10/01/2025

Lòng yêu nước trong tim mỗi người

Dự án mang thông điệp hòa bình của Việt Nam gửi ra thế giới, đó là ý tưởng mà TS Nguyễn An Nguyên vừa công bố để kêu gọi mọi người cùng thực hiện.

 

Lòng yêu nước trong tim mỗi người

Dự án mang thông điệp hòa bình của Việt Nam gửi ra thế giới, đó là ý tưởng mà TS Nguyễn An Nguyên vừa công bố để kêu gọi mọi người cùng thực hiện.

Mỗi người luôn có cách riêng của mình để thể hiện lòng yêu nước.

 

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) thể hiện tình yêu biển đảo, quê hương bên mô hình về biển Đông của Việt Nam – Ảnh: Như Hùng

 

 

Nguyễn Ngọc Thảo – Ảnh nhân vật cung cấp

 

Nguyễn Ngọc Thảo (lớp 12A2 Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM):

Lòng yêu nước không thể bồng bột, nóng nảy

Trong kỳ thi thử ngày 13-5, nhà trường đã cho học sinh làm một đề thi nghị luận xã hội rất sát thực tế về việc thể hiện tinh thần yêu nước như thế nào cho đúng mực và phù hợp. Đây là cơ hội để học sinh chúng em được bày tỏ quan điểm, nhìn nhận của mình về vấn đề này giữa nhiều luồng thông tin, nhiều luồng quan điểm khác nhau trên mạng và trên báo chí. Mỗi người có cách biểu hiện lòng yêu nước khác nhau, tuy nhiên không thể xuất phát từ lòng yêu nước mà bồng bột, nóng nảy. Em cũng không tán thành chuyện chúng ta bài xích Trung Quốc, bởi đây là câu chuyện của những nhà lãnh đạo, người Trung Quốc ở Việt Nam không có lỗi gì cả. Với học sinh, trong tình thế này càng phải xác định học thật tốt, nỗ lực thật nhiều. Bởi chúng ta là những người yêu chuộng hòa bình và không muốn chiến tranh xảy ra. Hơn bao giờ hết, lúc này là lúc thể hiện lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc bằng cách làm tốt bổn phận của bản thân, đó cũng là đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước.

Nguyễn T. Q. (45 tuổi, công nhân Công ty SJB, Khu chế xuất Bình Chuẩn, Bình Dương):

Yêu nước, trước hết phải làm việc tốt

Công ty chúng tôi chuyên sản xuất giày, là đối tác của nhiều hãng giày lớn trên thế giới. Tôi đã làm công nhân được mười mấy năm rồi, trong đó công ty hiện tại đã làm được hơn bốn năm. Chứng kiến những gì xảy ra tại Bình Dương những ngày qua, tôi thấy nhiều người hành động không đúng. Theo tôi, muốn bảo vệ Hoàng Sa – Trường Sa thì đất nước phải mạnh, mà muốn đất nước mạnh thì công nhân phải có việc làm.

Suốt những ngày này, tôi và rất nhiều công nhân khác túc trực ngày đêm, ăn ngủ tại nhà xưởng để bảo vệ công ty. Có hôm tôi chỉ tranh thủ về nhà được hai ba tiếng để tắm giặt và thăm con nhỏ. Tôi mong muốn mọi người thể hiện lòng yêu nước nhưng cũng giữ bình tĩnh, đừng quá khích và hãy vì miếng cơm manh áo của công nhân.

 

Nguyễn Mỹ Linh – Ảnh nhân vật cung cấp

 

Nguyễn Mỹ Linh (lớp 11D1 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội):

Hi vọng có những người Trung Quốc hiểu được lẽ phải

Khi được cô giáo dạy tiết học “Yêu nước” (giáo án do cô giáo Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú, biên soạn), chúng em hiểu hơn tầm quan trọng và tiềm năng của vùng biển Việt Nam cũng như lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống lại âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc. Trong chúng em cũng có những bạn tỏ ra giận dữ, muốn “tẩy chay” tất cả những gì thuộc về Trung Quốc. Suy nghĩ về những căn dặn của các thầy cô giáo, em cũng phần nào hiểu được tác hại của những hành động thiếu suy nghĩ được mệnh danh “yêu nước”. Vì thế, em đã và sẽ chỉ tham gia những hoạt động lành mạnh ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có nhiều cách thể hiện lòng yêu nước. Yêu nước cũng có thể thể hiện ở những việc làm bình thường như học tập thật tốt, nỗ lực trong lao động làm ra tài sản, giúp ích cho đất nước, cho cộng đồng, cho những người xung quanh mình. Việt Nam đã có nhiều người xuất sắc trên các lĩnh vực khác nhau khiến thế giới biết đến tên Việt Nam, đó cũng là cách thể hiện yêu nước…

Cô giáo em đã nói: “Con học giỏi tiếng Anh, giả sử khi đất nước bị ngoại xâm, con không trực tiếp cầm súng thì có thể bằng năng lực của mình tham gia các diễn đàn khác nhau làm cho thế giới hiểu được việc đấu tranh của dân tộc mình là chính nghĩa”. Em có một số người bạn ở Trung Quốc, qua trò chuyện với các bạn thì em biết không phải người Trung Quốc nào cũng đồng tình với việc chính phủ nước này đi xâm chiếm lãnh thổ nước khác. Trung Quốc cũng có những người tốt, những người mong muốn hòa bình. Em hi vọng sẽ có nhiều người Trung Quốc hiểu được lẽ phải.

Anh Linh (công nhân một công ty nước ngoài trong Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore 1, Bình Dương):

Hãy quan tâm tới công nhân

Tôi nghĩ rằng qua những cuộc tuần hành vừa qua của công nhân, các cơ quan có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa tới người lao động, đặc biệt là công nhân trong các khu công nghiệp. Vì thực tế trước hành động Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước ta, bất cứ ai cũng bức xúc, trong đó có công nhân. Thế nhưng công nhân chúng tôi không có diễn đàn nào để bày tỏ tình cảm của mình. Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan quan tâm tới công nhân bằng việc bảo vệ môi trường làm việc an toàn cho chúng tôi.

 

Phan Triệu Phú – Ảnh nhân vật cung cấp

 

Phan Triệu Phú (Đại học Y Huế):

Tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế

Thời gian này, mỗi khi có dịp tham gia các hoạt động tình nguyện với các bạn người nước ngoài, trước những lo ngại của các bạn về tình hình Việt Nam, chúng tôi luôn tìm cách giải thích rõ ràng và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các bạn. Khi trở về, các bạn đã chia sẻ lại các thông tin này lên mạng xã hội, giúp mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn về tình hình Việt Nam hiện nay. Tôi nghĩ bên cạnh việc hun đúc lòng yêu nước của người Việt mình, việc tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế cũng rất cần thiết. Việt Nam không cô đơn trong bất kỳ cuộc chiến nào, vì đằng sau chúng ta còn cả thế giới, và chúng ta cần cố gắng mang sự thật ra với thế giới càng nhiều càng tốt.

B.SƠN – L.TRANG – V.HÀ – MAI HƯƠNG – ĐOÀN BẢO CHÂU ghi

 

 

 * TS Nguyễn An Nguyên:

Cùng thực hiện dự án Thông điệp hòa bình

 

Ảnh nhân vật cung cấp

Tôi cùng một nhóm bạn bè vừa công bố dự án Thông điệp hòa bình. Đó sẽ là một đoạn phim ngắn tải thông điệp hòa bình của người Việt gửi đến thế giới. Chúng tôi cho rằng không thể chấp nhận một thiểu số manh động có thể bôi bẩn các cuộc biểu tình hòa bình của hàng vạn người, bôi bẩn lương tri của hàng triệu người Việt. Chúng ta cần nói những lời giản dị chân thành với người dân Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và với thế giới rằng chúng tôi không chấp nhận bạo lực. Chúng tôi xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Lời nói ấy là để gột rửa vết nhơ bạo lực khỏi cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trong mắt người dân nước khác. Cũng là lời tự hứa từ chối bạo lực cho chính chúng ta. Trong thế giới nối mạng mà chúng ta đang sống, một lời từ trái tim sẽ đến được với triệu trái tim.

 

Chúng tôi dự kiến thông điệp sẽ dài 60 giây. 20 giây đầu sẽ do một nhà khoa học Việt Nam có uy tín nói về việc tại sao chúng ta biểu tình, về vụ Bình Dương và một lời xin lỗi. Sau đó sẽ là các đoạn phim rất ngắn nối tiếp nhau của những người Việt khác nhau nói lời xin lỗi: We are sorry.

Chúng tôi cần ý tưởng của mọi người để làm thông điệp càng sáng tạo càng tốt. Có sáng tạo thì mới có thể lan nhanh, thu hút sự chú ý của giới truyền thông, đến được với nhiều người.

Nếu bạn đồng ý với thông điệp thì hãy tự mình nói lên. Bạn có thể dùng điện thoại để tự ghi lại hình ảnh mình và các bạn của mình: We are sorry.

Bạn cũng có thể nói bằng tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Trung, tiếng Đài. Bạn cũng có thể viết ra giấy và tự chụp ảnh mình với thông điệp ấy. Hãy chuyển video và hình ảnh cho chúng tôi qua Facebook https://www.facebook.com/nguyenanguyen, hoặc qua email [email protected].

 

 

 

 

Hồ Minh Tú (nhân viên PR, ngụ phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM):

“Đây đã là quê hương của tôi, còn đi đâu nữa?”

Với tôi, yêu nước là một tình yêu. Tình yêu đích thực đôi khi cũng không nhất thiết phải hét thật lớn với mọi người, mà có thể được kể qua từng hành động. Tôi có quen một cụ ông người Hoa nhà ở đường Hàm Tử, Q.5. Ông kể: năm 1945, tránh những biến động chính trị ở quê nhà, hai mẹ con ông từ Trung Quốc lên thuyền vượt biển đến Sài Gòn. Lúc đó ông là cậu bé 15 tuổi đi theo mẹ với hai bàn tay trắng. 30 năm sau, trước giải phóng, ông đã là chủ một công xưởng sản xuất lưới chụp đèn măngxông, có bốn căn nhà. Sau khi nước nhà độc lập, trước những thay đổi về đường lối quản lý kinh tế, ông bàn giao nhà xưởng lại cho Nhà nước, bàn giao luôn ba căn nhà, chỉ giữ lại một căn nhà trên đường Hàm Tử để sinh sống. Thêm 30 năm sau đó, ông lại là một tấm gương được UBND Q.5 tuyên dương vì nhiệt tâm làm từ thiện. Ở khu phố, trong phường, nhà ai nghèo khổ ông đều sẵn lòng chu cấp gạo. Những người khó khăn hơn, đau bệnh, ma chay không có tiền thì ông giúp tiền, mua tặng áo quan. Tôi hỏi sao ông không trở về quê hương, ông cười: “Đây đã là quê hương của tôi, còn đi đâu nữa?”. Gạt đi những biến động lịch sử, chính trị, gạt đi gút mắc, những người dân lương thiện dù đến từ đất nước nào, dù có ở đâu, thuộc giai tầng nào, cũng đều mong cầu một cuộc sống hòa bình, được yên ổn làm ăn và được làm người tốt. Sống tốt, theo tôi, cũng đồng nghĩa với yêu nước và có tinh thần dân tộc.

Văn Trung Nhật Tài (sinh viên ngành truyền thông Đại học Rmit):

Có trách nhiệm với quê hương

 

Ảnh nhân vật cung cấp

Khi báo Tuổi Trẻ phát động chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông”, trong số bạn bè tôi hưởng ứng chương trình có một bạn gái gốc Đài Loan. Mấy ngày vừa qua, bạn kể nhà xưởng của công ty gia đình tại Bình Dương đã bị ảnh hưởng trong đợt tuần hành. Vậy mà khi chúng tôi vận động quyên góp cho cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân Việt Nam, bạn gái ấy vẫn vui vẻ tham gia với lý do bạn đã xem Việt Nam là quê hương và cảm thấy phải có trách nhiệm với quê hương. Bản thân tôi và các bạn của mình những ngày qua vẫn cố gắng phát đi những thông điệp trên mạng xã hội để kêu gọi mọi người bình tĩnh, đừng manh động. Mỗi người mỗi việc, hãy làm việc gì có ích, dù là nhỏ nhất.