cùng các quan tướng bàn phương kế đánh giặc. Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy, gọi Trần Thái Tông Trần Cảnh là ông nội, và là em họ của vua Trần Nhân Tông. Vũ Uy vương mất sớm, Toản sống với mẹ, ngày đêm thao luyện võ nghệ, mong được giúp vua giúp nước. Nhưng Toản mới 16 tuổi, không được tham gia hội nghị, vua thương tình ban cho trái cam, Toản ức quá bóp nát trái cam và về nhà tự chiêu quân với lá cờ do mẹ thêu rực rỡ 6 chữ vàng Phá cường địch, báo hoàng ân. Trần Quốc Toản phối hợp tác chiến cùng với thượng tướng Trần Quang Khải đánh tan nhiều đạo quân của Nguyên Mông, lập công trạng lớn.

Sân khấu đã có nhiều kịch bản viết về vị tướng trẻ oai dũng này, nhưng đều kết thúc bằng khí thế tiến quân, để khán giả lưu lại một dư âm thật đẹp. Nghệ sĩ Bạch Long gần 20 năm trước đã viết kịch bản về Trần Quốc Toản cho nhóm Đồng Ấu biểu diễn, và mới vài năm trước “bà bầu” Linh Huyền cũng bỏ vốn dàn dựng vở Tiểu anh hùng Nam quốc diễn tại rạp Minh Châu, Q.1, TP.HCM. Tuy nhiên, vở hoành tráng nhất chính là Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Sân khấu IDECAF diễn tại Nhà hát Bến Thành. Bản dựng thật phong phú chi tiết và đẹp đẽ, nghiêm túc, dù vẫn có những màn vui nhộn, dí dỏm.

Bất ngờ nhất là NSƯT Thành Lộc lại hóa thân quá trẻ trung và dễ thương vào vai Trần Quốc Toản. Đặc biệt, nghệ thuật vũ đạo của Thành Lộc quá đẹp, nhất là lớp diễn xoay quanh một dàn trống trận và lớp cầm thương đánh giặc, cứ như vẽ hoa trên sân khấu. Và suốt hơn một tiếng đồng hồ gần như Thành Lộc liên tục có mặt trên sàn diễn, vừa thoại, vừa hát, vừa múa, vừa đánh võ… xem mà khâm phục và cảm động vì sức lao động, vì máu nghề của anh.

Rung động không chỉ từ chuyện sử, mà còn từ cái tâm của người muốn đem sử tới cho lớp trẻ. Và lớp diễn Trần Quốc Toản dụi đầu vào lòng mẹ rồi ngủ thiếp đi trong lời mẹ ru sao mà muốn rơi nước mắt. Rất đời, rất thật, là khoảng lặng giữa chiến tranh để cho những búp hoa ấy được yên bình trước khi lao vào giông bão. Dẫu sao thì đó vẫn là những đứa trẻ, dù có muốn vươn vai thành Phù Đổng thì trong tận cùng vẫn cần được nâng niu hơn là xông pha vào nơi gươm giáo. Nhưng nếu đất nước không còn thì cũng không một nụ hoa nào sống sót. Vì vậy, trong những lúc dầu sôi lửa bỏng thì hào khí đã trào dâng, gươm giáo phải thay cho vòng tay mẹ. Giấc ngủ của Trần Quốc Toản đã vội bị cắt ngang, và bóng hình người cha oai hùng đã hiện về như lời thôi thúc ra trận.

Và cũng không thể bỏ qua chi tiết Chiêu Thành vương ngăn cản Trần Quốc Toản động thủ khi bọn giặc bắt bớ người dân vô tội. Lúc ấy tình hình rất căng thẳng mà thế giặc thì hung hãn, cho nên ngay trong triều đình cũng chưa có kế sách rõ ràng. Chiêu Thành vương là chú của Trần Quốc Toản, ông vẫn còn quan niệm chống giặc là chuyện của nhà nước, người dân đừng can thiệp. “Đây là chuyện của triều đình. Chuyện đánh giặc đã có tướng lĩnh và binh sĩ của triều đình lo liệu. Triều đình không muốn người dân phải hoang mang lo sợ, mà chỉ tìm mọi cách để bảo vệ cho cuộc sống của người dân được ấm no, bình an và hạnh phúc. Chỉ cần bà con chăm chỉ làm ăn, chăm lo cho cuộc sống của mình là đủ rồi, còn tất cả chuyện khác đã có triều đình lo liệu. Chính vì vậy mà bà con không việc gì phải hoang mang lo sợ, và bọn trẻ các con không cần phải ra tay…”. Các bô lão đã chất vấn lại ông: “Giặc tàn phá không kể gì già trẻ, ta đánh giặc sao lại phân biệt trẻ già? Chẳng lẽ yêu nước, giúp nước là có tội với triều đình sao thưa ngài?”. Rõ ràng đã có lúc người ta nghĩ giống như Chiêu Thành vương, coi dân chúng không đủ tầm bàn việc nước. Nhưng may sao, vua Trần Nhân Tông làm khác đi, triệu tập hội nghị Bình Than. Sức mạnh của toàn dân chính là vũ khí đánh giặc.

Hoàng Kim – Vũ Anh