12/01/2025

Đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội

Phần lớn trường ĐH, CĐ hiện chỉ đào tạo những gì mình có mà không chú ý cái xã hội cần, chất lượng đào tạo không đảm bảo khiến tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp ngày càng cao.

 

Đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội

Phần lớn trường ĐH, CĐ hiện chỉ đào tạo những gì mình có mà không chú ý cái xã hội cần, chất lượng đào tạo không đảm bảo khiến tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp ngày càng cao.

 

Đại học... học đại - Kỳ 2: Đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội
Người lao động đăng ký tìm  việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM – Ảnh: Lê Thanh

 

Cần vài chục nhưng đào tạo đến vài trăm !

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “Ngay từ năm 2004, tôi đã cảnh báo ở Quốc hội rằng hiện nay cả nước mỗi năm chỉ cần vài chục ngàn cử nhân để thay thế những người về hưu thì lúc đó đã có khoảng 200.000 cử nhân tốt nghiệp. Sau thời gian này không những việc mở trường ĐH không bị dừng lại mà tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Vì thế mà tỷ lệ cử nhân thất nghiệp sẽ ngày càng nhiều”.

Đồng thời, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng hiện nay phổ biến việc đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng. Giáo sư Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, nhận định: “Hiện nay chúng ta thừa cử nhân, kỹ sư do chất lượng không đáp ứng. Số lượng, quy mô và cơ cấu ngành nghề không phù hợp”.

Giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, cho biết: “Việc đào tạo ĐH hiện nay rất lãng phí kiến thức và thời gian. Ví dụ đối với ngành kế toán, đa phần các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ cần tuyển bậc trung cấp nhưng các trường cứ đào tạo ĐH. Chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT thừa nhiều kiến thức hàn lâm và không thích hợp với nhu cầu đào tạo. Nhiều môn học chỉ cần cho các ĐH nghiên cứu nhưng vẫn phải thực hiện ở tất cả các trường. Vì vậy, việc đào tạo đã không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế”.

Chất lượng thấp

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp là do chất lượng đào tạo thấp. Ông Lợi nói: “Chất lượng thấp ngay từ đầu vào ĐH do mức điểm để được vào ĐH hiện nay quá thấp. Chất lượng người học kém thì làm sao có được nguồn nhân lực chất lượng cao? Trong khi đó nhà trường chỉ đào tạo những cái mình có, chưa đào tạo cái xã hội cần”.

PGS-TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD-ĐT, thừa nhận đánh giá của các tổ chức lao động quốc tế và người sử dụng lao động trong nước cho thấy chất lượng nhân lực của nước ta còn thấp, nhiều  sinh viên tốt nghiệp khi được tuyển dụng phải qua đào tạo lại từ 3 – 6 tháng mới thực hiện được công việc của doanh nghiệp. “Chất lượng đào tạo ở một số trường thấp, nhất là các trường mới thành lập hoặc mới được nâng cấp lên ĐH do chưa đủ nguồn lực, đội ngũ cán bộ  giảng dạy thiếu và yếu nên chưa đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp”, ông Sơn nhận định.

Đánh giá về chương trình đào tạo của các trường ĐH hiện nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận xét: “Chương trình đào tạo của các cơ sở  giáo dục ĐH mới thành lập vẫn còn nặng về lý thuyết và chưa chú trọng thích đáng tới phát triển kỹ năng, năng lực của người học. Nội dung chương trình chưa được cập nhật thường xuyên, nhất là về các thông tin khoa học hiện đại trên thế giới. Việc biên soạn, lựa chọn giáo trình giảng dạy phù hợp với chương trình đào tạo ở nhiều chuyên ngành của nhiều cơ sở  giáo dục ĐH mới thành lập còn hạn chế do thiếu đội ngũ chuyên gia, nhà giáo có kinh nghiệm…”

Sinh viên thiếu kiến thức cần thiết

Nói về thực trạng học không gắn với thực tiễn, sinh viên Lê Thị Yến Ly, Trường ĐH Luật Hà Nội, bức xúc: “Sinh viên ngành luật hiện nay hiếm khi được tham gia các chương trình giao lưu thường xuyên với các công ty luật, các hãng luật, các hệ thống tòa án, các cơ quan của nhà nước… Vì vậy, sinh viên luật ra trường luôn thiếu kỹ năng xử lý tình huống nếu không muốn nói là thiếu tư duy hành nghề luật”.

Công nghệ thông tin là ngành đang khát nguồn nhân lực nhưng tỷ lệ sinh viên ngành này lại thất nghiệp khá nhiều. Lý giải tình trạng này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thi trường lao động TP.HCM, cho biết: “Khoảng cách giữa đào tạo tại các trường ĐH, CĐ so với thực tế nhu cầu sử dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin tại doanh nghiệp là quá xa”. Ông Tuấn dẫn chứng rằng theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp phần mềm hiện nay còn rất thiếu kinh nghiệm và yếu về kiến thức chuyên môn. Số sinh viên ra trường làm việc được ngay chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại phải đào tạo bổ sung. Thống kê của Viện Chiến lược công nghệ thông tin cho thấy 72% sinh viên ngành này không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực hành nghề. Chỉ khoảng 15% sinh viên  mới tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Hơn 80% lập trình viên phải đào tạo lại…

Vũ Thơ