Khủng hoảng mô hình quản lý di sản

Việt Nam chưa có mô hình quản lý chuẩn cho di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Vịnh Hạ Long cố thoát “danh sách đen”

 

Khủng hoảng mô hình quản lý di sản

Việt Nam chưa có mô hình quản lý chuẩn cho di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Vịnh Hạ Long cố thoát “danh sách đen”

 
Vịnh Hạ Long đang trong danh sách di sản bị khuyến cáo của UNESCO – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Với nhiều lần vinh danh giá trị, vịnh Hạ Long lẽ ra là niềm tự hào của di sản Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin trong Hội nghị về bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (ngày 23.5, tại Hà Nội) cho thấy điều ngược lại. Vịnh Hạ Long hiện đang phải vật lộn để thoát khỏi “danh sách đen” – danh sách các di sản mà UNESCO khuyến nghị về bảo tồn. Theo đó, UNESCO đề nghị Hạ Long phải thiết lập được một hệ thống quản lý toàn diện. “Nâng cao khả năng quản lý của Ban Quản lý vịnh Hạ Long bằng cách cho phép ban quản lý này có một mức độ cao hơn về quyền tự chủ, thẩm quyền và quyền hạn ra quyết định trong việc thực hiện quản lý hằng ngày, việc thi hành vai trò và trách nhiệm”, dự thảo quyết định của Ủy ban Di sản thế giới sẽ công bố vào tháng 6.2014 tới đây tại Qatar nêu rõ.

Không chỉ Hạ Long bị mất điểm trong con mắt chuyên gia di sản nước ngoài, Mỹ Sơn cũng đã là một câu chuyện đáng để bàn. Tới thăm di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn năm ngoái, các chuyên gia UNESCO bàng hoàng khi thấy trùng trùng đất đá, xi măng bên bờ con suối thiêng Khe Thẻ. Con suối quan trọng, nơi dân cư cổ thường ra đó thực hành các nghi lễ tín ngưỡng quan trọng đã bị đào xới và cứng hóa hai bờ bằng bê tông.

Với vụ việc ở Khe Thẻ, một số chuyên gia cho rằng, đáng lẽ Mỹ Sơn không nên thuộc cấp quản lý hiện tại, tức cấp huyện. Một di tích có nhiều vấn đề bảo tồn khó khăn như vậy cần nguồn nhân lực tốt hơn để xử lý các vấn đề liên quan phát sinh. “Để phát huy di sản thế giới không thể ở các cấp sở, huyện vì sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Viết Cường, Cục Di sản nói.

Ai cũng quản lý di sản được

“Trước khi trở thành di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha Kẻ Bàng thuộc quản lý chuyên môn của Bộ NN-PTNT. Khi trở thành di sản, thế giới lại khuyến nghị nó phải do Bộ VH-TT-DL quản lý. Tới đây, chúng ta nên có quy chế quản lý giữa các bộ ngành với các di sản thiên nhiên thế giới để có hướng quản tốt nhất”, ông Nguyễn Viết Cường cho biết.

Hiện tại, các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam được quản lý ở các cấp khác nhau, các mô hình khác nhau. Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ trực thuộc Sở VH-TT-DL Thanh Hóa. Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An lại thuộc UBND TP.Hội An. Ban Quản lý di tích du lịch Mỹ Sơn trực thuộc UBND H.Mỹ Xuyên, Quảng Nam. Hạ Long và Huế lại đặt trung tâm bảo tồn thuộc UBND tỉnh.

“Phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các trung tâm quản lý di sản thế giới ở một số địa phương còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tầm vóc quản lý di sản thế giới. Nó dẫn đến một số trở ngại nhất định trong vận hành, xử lý công việc”, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, cho biết.

Rõ ràng, tuy chưa đến mức gây khủng hoảng giá trị di sản nhưng khủng hoảng mô hình quản lý thì đã đến lúc phải nói đến. Bởi từ khủng hoảng quản lý đến khủng hoảng di sản, bị UNESCO “thổi còi” là bước không xa. Trong khi đó, một quy chế cho mô hình ban quản lý di tích hiện vẫn chưa có. “Hệ thống các quy định về bảo tồn di sản, di tích thì đã có. Hiện tại, chúng ta nên nâng cao năng lực cán bộ quản lý để thực hiện các quy định trên”, PGS-TS Đặng Văn Bài, đại diện Việt Nam tại Ủy ban Di sản của UNESCO, khuyến nghị.

 

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, thì một mô hình tốt nhất, được UNESCO tư vấn cho Huế là thành lập Viện Bảo tồn di sản đa năng. Mô hình này có bộ phận nghiên cứu nhiều vấn đề khác nhau của di tích, bảo tồn. Nó cũng có bộ phận để hiện thực hóa những nghiên cứu bảo tồn đó. Nhờ sự đa năng này, di sản sẽ được phát huy trên cả lĩnh vực văn hóa lẫn kinh tế.

 

 

Trinh Nguyễn