10/01/2025

Quốc hội cần ra nghị quyết về biển Đông

Sáng 21-5, Quốc hội họp kín để thảo luận tại đoàn về tình hình biển Đông. Hầu hết đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự hài lòng với những gì Chính phủ đã thực hiện trong thời gian qua và giải pháp sẽ tiếp tục thực hiện để đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

 

Quốc hội cần ra nghị quyết về biển Đông

Sáng 21-5, Quốc hội họp kín để thảo luận tại đoàn về tình hình biển Đông. Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi nghe báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày chiều 20-5.

Ngư dân huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi treo cờ “Việt Nam hòa bình” lên tàu cá QNg 94799 trước khi ra Hoàng Sa – Ảnh: Đăng Nam

Hầu hết đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự hài lòng với những gì Chính phủ đã thực hiện trong thời gian qua và giải pháp sẽ tiếp tục thực hiện để đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Dưới đây là các ý kiến Tuổi Trẻ lược ghi bên hành lang Quốc hội chiều 20-5 và ý kiến cử tri.

* Ông LÊ NAM (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa):

Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất

Tôi thấy hài lòng với những việc Chính phủ đã làm trong đối nội, đối ngoại và trong giao thiệp với phía Trung Quốc. Chúng ta đã làm và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ chủ quyền bằng tất cả biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Và tôi nghĩ rằng chúng ta cũng xác định sẵn sàng cho tình huống xấu nhất nếu xảy ra.

 

Ông Dương Trung Quốc - Ảnh: V.D.

* Ông DƯƠNG TRUNG QUỐC (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai):

 

Nghị quyết của Quốc hội sẽ tác động đến đấu tranh ngoại giao

Cá nhân tôi đồng tình với các ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết để tỏ rõ quan điểm về tình hình biển Đông, bởi Quốc hội đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, là cơ quan quyền lực tối cao.

Tôi nghĩ một nghị quyết như vậy còn có tác động tới cuộc đấu tranh ngoại giao nữa. Nội dung nghị quyết của Quốc hội thì tôi nghĩ là lại “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nghĩa là cũng như từ trước tới nay, chúng ta luôn thể hiện phương châm hòa hiếu, hòa bình, nhưng chúng ta cũng khẳng định không để bất kỳ ai xâm hại tới lợi ích tối thượng của quốc gia.

Đương nhiên trong thời đại ngày nay chúng ta phải nói đến luật pháp quốc tế. Rõ ràng trong vụ việc này chúng ta có lẽ phải.

 

Ông Trần Du Lịch – Ảnh: V.D.

* Ông TRẦN DU LỊCH (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

 

Phải kiên quyết, không nhân nhượng

Qua báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, tôi có suy nghĩ là Đảng và Nhà nước ta với truyền thống hòa khí, muốn giải quyết vấn đề lợi ích trên tinh thần cầu thị, trong hòa bình, hiểu biết lẫn nhau, vì lợi ích của khu vực… Nhưng với tất cả những gì được trình bày cho thấy ý đồ của Trung Quốc vượt quá xa những điều mà thế giới và khu vực mong muốn có sự an ninh trên biển Đông.

Tôi ủng hộ quan điểm chúng ta tiếp tục giải quyết vấn đề trên phương diện thương thảo, đàm phán, hòa bình nhưng phải kiên quyết, không nhân nhượng. Chính phủ đã có thái độ rất quyết liệt, tôi nghĩ bây giờ các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cũng phải thể hiện một thái độ quyết liệt.

Chúng ta phải đấu tranh trên tất cả các mặt và khi cần thiết cũng phải đấu tranh về mặt pháp lý. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần làm cho nhà cầm quyền Trung Quốc thấy rằng đụng tới chủ quyền của Việt Nam là đụng tới lương tâm, đụng tới điều thiêng liêng của một dân tộc có truyền thống bất khuất. Cần cho Trung Quốc thấy rõ thông điệp như vậy và lịch sử cũng đã chứng minh như vậy.

 

Ông Đặng Văn Phan - Ảnh: Q.Đ.

* Ông ĐẶNG VĂN PHAN (chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM,ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM):

 

Phải có hành động cụ thể

Quốc hội kỳ này khai mạc đúng vào thời điểm cả nước đang sục sôi trước vấn đề chủ quyền quốc gia trên biển Đông. Tôi đề nghị Quốc hội phải có ý kiến chính thức về vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại biển Đông. Với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho 90 triệu dân, Quốc hội phải có tiếng nói lên án, phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan không điều kiện. Tôi nhấn mạnh là Quốc hội phải có hành động cụ thể, quan điểm, thái độ rõ ràng, thể hiện trên giấy trắng mực đen.

* Ngư dân QUÁCH THÀNH DANH (chủ hai tàu cá ở Quảng Ngãi):

Mong có nghị quyết về biển Đông

Có hẳn một nghị quyết về biển Đông hoặc một cơ chế chính sách đặc thù cho biển Đông là mong mỏi của chúng tôi. Có như vậy ngư dân mới giàu lên được, mới vươn khơi khẳng định chủ quyền hơn nữa. Nhìn những tàu cá vỏ sắt của ngư dân các nước khác đánh bắt trên biển mà cảm thấy tủi thân bởi tàu cá của ngư dân Việt Nam nhỏ, lại là tàu gỗ. Hệ thống hậu cần thì chưa có hoặc phát triển rất manh mún. Mỗi khi nghe tin có bão thì lo mà chạy trước. Trong khi tàu cá Trung Quốc là vỏ sắt, công suất lớn, mỗi khi ra khơi là có tàu bảo vệ.

 

Ngư dân Nguyễn Lộc – Ảnh: P.V.

* Ngư dân NGUYỄN LỘC (Lý Sơn, Quảng Ngãi):

 

Sống chết với Hoàng Sa

Mong Nhà nước có những chính sách ngoại giao thích hợp và có biện pháp bảo đảm an ninh trên vùng biển chủ quyền Việt Nam để ngư dân yên tâm khi ra khơi, không phải gánh những khoản nợ vô lý vì thiệt hại do Trung Quốc hành xử ngang ngược, vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Gần 20 năm làm nghề, chúng tôi mong ước nghề mình được phát triển, nhưng khắp đảo Lý Sơn chưa ai đủ sức đầu tư tàu lớn, tàu sắt để đi xa hơn, đánh bắt, lưu trữ được nhiều hải sản hơn. Nếu có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vay ưu đãi, thành lập hợp tác xã để làm ăn lớn, tôi và nhiều anh em sẵn sàng đứng ra lãnh trách nhiệm để đóng tàu, khai thác biển.

Đó là chuyện tương lai. Trên những con tàu hiện tại, chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ trang bị máy định vị rađa để có thể chủ động tránh đụng độ với tàu Trung Quốc, giảm thiểu thiệt hại. Việc mưu sinh là vậy, và mỗi ngày, chúng tôi vẫn sống chết với Hoàng Sa.

L.KIÊN – P.Vũ – Đ.CƯỜNG – Q.THANH – M.HƯƠNG ghi

 

 

 

 

Ông Nguyễn Bá Thuyền – Ảnh: V.D.

* Ông NGUYỄN BÁ THUYỀN  (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng):

 

Nếu Trung Quốc không rút, chúng ta phải kiện

Cá nhân tôi nhận thức đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, bởi Trung Quốc đưa cả tàu quân sự và máy bay đến khu vực này để bảo vệ giàn khoan, thực hiện xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Đó thực chất là những hành vi hăm dọa và gây hấn. Vì vậy tại kỳ họp này, tôi cho rằng Quốc hội cần có tuyên bố thể hiện rõ quan điểm của Quốc hội, kịch liệt phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, kêu gọi nghị sĩ các nước Asean và cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam. Trong trường hợp Trung Quốc không rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi lãnh thổ Việt Nam, chúng ta phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tôi nghĩ vào thời điểm này chúng ta có đầy đủ điều kiện để tiến hành vụ kiện.