Mục tiêu giữ vững chủ quyền không thay đổi
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định như vậy trước cử tri TP.HCM trong cuộc tiếp xúc hôm qua, nhằm chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội lần thứ 7.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Mục tiêu giữ vững chủ quyền không thay đổi
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định như vậy trước cử tri TP.HCM trong cuộc tiếp xúc hôm qua, nhằm chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội lần thứ 7.
|
Trong số gần 30 cử tri thuộc địa bàn Q.1 và Q.3 đăng ký trực tiếp phát biểu với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM hôm qua, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình trước hành động ngang ngược của Trung Quốc (TQ) khi hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng biển VN.
Quốc gia với quốc gia là bình đẳng
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà TQ là thành viên, VN và nhiều nước ASEAN cũng là thành viên, rõ ràng lô 143 này (khu vực TQ hạ đặt trái phép giàn khoan – PV) không thể nói là của TQ được”. “TQ đưa giàn khoan vào vùng biển chủ quyền VN là vi phạm pháp luật quốc tế. Chúng ta phản đối, dứt khoát phản đối và rất kiên định”, ông nói thêm.
|
Chủ tịch nước cho biết T.Ư đã làm việc cật lực để thực hiện việc bảo vệ chủ quyền quốc gia. “Đừng hỏi sợ hay không sợ. Vấn đề quốc gia với quốc gia là bình đẳng. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng và trách nhiệm của chúng tôi là phụng sự Tổ quốc. Nhân dân mong muốn gì chúng tôi hành xử đúng như thế. Chúng tôi không sợ khi đấu tranh bảo vệ chủ quyền”, ông khẳng định.
Chủ tịch nước cho biết, mặc dù TQ đã huy động tàu quân sự đến khu vực hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 (Haiyang Shiyou – 981) nhưng VN chỉ điều phương tiện dân sự để thực thi việc chấp pháp trên biển như tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư. Ông nói: “Chúng ta không bao giờ hung hăng, không bao giờ muốn xung đột. Công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình là phải hết sức kiên quyết và kiên nhẫn. Đây là chuyện lớn của quốc gia, phải hết sức bình tĩnh chứ không phải là chuyện đơn giản, khẩn trương giải quyết được nhanh”.
“Nhà của tôi, sao tôi lại rút”
Cử tri Trần Quang Trung cho rằng “TQ đang thực hiện chủ nghĩa bành trướng. Nếu mơ hồ, không cảnh giác thì rất dễ bị xúi giục, lôi kéo. Bà con ta phải nhận thức cho đúng. Vụ việc tại Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua cho thấy không nên mắc mưu khiêu khích”. Trong khi đó, cử tri Nguyễn Hữu Châu đề nghị T.Ư phải sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Trả lời cử tri, Chủ tịch nước cho biết lãnh đạo cấp cao 2 nước VN và TQ đã thống nhất quan điểm về vấn đề biển Đông là phải giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, nhưng TQ không làm những gì đã cam kết. Ông nói: “Việc này không chỉ người dân VN bức xúc mà quốc tế cũng rất bức xúc”.
Nói về quan điểm xử lý của VN, Chủ tịch nước cho biết, chúng ta đấu tranh nhưng luôn tuân thủ theo luật pháp quốc tế, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. Sẽ sử dụng mọi biện pháp nhưng cũng sẽ nằm trong “nội hàm hòa bình”. “Mục tiêu giữ vững chủ quyền là không thay đổi, dứt khoát không thay đổi. Yêu cầu VN rút đi thì sao VN rút được. Nhà của tôi sao tôi lại rút. Anh (TQ – PV) rút đi chứ. Anh đến thì anh phải về đi chứ. Anh phải rút trước. Dứt khoát là phải rút trước”, ông nói thêm. Chủ tịch nước nói: “Chúng ta không hề muốn xảy ra (chiến tranh – PV). Bao nhiêu lần mình toàn bị ức hiếp, buộc mình phải cầm súng mà chiến đấu, chứ không phải mình khiêu khích rồi cầm súng chiến đấu”.
Chủ tịch nước cũng xác định, một đất nước còn nghèo thì không thể có thực lực để giữ vững chủ quyền quốc gia, nhất là trong tình hình hiện nay và kêu gọi hãy biến thách thức thành hành động, biến khó khăn thành cơ hội để vượt qua. “Anh em nào còn quan liêu, lãng phí, còn tham nhũng thì phải thức tỉnh, dồn sức vào để nhanh chóng đẩy mạnh công cuộc phát triển đất nước. Như thế thì anh mới chứng minh được là người yêu nước, là người quyết tâm bảo vệ chủ quyền. Chứ nói yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền mà anh lãng phí, tham ô, quan liêu, làm hỏng hết việc này đến việc nọ thì tiềm lực quốc gia không tăng lên được”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng Chiều 16.5, tại Trụ sở T.Ư Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã nghỉ hưu khu vực phía bắc để thông báo tình hình trong nước, quốc tế và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại trong thời gian qua. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng Chính phủ; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng và tương đương. Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ mục đích của hội nghị này nhằm kịp thời cung cấp những thông tin chính thức của T.Ư đối với các nguyên cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước về tình hình đất nước và những chủ trương, quan điểm, những công việc T.Ư, Bộ Chính trị đang chỉ đạo thực hiện. Tổng bí thư đã trao đổi, làm rõ thêm một số nội dung Hội nghị T.Ư 9 vừa qua đã xem xét, quyết định về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. Tổng bí thư khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để phát triển đất nước nhanh và bền vững. TTXVN
|
Dồn sức lo việc nước Về một số đối tượng quá khích, lôi kéo công nhân gây rối ở các KCX – KCN, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định đó là hành vi sai trái rất đáng lên án, không thể chấp nhận được, đã làm phương hại đến lợi ích của doanh nghiệp, của đất nước và của bản thân người lao động. Hành vi kích động gây rối phải bị nghiêm trị. “Cần nhanh chóng khắc phục để tình hình sản xuất trở lại bình thường, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm gắn bó làm ăn lâu dài tại VN”, Chủ tịch nước lưu ý, và nói thêm: “Càng khó thì chúng ta càng phải tăng cường đoàn kết, lắng nghe lẫn nhau, trên dưới một lòng, dồn sức vào để lo việc nước”.
|
Đình Phú