09/01/2025

Hành động vu cáo trắng trợn của Trung Quốc

Trung Quốc vừa lớn tiếng vu cáo Việt Nam trên báo chí để biện hộ cho các động thái hung hăng phi pháp của họ ở biển Đông.

 

Hành động vu cáo trắng trợn của Trung Quốc

Trung Quốc vừa lớn tiếng vu cáo Việt Nam trên báo chí để biện hộ cho các động thái hung hăng phi pháp của họ ở biển Đông.

Bài báo sai sự thật, vu cáo của ông Lưu Hồng Dương - Ảnh chụp từ màn hình
Bài báo sai sự thật, vu cáo của ông Lưu Hồng Dương – Ảnh chụp từ màn hình 

Giới quan sát và dư luận đã “giật mình” về những luận điểm sai sự thật trắng trợn trong bài báo do ông Lưu Hồng Dương, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia đứng tên tác giả, đăng ngày 20.5 (giờ địa phương) trên ấn bản tiếng Anh của nhật báo Jakarta Post (Indonesia). Bài báo “bê nguyên xi” những gì Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói trong buổi phỏng vấn cùng ngày của CNN về vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam.

Xuất hiện trong mục Ý kiến, bài báo của ông Lưu bắt đầu bằng những thông tin hoàn toàn bóp méo sự thật: “Khi các bạn đang đọc bài báo này, hàng chục tàu Việt Nam, bao gồm tàu có trang bị vũ khí, vẫn đang đâm vào tàu Trung Quốc đang làm nhiệm vụ bảo vệ công tác khai thác dầu khí tại vùng biển gần với quần đảo Tây Sa (tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa – NV)”.

Thực tế Việt Nam đã nhiều lần khẳng định với cộng đồng quốc tế: Trung Quốc cho rất nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan rất hung hãn bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Chính hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông.

Dư luận quốc tế sẽ tin ai? Câu trả lời hết sức rõ ràng. Tiến sĩ Euan Graham (ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore) nhận xét: “Thật khó mà chỉ ra được hành động nào gọi là “khiêu khích” từ phía Việt Nam, không chỉ trong vụ giàn khoan mà còn trong suốt 2 năm qua. Việt Nam đã làm mọi cách để thể hiện thiện chí giảm thiểu căng thẳng. Về vụ giàn khoan, giới phân tích không thể không gọi các hành động của Trung Quốc là sự bắt nạt trong hoàn cảnh không hề bị khiêu khích”.

Giáo sư Zachary Abuza, chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ) khẳng định với Thanh Niên: “Theo tôi, không có ai tin vào những cáo buộc của nhà ngoại giao Lưu Hồng Dương. Trong khu vực Đông Nam Á lại càng không. Tôi đọc báo chí ASEAN mỗi ngày và chính Trung Quốc mới là bên bị báo giới khắc họa như một đất nước đang đi khiêu khích. Báo chí phương Tây cũng vậy. Tôi chưa thấy bài báo nào thể hiện sự cảm thông về cái gọi là lập trường quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề này”.

Đạo đức giả

Ngay câu tiếp theo, vị đại biện lâm thời họ Lưu viết: “Khi bạn đọc bài báo này, làn sóng bạo lực tại Việt Nam vẫn chưa lắng xuống”. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của Thanh Niên ngày 20.5, ông Kelvin Teo, đồng Chủ tịch tổ hợp Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore khẳng định hầu hết các công ty nước ngoài trong khu công nghiệp đã hoạt động trở lại. “Trong khi có thể có một số ảnh hưởng ngắn hạn, chúng tôi vẫn tin vào triển vọng phát triển lâu dài tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có những động thái bảo vệ an ninh cho các các công ty nước ngoài cũng như trấn an nhà đầu tư”, ông Teo nói.

Bài báo của ông Lưu còn tiếp tục có những luận điểm ngang ngược cũng như cáo buộc hoàn toàn sai sự thật liên quan đến vụ giàn khoan. Bài báo viết: “Trung Quốc không can thiệp không phải vì chúng tôi không đủ khả năng mà chỉ vì chúng tôi đã kiềm chế hết sức vì đại cuộc chung là quan hệ với Việt Nam và hòa bình, ổn định trên biển”. Bình luận về ý kiến trên, Giáo sư Abuza mỉa mai: “Việt Nam thật “có phước” nếu như có một ông bạn láng giềng biết “kiềm chế” như vậy. Quá nhiều lập luận đạo đức giả trong bài báo”.

 

Mỹ định hỗ trợ cảnh sát biển Việt Nam 18 triệu USD

Trong cuộc điều trần hôm 20.5 (giờ địa phương, tức sáng qua, giờ Việt Nam) trước Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel thông báo chính phủ nước này đang tăng cường hợp tác về nhiều mặt với các nước ASEAN.

Đặc biệt, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời ông Russel cho hay trong 2 năm tới, Washington sẽ dành hơn 156 triệu USD để hỗ trợ các đối tác Đông Nam Á tăng cường năng lực biển, trong đó Mỹ dự định hỗ trợ cảnh sát biển Việt Nam 18 triệu USD nhằm nâng cao khả năng triển khai nhanh trong các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thảm họa và những hoạt động khác.

Theo đoạn tin tức phát trên website chính thức của ủy ban trên buổi điều trần cũng đề cập tình hình căng thẳng liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển Việt Nam. Chủ tịch Tiểu ban Steve Chabot cho rằng hành động của Trung Quốc tiếp tục thách thức chiến lược xoay trục của Mỹ trong khi các hạ nghị sĩ Ami Bera và Gerra Connolly nhận định đó là một hành động mang tính khiêu khích.  

Trùng Quang

 

 

Việt Nam khẳng định lập trường về biển Đông tại Thượng Hải

Ngày 21.5, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (Cica) diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) trong bối cảnh châu Á đang phải đối mặt với những thách thức chung về an ninh và phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh tuyên bố của hội nghị nêu rõ các nước khẳng định tôn trọng chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn các bất đồng và tranh chấp hiện nay ở khu vực được giải quyết theo tinh thần trên. Về vấn đề biển Đông, Phó chủ tịch khẳng định thiện chí của Việt Nam thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).       

Trường Sơn

 

An Điền