11/01/2025

Chính quyền xin lỗi nhà đầu tư

Chiều 16.5, đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Dương đã đến Khu công nghiệp (KCN) VSIP1, Việt Hương… thăm hỏi, động viên các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

 

Chính quyền xin lỗi nhà đầu tư

Chiều 16.5, đoàn công tác của UBND tỉnh Bình Dương đã đến Khu công nghiệp (KCN) VSIP1, Việt Hương… thăm hỏi, động viên các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo báo cáo của Ban quản lý KCN VSIP1, toàn KCN có 326 DN hoạt động với 115.000 công nhân. Khi vụ việc xảy ra (ngày 13.5) toàn bộ các DN đã tạm ngưng hoạt động trong 2 ngày. Đến sáng 15.5, trên 50% DN đã trở lại làm việc. Tính đến ngày 16.5, KCN VSIP1 đã có 208/326 DN hoạt động trở lại (64%).

 

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương gặp gỡ và xin lỗi các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc ngày 16.5 – Ảnh: Đỗ Trường

 

Ông Trần Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, thay mặt UBND tỉnh xin lỗi các DN về sự cố vừa qua. Ông Liêm cam kết tỉnh Bình Dương sẽ có biện pháp quyết liệt trấn áp các phần tử xấu, không để xảy ra tình trạng như vừa qua, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các nhà đầu tư (NĐT). Tỉnh sẽ tập trung xử lý nghiêm đối với các đối tượng đã bị bắt giữ.

 

 
 

Trong cam kết đầu tư quốc tế, VN phải bảo vệ nhà đầu tư. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là phải xem xét bồi thường cho nhà đầu tư bị thiệt hại, miễn giảm thuế, gặp gỡ trực tiếp các nhà đầu tư nước ngoài… để nhanh chóng đưa sản xuất, hoạt động của doanh nghiệp trở lại bình thường

 

TS Võ Trí ThànhPhó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư

 

 

Cử cán bộ đến giúp đỡ doanh nghiệp

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết công điện của Thủ tướng đến Bộ vào buổi trưa, nhưng trước đó đã nghe thông tin từ báo chí nên lãnh đạo Bộ chuẩn bị nghiên cứu để có thể đưa ra nhiều phương án, giải pháp hỗ trợ các DN chịu thiệt hại ở Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh, trong đó có tính tới ưu đãi chính sách thuế, hải quan…

Ở các địa phương có DN bị đập phá máy tính, không thể khai báo hải quan điện tử, các Cục Hải quan đã hướng dẫn DN đến trụ sở hoặc Chi cục Hải quan để khai báo bằng hệ thống máy tính của cơ quan hải quan hoặc thực hiện khai báo bằng hình thức thủ công, nhằm đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt. Thậm chí, phía hải quan trực tiếp cử cán bộ công chức tới DN để hỗ trợ mở tờ khai hải quan, khai báo hàng hóa xuất nhập khẩu.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng thái độ, ứng xử như vừa qua của Chính phủ để bảo vệ NĐT rất kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay các DN cần là sự hỗ trợ cụ thể hơn và phản ứng nhanh hơn về chính sách. “Sự cố đáng tiếc trên do kẻ xấu phá hoại, chỉ diễn ra ở một số DN FDI trên một số địa bàn. Dù không ảnh hưởng nặng nề ngay tới môi trường đầu tư nhưng nó sẽ làm cho hơn 16.000 DN nước ngoài lo sợ, suy giảm niềm tin”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói, đồng thời kiến nghị: “Bây giờ chúng ta bằng mọi cách phải bảo vệ được các NĐT. Nhưng quan trọng hơn là phải ngồi lại, bàn để đền bù thiệt hại”.

 

 
 

TP.HCM: Cam kết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhà đầu tư

 

 Sáng qua lãnh đạo UBND cùng đại diện Công an TP.HCM đã đến thăm hỏi, động viên các DN FDI đang hoạt động ở KCN Bình Chiểu, KCX Linh Trung 2 (Q.Thủ Đức). Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà khẳng định: “Chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối không chỉ cho người lao động, NĐT, chuyên gia người Trung Quốc, Đài Loan mà còn cho tất cả những DN châu Âu đang đầu tư”. Hiện tại, dù chưa có những thống kê thiệt hại cụ thể, nhưng theo ông Hà thì thiệt hại ở TP.HCM là không đáng kể. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu BQL các KCN-KCX tích cực phối hợp cùng lực lượng chính quyền địa phương xây dựng những phương án bảo vệ tại chỗ để kịp thời ngăn chặn những sự cố bất ngờ và không để xảy ra những hoạt động phá hoại.

 

 

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông khẳng định, với hơn 16.000 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký khoảng 237 tỉ USD tính đến cuối tháng 4.2014, vai trò của các DN FDI hết sức quan trọng. Chính vì vậy, ngoài các biện pháp để hỗ trợ những DN bị thiệt hại, hiện nay Chính phủ và Bộ đang dồn lực tập trung nhiệm vụ trọng tâm vào tháo gỡ cơ chế, chính sách để hỗ trợ.

Xem xét bồi thường

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng: “Trong cam kết đầu tư quốc tế, VN phải bảo vệ NĐT. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là phải xem xét việc bồi thường cho NĐT bị thiệt hại, miễn giảm thuế, gặp gỡ trực tiếp các NĐT nước ngoài… để nhanh chóng đưa sản xuất, hoạt động của DN trở lại bình thường. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là cam kết với NĐT những chuyện như thế này không tái diễn nữa và VN vẫn mong muốn thu hút FDI. Dĩ nhiên, tiền đền bù cho nhà đầu tư là từ ngân sách”.

Theo TS Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, luật Đầu tư đã cam kết bảo vệ NĐT nước ngoài, họ không mắc sai phạm gì nhưng bị thiệt hại thì VN phải có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên theo ông, giải quyết thiệt hại của NĐT nước ngoài để họ an tâm, phải bao gồm một loạt biện pháp: cam kết xử lý nghiêm những người vi phạm, để NĐT thấy pháp luật được tuân thủ một cách nghiêm ngặt; có hành động cụ thể của các địa phương sau khi cam kết; đảm bảo những hành động tương tự như vậy không xảy ra trong thời gian tới. Việc bồi thường cho NĐT nên được thương lượng cụ thể trong quá trình gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo địa phương và NĐT.

 TS Phạm Văn Chắt, chuyên gia kinh tế, cho rằng: Trước hết, cần phải giám định thiệt hại của DN để phân loại thiệt hại và có chính sách hỗ trợ phù hợp, chính xác và thỏa đáng. “Phải xác định thiệt hại dựa trên các căn cứ, mức độ thiệt hại ra sao và nguyên nhân thiệt hại do đâu. Qua điều tra, nếu chúng ta xác định được thiệt hại do các cá nhân kích động đập phá thì có thể buộc những người này phải đền bù; những trường hợp nào không xác định được thì địa phương phải bồi thường”, ông Chắt phân tích.

 

Đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư

 

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc phân tích: “Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có thông điệp rất rõ ràng về việc kiên quyết xử nghiêm các đối tượng gây rối, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra và bảo đảm an toàn tối đa cho NĐT nước ngoài tại VN. Tôi nghĩ rằng, sau khi thể hiện rõ chủ trương, quan điểm, chúng ta nên có chính sách hỗ trợ cho các NĐT bị thiệt hại bởi các cuộc gây rối vừa qua, bằng nhiều biện pháp trong khả năng có thể, từ hỗ trợ tài chính, biện pháp thuế, cho đến sự chăm sóc sức khỏe những người bị thương. Chính sách này của chúng ta sẽ thể hiện rõ cho thế giới thấy Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích, kêu gọi các NĐT vào VN và sẵn sàng có các giải pháp, biện pháp với trách nhiệm cao nhất bảo vệ tối đa quyền, lợi ích chính đáng của các NĐT.

Trước mắt, để chính sách hỗ trợ này có thể triển khai đúng người, đúng đối tượng, từng địa phương phải có báo cáo xác định thiệt hại ở các DN vừa qua bị ảnh hưởng và đề nghị Bộ KH-ĐT đề xuất Chính phủ chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các NĐT”.

 

 

Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế – Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc xin lỗi

 

Ngày 16.5, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế – văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc Bùi Trọng Vân đưa ra lời xin lỗi trên bình diện cá nhân về vụ một số nhà máy, công xưởng của Đài Loan bị đập phá vừa qua. AFP dẫn lời ông Vân phát biểu tại cuộc họp báo ở Đài Bắc thừa nhận một số người đã bị các đối tượng xấu kích động, lợi dụng nhằm phá hoại nhà máy của doanh nhân Đài Loan nhưng ông nhấn mạnh tình hình đã được kiểm soát. Ông Vân khẳng định việc bắt giữ hơn 1.000 người kích động, gây rối chứng minh Việt Nam quyết tâm xử lý vụ việc, bảo đảm môi trường kinh doanh, làm việc an toàn cho nhà đầu tư. Ông cũng nhấn mạnh chính quyền địa phương đã cam kết sẽ tìm kiếm biện pháp hợp lý để hỗ trợ giải quyết những mất mát của các doanh nghiệp Đài Loan, đồng thời kêu gọi báo chí Đài Loan không thổi phồng thông tin vì có thể gây thêm hoảng sợ không đáng và ảnh hưởng cho quan hệ hai bên.

Cùng ngày, hãng thông tấn CNA dẫn lời một quan chức Đài Loan cho hay Cơ quan Kinh tế Đài Loan sẽ cử phái đoàn đến Việt Nam để thương lượng việc đền bù cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Minh Trung

 

Nhiều doanh nghiệp đã ổn định sản xuất

Hôm qua, phần lớn các công ty tại Khu công nghiệp (KCN) Bình Chiểu và Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 2 (TP.HCM) đã ổn định sản xuất, công nhân đi làm trở lại. Tại Bình Dương, tính đến sáng qua, riêng KCN VSIP đã có 208/326 công ty hoạt động trở lại. Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp (DN) Đài Loan và Trung Quốc mong muốn chính quyền địa phương tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự; có các chính sách hỗ trợ để DN sửa chữa lại nhà xưởng đi vào hoạt động và hỗ trợ về thuế cho DN. Tại Đồng Nai, trừ những công ty bị ảnh hưởng đang tích cực ổn định tình hình thì các DN Hàn Quốc, Nhật Bản… công nhân vẫn đang làm việc bình thường.

 
Công nhân ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại TP.HCM đã trở lại làm việc – Ảnh: Đức Tiến

Riêng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết toàn bộ các DN trong KCN đều hoạt động bình thường, công nhân đã trở lại làm việc.

Thanh Niên

 

Đồng Nai: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại

 

Ông Võ Thanh Lập, Trưởng BQL các KCN Đồng Nai, cho biết UBND tỉnh đã giao BQL thống kê thiệt hại do các đối tượng quá khích gây ra tại Đồng Nai, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ các DN sớm ổn định sản xuất. Theo ông Lập, tuy không có thương vong nặng về người nhưng thiệt hại về tài sản là khá lớn. Theo báo cáo của BQL, Đồng Nai có 10 DN bị đốt cháy (9 DN ở các KCN Nhơn Trạch, 1 DN ở KCN Tam Phước). 162 DN bị đập phá cổng bảo vệ, nhà xưởng, văn phòng, trang thiết bị, trong đó có 72 DN tại KCN Nhơn Trạch; 33 DN tại KCN Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo; 10 DN tại các KCN H.Long Thành và 47 DN tại các KCN TP.Biên Hòa. Có khoảng 40 DN bị lấy cắp tài sản.

Trong ngày hôm qua, có 7 đoàn công tác của tỉnh Đồng Nai đã đi xuống từng DN thăm hỏi, động viên và trấn an NĐT sớm ổn định và yên tâm sản xuất. Đối với các DN chịu nhiều thiệt hại, BQL các KCN đã có báo cáo đề xuất UBND tỉnh triển khai biện pháp hỗ trợ. Theo đó, đề nghị UBND gửi văn bản tới các công ty bảo hiểm nhanh chóng hoàn tất thủ tục để tiến hành bồi thường cho các DN; các ngân hàng tạo điều kiện cho DN vay vốn hoạt động sản xuất kinh doanh; xem xét hỗ trợ một phần chi phí thiệt hại cho các DN bằng cách giãn hoặc giảm một phần tiền thuê đất. Đề nghị T.Ư xem xét giảm các khoản thuế trong một thời gian nhất định cho các DN; cam kết tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan… để các DN nhanh chóng khôi phục sản xuất. 

 

Thanh Niên