10/01/2025

“Cởi trói” cho các nhà khoa học

Đây là nội dung chính của buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân với các nhà khoa học, sinh viên. Buổi đối thoại diễn ra sáng 17-5, ngay sau lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

 

“Cởi trói” cho các nhà khoa học

Đây là nội dung chính của buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân với các nhà khoa học, sinh viên. Buổi đối thoại diễn ra sáng 17-5, ngay sau lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tặng hoa chúc mừng GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng – Ảnh: Việt Dũng

 

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng đầu tiên của VN dành riêng cho tác giả có công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên. Năm đầu tiên, hai nhà khoa học được nhận giải thưởng này là GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) và PGS.TS Nguyễn Bá Ân (Viện Vật lý – Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ VN).

Nhà khoa học như người làm thuê

 

GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng:

Không ít sinh viên từ chối vinh dự

Tôi được đào tạo tại Trường ĐH Tổng hợp, khi được giữ lại làm cán bộ thì đó là vinh dự tột bậc, là tôi hay ai cũng không bao giờ nghĩ đến việc từ chối vinh dự đó. Nhưng hiện tại khi chúng tôi giữ sinh viên giỏi ở lại trường dù có thể các em chưa phải là xuất sắc lắm, thì không ít sinh viên đã từ chối cơ hội mà tôi vẫn muốn gọi là vinh dự đó. Tiền lương, cơ chế đãi ngộ như hiện nay không thể giúp các em duy trì được cuộc sống.

 

Câu hỏi được nhiều nhà khoa học đặt lên bàn Bộ trưởng Nguyễn Quân chính là việc cải tiến cơ chế đãi ngộ cho nhà khoa học thực hiện đến đâu và có cách nào để gỡ bỏ cơ chế quản lý rườm rà, nặng về sổ sách, hành chính đã “trói chân, trói tay” các nhà khoa học bao lâu nay. Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận lâu nay Nhà nước chưa có chính sách đặc biệt nào dành riêng cho nhà khoa học. Nhà khoa học chỉ được hưởng chế độ như viên chức bình thường, thậm chí còn không bằng giáo viên, bác sĩ vì các ngành nghề kia còn có phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên…

“Những người làm nghiên cứu chuyên nghiệp không có chế độ nào ngoài tiền lương cơ bản. Do đó, thời gian vừa qua Đảng và Nhà nước đã thống nhất cần có chính sách riêng để đãi ngộ nhà khoa học” – Bộ trưởng Quân nói. Theo đó, việc đãi ngộ đặc biệt đang được hướng vào ba đối tượng chính: đó là nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được Nhà nước tin cậy giao cho các đề tài nghiên cứu trọng điểm quốc gia và những nhà khoa học trẻ dưới 35 tuổi đã có công trình nghiên cứu nổi trội. Nghị định 40 của Chính phủ về ưu đãi cho nhà khoa học vừa được ban hành đã trao cho nhà khoa học quyền tự chủ rất cao, thoát khỏi những ràng buộc của cơ chế hiện hành, tạo kỳ vọng về xây dựng đội ngũ khoa học mạnh trong tương lai.

Dù vừa nhận một giải thưởng lớn với giá trị tiền thưởng được coi là “đột phá”, nhưng GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng vẫn không giấu được nỗi niềm khi nhắc đến sự khác biệt trong đánh giá sức hấp dẫn của môi trường nghiên cứu với giới trẻ hiện nay và thế hệ của ông vào khoảng 40 năm trước. Lý giải một trong những nguyên nhân khiến sinh viên từ chối ở lại trường, điều mà thế hệ ông không bao giờ nghĩ tới, GS Hưng dẫn câu chuyện sinh viên ở lại trường làm giảng viên thì mức lương khởi điểm chỉ hơn 2 triệu đồng, khi học xong tiến sĩ thì mức lương cũng mới chỉ chạm mốc 3,5 triệu đồng.

“Tuy nhiên, theo tôi, tiền lương vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất. Điều nhà khoa học quan tâm hơn chính là họ được bố trí làm việc đúng với sở trường và được đối xử một cách văn minh. Đằng này, cơ chế hiện tại khiến nhiều nhà khoa học không khỏi chạnh lòng khi nghĩ mình giống kẻ làm thuê” – GS Hưng nói.

Khoa học cơ bản như nhạc giao hưởng

Đứng từ góc nhìn của một nhà khoa học đeo đuổi lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, GS Nguyễn Hữu Việt Hưng đặt ra so sánh giữa khoa học và âm nhạc: “Khoa học cơ bản giống như nhạc giao hưởng vậy. Một quốc gia có thể thành công ở nhiều lĩnh vực như pop, rock…, nhưng để đạt đỉnh cao thế giới thì không thể không có thành tựu ở lĩnh vực âm nhạc bác học”.

Đồng ý quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định nghiên cứu cơ bản có vai trò đặc biệt quan trọng không những tạo ra kiến thức nền tảng cho sự phát triển mà còn có vai trò quan trọng duy trì môi trường nghiên cứu, môi trường đào tạo đỉnh cao – yếu tố sống còn để đào tạo lực lượng nhà nghiên cứu, những chuyên gia xuất sắc cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Xác lập quan điểm này, Bộ Khoa học và công nghệ chủ trương chọn lựa những công trình trao giải thưởng cho giải thưởng đầu tiên về nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên phải có giá trị nổi trội và mức tiền thưởng đặt ra cũng phải thật xứng đáng. “Nếu so với Giải thưởng Hồ Chí Minh là 200 triệu đồng, Giải thưởng Nhà nước 150 triệu đồng, thì Giải thưởng Tạ Quang Bửu của Bộ Khoa học và công nghệ có giá trị 200 triệu đồng là một giải thưởng lớn”- Bộ trưởng Quân ví von.

NGỌC HÀ

 

 

 

Còn có những thứ quý hơn vàng…

Tuy là buổi đối thoại giữa bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ với các nhà khoa học, nhưng bất ngờ chủ đề được các nhà khoa học quan tâm nhất, đặt nhiều câu hỏi nhất lại là về tình hình biển Đông. Những câu hỏi này đều do các nhà khoa học đề nghị được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam – khách mời của lễ trao thưởng – giải đáp trực tiếp. Tuổi Trẻ ghi lại phần đối thoại, trao đổi đặc biệt này.

 

“Hoàng Sa là của VN. Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm Hoàng Sa, chúng ta nhất định phải đòi lại. Đời chúng tôi, đời các bạn chưa đòi lại được thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi lại”

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

 

* “Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”, tình hình biển Đông đang rất phức tạp. Vậy giới khoa học, giới trí thức nên làm gì lúc này để sát cánh cùng những lực lượng đang ngày đêm canh giữ biển trời?

– Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Để thế nước mạnh thì phải xây dựng đất nước phát triển. Đây chính là chiến lược mà chúng ta đang đeo đuổi. Chúng ta không nên bi quan rằng khoa học VN được đầu tư ít hơn 30-40 lần thì thành tựu khoa học sẽ thua kém các nước. Nếu nói thế thì không bao giờ chúng ta vượt lên, chưa bao giờ chúng ta chiến thắng.

Trước hết, những người có tri thức cần tìm hiểu kỹ về việc này để truyền thông cho những người xung quanh. Ở đây cũng có những nhà khoa học, những người nghiên cứu hợp tác quốc tế thì càng cần thông tin đến thế giới về việc Trung Quốc vi phạm luật quốc tế khi đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của VN. Các nhà khoa học nghiên cứu sâu về khoa học lịch sử và những lĩnh vực liên quan cũng cần tiếp tục nghiên cứu những bằng chứng lịch sử không chỉ tại vùng Trung Quốc đang trái phép đặt giàn khoan mà nhiều vùng biển thuộc chủ quyền VN theo công ước quốc tế, chúng ta đều có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử. Để đất nước hùng mạnh không chỉ một lúc mà cần có chiến lược lâu dài và tất cả mọi người phải cùng cố gắng. Các nhà khoa học có một vị trí vô cùng quan trọng, lúc này càng phải vượt qua chính mình, biến trách nhiệm thành hành động. Đất nước có giàu thì mới mạnh được. Trên thế giới, có những nước nhỏ, cũng thường xuyên bị đe dọa bởi các nước xung quanh, nhưng họ có nhiều thành tựu nghiên cứu, không chỉ kinh tế mạnh mà quốc phòng cũng mạnh và họ đứng vững.

* Hiện tại, VN có nhiều đối tác chiến lược nhưng lại không có đồng minh. Vậy VN liệu có thiết lập đồng minh trong quan hệ ngoại giao sắp tới?

– Đường lối quân sự của chúng ta rất rõ ràng. Tại Hội nghị Shangri-La năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định với quốc tế: Chính sách quốc phòng VN là hòa bình và tự vệ, không liên minh quân sự với ai, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại nước ta, cũng không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba. Vừa qua VN đã mở rộng quan hệ với rất nhiều nước. Chúng ta có quan hệ đặc biệt với Lào, Campuchia, có quan hệ chiến lược toàn diện, chiến lược ở một số lĩnh vực với một số nước. Nhưng chúng ta chủ trương không liên minh quân sự với nước nào để chống lại nước thứ ba. Xin được nhắc lại trong lịch sử hàng nghìn năm trở lại đây, dù dân tộc ta luôn được coi là nhỏ hơn, yếu hơn so với thế lực xâm lăng, nhưng nhờ chính nghĩa, bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết một lòng của dân tộc nên chúng ta đã chiến thắng.

* Với tình hình hiện nay, liệu phương châm “16 chữ vàng” trong quan hệ Việt – Trung được đánh giá thế nào và có cần thiết phải thay đổi?

– Chính sách đối ngoại của VN rất rõ. Chúng ta nhất quán quan điểm muốn đa phương, đa dạng hóa, xây dựng quan hệ hữu nghị với tất cả các nước. Đối với nước Trung Quốc, phương châm “4 tốt”, “16 chữ vàng” là đã được lãnh đạo hai nước đưa ra để cùng nhau xây dựng, củng cố mối quan hệ láng giềng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, củng cố mối quan hệ này còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. VN luôn rất thực tâm, chân thành, nỗ lực hết sức xây dựng mối quan hệ theo phương châm đó và mong muốn Trung Quốc cũng như vậy. Ngay cả trong tình hình hiện nay, thì chúng ta vẫn phải hướng tới phương châm này. “Chữ “vàng” ở đây được lựa chọn hẳn để so sánh đó là thứ quý như vàng. Nhưng có lẽ ai cũng biết vàng chưa phải là thứ quý nhất. Kim cương còn quý hơn vàng. Và vẫn có thứ quý hơn kim cương. Đó là bốn chữ mà Bác Hồ đã nhắn nhủ, đó là “độc lập, tự do”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chúng ta trân trọng, nâng niu quan hệ của hai dân tộc theo phương châm 16 chữ vàng đó, nhưng đúng như Bác Hồ nói: độc lập tự do là quý nhất. Chúng ta phải nỗ lực xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các nước, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc, nhưng đồng thời phải giữ vững được độc lập, tự do.

Làm được điều đó không chỉ dựa vào lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng hi sinh mà còn phải luôn sáng suốt, tỉnh táo, trí tuệ. Trong các cuộc kháng chiến trước đây, chúng ta chiến thắng chính là nhờ có trí tuệ bên cạnh bản lĩnh kiên cường.

NGỌC HÀ