10/01/2025

Dạy học trên đỉnh mây mù

Trên những dãy núi sương mù bao phủ quanh năm, học trò Xê Đăng vẫn miệt mài đến lớp trên những bàn chân rách bươm vì đá.

 

Dạy học trên đỉnh mây mù

Trên những dãy núi sương mù bao phủ quanh năm, học trò Xê Đăng vẫn miệt mài đến lớp trên những bàn chân rách bươm vì đá.

Thầy giáo Lê Văn Minh và học sinh Tu Chiêu trên đường đến lớp – Ảnh: T.B.D.

Còn với các thầy cô giáo, đường đến lớp học ngoài tình yêu nghề nghiệp còn đòi hỏi phải có… sức bền để leo núi.

Tờ mờ sáng. Trung tâm xã Mường Hoong tái buốt trong cái lạnh và hơi sương dày đặc. Thầy giáo Lê Văn Minh – giáo viên Trường tiểu học Mường Hoong (xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei, Kon Tum), phụ trách dạy học tại điểm trường Tu Chiêu – thúc giục chúng tôi dậy sớm để kịp giờ lên với học sinh. Hỏi trường học của học sinh Xê Đăng ở hướng nào, thầy Minh chỉ tay về bốn bề đỉnh núi cao chót vót và bảo: “Ở tận trên đó, đi hướng nào cũng có cả”.

Nước mắt trên non

 

Vận động học sinh đi học, phải biết… uống rượu

Các thầy cô giáo ở điểm trường Tu Chiêu cho biết khó khăn nhất ở Tu Chiêu là việc vận động học sinh đến lớp. Những ngày làng tổ chức lễ cữ (kiêng), học sinh bỏ học nhiều ngày trời. Giáo viên đến vận động có lệ là phải uống rượu cho say với gia chủ thì họ mới đồng ý cho con đi học lại.

Ngoài ra, nhiều khi thầy cô giáo thiếu thức ăn, vào làng muốn mua được gà, vịt dân nuôi cũng phải uống rượu với gia chủ. “Nhiều thầy cô khi vào làng còn tỉnh, xách được gà vịt về đến nơi thì nằm say sõng soài” – thầy Minh kể.

 

Điểm trường Tu Chiêu nằm cách trung tâm xã khoảng hai giờ đi bộ. Để có thể lên được ngôi làng này, không có cách nào khác ngoài việc cõng bộ. Thầy Minh chạy xe máy đến một căn chòi mái lợp lá, vách thưng bằng ván gỗ để gửi xe lại, xắn quần chuẩn bị hành trình vượt núi bằng đôi chân. Thầy Minh cho biết căn chòi mà thầy gửi xe được người dân ngôi làng sát chân núi đóng tặng bởi trước đó hơn một tháng, bốn thầy cô giáo khi gửi xe ở một ngôi nhà hoang đã bị lửa bắt ra và cháy… Cuối tuần, khi các thầy cô giáo xuống núi thì thấy xe chỉ còn lại bộ khung. “Dân làng thương thầy cô lắm, thấy thầy cô khóc vì mất của họ cũng khóc theo. Rồi bảo tại cái xui xẻo, phải làm lễ cúng. Giáo viên toàn huyện phải góp người ít người nhiều chung tiền mua xe cho những đồng nghiệp gặp nạn” – thầy Minh nói.

Đường lên điểm trường Tu Chiêu chúng tôi phải men qua những ngôi làng nằm dọc các thung lũng, giữa lưng chừng các dãy núi. Trước mỗi ngôi làng đều có các hình thù quái lạ, treo những cặp sọ thú rừng. Thầy Minh nhắc chúng tôi không được đi dưới những hình đầu lâu đó bởi đó là dấu hiệu làng đang có cữ (lễ kiêng).

Hơn một giờ lội bộ, xương cốt rã rời nhưng trường vẫn mù mịt dưới đám sương dày đặc. Phía trước, những học sinh Xê Đăng ở các ngôi làng cũng rậm rịch đi học. Hành trang đến trường của các em này ngoài những chiếc áo sờn cũ, chiếc cặp rách bươm là những đôi chân sớm chai sạn vì leo núi. Em Y Hạnh – học sinh tại điểm trường Tu Chiêu – nói để đến lớp học em phải dậy từ lúc 5g sáng, trên núi mưa dầm lạnh căm Hạnh phải quấn vào người hai ba chiếc áo, xỏ đôi ủng được bố mẹ mua cho để lội bộ đến trường. Nhưng không phải học trò nào ở Tu Chiêu cũng có ủng đi rừng như Hạnh, nhiều học sinh trên đường đi chúng tôi bắt gặp phải giẫm trên mặt đất lởm chởm đá bằng bàn chân trần non nớt, quần áo rách bươm. “Các em ở đây là vậy đó, khổ cực, vất vả cũng quen rồi nên  thiếu thốn như thế là chuyện bình thường” – thầy Minh nói.

Điểm trường Tu Chiêu có tổng cộng năm thầy cô giáo phụ trách từ lớp 1 đến lớp 5. Giữa giờ học, những học trò người Xê Đăng khuôn mặt ngờ nghệch đứng nhẩm từng chữ đọc theo lời giảng của cô giáo. Những lớp học trống trơn, gió thổi lồng lộng từ núi xuyên qua các tấm ván thưng tạm. Đứng trong lớp học, tiếng đánh vần của học sinh lớp bên này thỉnh thoảng lại bị chen ngang bởi tiếng giảng bài của lớp bên kia. Hai lớp học chỉ ngăn cách nhau bằng hai ba tấm ván mỏng, đứng bên này có thể quan sát hết lớp bên cạnh. Thỉnh thoảng cả thầy cô giáo lẫn học trò phải lấy sách vở che mặt lại vì gió thốc từ rừng thổi vào cuốn bụi từ nền đất lớp học bay mù mịt.

Khi tình yêu… không qua được đỉnh núi

Kể về hành trình đến với trường, tất cả thầy cô giáo đều chia sẻ trong nỗi chạnh lòng: cũng vì học những trường “ít có tiếng” và là con em gia đình nghèo ở miền Trung, Quảng Nam… Ra trường bôn ba khắp nơi, có người phải đi làm thuê mấy năm trời rồi gặp cơ hội là cắp hồ sơ lên xin việc.

“Mình nhớ như in cái năm 2009 lũ to nhất của Kon Tum, nghe huyện Đắk Glei thiếu tuyển 70 giáo viên nên đánh đường lên. Cứ nghĩ là địa hình giống miền Trung, nào ngờ lên đến nơi thì mưa gió tơi bời, đường sá bản làng bị vùi trong đất bùn. Vào đến xã thầy cô giáo mà nhìn ai cũng nghĩ dân đi tìm sâm” – cô giáo Lý Thị Ương nói.

Cô Ương cho biết cô tốt nghiệp CĐSP Cao Bằng, ở lại quê nhà đi dạy hợp đồng một thời gian rồi nản nghề ôm balô vào miền Nam làm công nhân. Khi được một người bạn giới thiệu, cô nộp hồ sơ và được phân về dạy tại Tu Chiêu.

Tương tự, các thầy cô giáo như Lê Văn Minh, Nguyễn Thị Mỹ Thuẩn, Nguyễn Thị Ngọ đều đến với học sinh Xê Đăng trong những câu chuyện buồn như thế. Cô Ngọ cho biết ngày vào Tu Chiêu đi dạy, thấy xa xôi mịt mùng quá, không biết ngày nào được trở về nên cô khóc miết. “Đợt đó em tính nghỉ việc về lại quê, nhưng đường từ Mường Hoong ra đến huyện cũng không thể đi nổi nên đành ở lại”. Cô Thuẩn nói vui vẻ: “Giờ bạn bè ở đây cả rồi, quen với các em hết rồi nên chẳng muốn về lại nữa, muốn ở đây thôi”.

Trong điều kiện tách biệt như thế, nhiều thầy cô giáo cho biết có những thiệt thòi rất khó nói. Các thầy cô giáo đùa vui rằng ở điểm trường Tu Chiêu này cô Lý Thị Ương được xem là “hoa khôi”, nhưng bước qua tuổi 33 cô vẫn chưa một mảnh tình vắt vai. “Tụi nó chọc em là cao giá, nhưng ở trên này mù mịt quá, có lẽ nhiều anh dù yêu lắm nhưng tình yêu… không qua được đỉnh núi nên đành ở dưới xã. Giờ bạn bè em đứa nào cũng có chồng con đề huề cả rồi, nghĩ đến bản thân cũng thấy tủi tủi” – cô Ương nói.

Cô giáo Thuẩn thì nói rằng để dạy học ở nơi heo hút này phải gửi con từ lúc mới 6 tháng tuổi cho ông bà ngoài Quảng Nam nuôi, cả hai vợ chồng đều công tác biền biệt vài tháng mới về thăm con được một lần. Hôm chúng tôi lên, cô giáo Ngọ và người đồng nghiệp trong điểm trường chuẩn bị làm lễ cưới. Nhìn hai người tíu tít với nhau trên điểm trường heo hút, các thầy cô giáo đều mừng thầm vì họ đã gặp được nhau nơi đặc biệt như thế.

 

 

 

Hành trang của học sinh Tu Chiêu ngoài sách vở còn có thêm rau dại để mang tặng thầy cô dùng hằng ngày – Ảnh: T.D.

 

Ăn rau dại, uống nước suối

Thầy giáo Lê Văn Minh cho biết dạy học ở điểm trường Xê Đăng này thầy cô giáo gần như tách biệt với thế giới bên ngoài: sóng điện thoại lúc được lúc không, nước sạch được dân làng bắt ống lồ ô dẫn từ trên đỉnh núi xuống cho thầy cô giáo sử dụng. Cứ cuối tuần, một người được phân công xuống núi mua nhu yếu phẩm, thức ăn đủ rồi cõng lên dùng cho cả tuần.

“Thế cho nên thức ăn hằng ngày tụi mình cũng ưu tiên những món… để được lâu như cá khô, muối mè, đậu phộng. Thầy cô lại phải kho thật nhiều muối để dùng lâu dài. Thương thầy cô giáo khổ cực, mỗi học sinh khi đến lớp đều mang những gói rau má, rau dại hái được từ rừng cho thầy cô dùng” – cô giáo Lý Thị Ương nói.

 

THÁI BÁ DŨNG