15/11/2024

Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng khóa XI: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Chiều 14.5, Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 7 ngày làm việc. T.Ư đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

 

Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng khóa XI: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Chiều 14.5, Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng khóa XI đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 7 ngày làm việc. T.Ư đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều vấn đề quan trọng.

Hội nghị lần thứ 9 BCH T.Ư Đảng khóa XI: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị – Ảnh: TTXVN

Hội nghị đã xem xét kết quả tổng kết và nhất trí ban hành Nghị quyết mới về xây dựng và phát triển văn hóa (VH), con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; thống nhất về tư tưởng chỉ đạo, định hướng hoàn thiện đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

BCH T.Ư đã thảo luận dân chủ, xem xét thận trọng và thống nhất kết luận, cho ý kiến chỉ đạo về: Việc chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng; quy chế bầu cử trong Đảng; đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy định 165 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm; tổng kết thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết T.Ư 5 khóa X và Nghị quyết 26 của Quốc hội khóa XII; Đề án tổ chức Đảng bộ Ngoài nước.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại những kết quả chủ yếu của hội nghị và nhấn mạnh thêm một số vấn đề để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Văn hóa – nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước

 

 
 

Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, tình hình biển Đông hiện đang diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt, tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

 

 

Hội nghị đã thống nhất nhận định: Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII về VH, tư duy lý luận về VH đã có bước phát triển; thể chế về VH từng bước được xây dựng, hoàn thiện; đời sống VH ngày càng phong phú. Tuy nhiên, thành tựu trong lĩnh vực VH chưa thực sự tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả đối với việc xây dựng con người và môi trường VH lành mạnh.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng bí thư chỉ rõ, phải tiếp tục kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển VH được nêu trong Nghị quyết T.Ư 5 khóa VIII; đồng thời nhấn mạnh tư tưởng: VH là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước; VH phải được đặt ngang hàng với kinh tế, CT-XH; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển VH, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong xây dựng VH phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường VH (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi.

Nền VH mà chúng ta xây dựng là nền VH tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Nền VH Việt Nam tiên tiến là một nền VH yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh hoa VH nhân loại nhằm mục tiêu tất cả vì con người, tất cả vì tự do, hạnh phúc và sự phát triển phong phú, toàn diện cho mỗi con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người và tự nhiên. Bản sắc dân tộc của VH Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; lòng tự tôn, tự cường dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết hài hòa giữa cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái bao dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; là đức hy sinh cao thượng tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; là sự ứng xử văn minh, lịch sự, tính giản dị và trong sạch trong lối sống.

Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền VH Việt Nam. Vì vậy, quá trình xây dựng và phát triển nền VH Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đây là khâu trọng tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực VH và chế độ XHCN. Hướng các hoạt động VH vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật, làm cho VH trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội…

Tổng bí thư nhấn mạnh: Tiếp tục xây dựng môi trường VH lành mạnh, phát huy các giá trị gia đình, cộng đồng, dân tộc Việt Nam; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về VH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về VH và có chế tài đủ mạnh để tổ chức thực hiện nghị quyết, ngăn ngừa những vi phạm trong hoạt động VH. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực VH. Tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại, những hành vi phi VH, phản VH, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, bản sắc VH dân tộc và tính thống nhất trong đa dạng của VH Việt Nam. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Phát huy các giá trị, nhân tố tích cực trong đạo đức, VH tôn giáo; khuyến khích các hoạt động tôn giáo hướng thiện, nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, “tốt đời, đẹp đạo”… Tiếp thu tinh hoa VH và kinh nghiệm phát triển, quản lý VH của các nước trên thế giới.

Xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

T.Ư đồng tình về cơ bản với dự thảo Đề cương Báo cáo Chính trị và Đề cương Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016 – 2020; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của Đại hội XII trong việc tiếp tục thực hiện Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011), Hiến pháp năm 2013 và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011 – 2020, từ đó định hướng hoàn chỉnh đề cương và xây dựng dự thảo các văn kiện Đại hội để trình Hội nghị T.Ư 10 xem xét, quyết định vào cuối năm nay.

Tổng bí thư nhấn mạnh một số vấn đề lớn cần chú trọng làm rõ trong quá trình chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.

Trên lĩnh vực kinh tế: Tình hình thực hiện chủ trương phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường do Đại hội XI đề ra; việc điều chỉnh mục tiêu và chỉ đạo điều hành chuyển sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội; việc thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược…; việc xác định các nguồn lực và động lực mới cho sự phát triển đất nước.

Trên lĩnh vực xã hội: Cùng với các vấn đề về lao động, việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội… cần phân tích, đánh giá về thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội, sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ở nước ta hiện nay; việc nhận thức và giải quyết các quan hệ xã hội, quan hệ lợi ích, kiểm soát rủi ro, tệ nạn, tiêu cực…; việc nhận thức và thực hiện các chính sách xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội…

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại: Cần có sự quan tâm đặc biệt đối với việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại… để giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Cần có chính sách, biện pháp phù hợp, bảo đảm thực hiện thành công Chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã được Hội nghị T.Ư 8 khóa XI ban hành.

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng và đề ra các giải pháp cụ thể để tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và phương thức lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng chống sự suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; vấn đề thực hiện dân chủ và kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; vấn đề chất lượng lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng; xây dựng, thực hiện chiến lược cán bộ và công tác cán bộ; nội dung, mô hình, phương thức cầm quyền của Đảng; phương thức lãnh đạo và lề lối công tác của Đảng; vấn đề thực hiện dân chủ gắn với kỷ cương trong hoạt động của nhà nước… xây dựng nền dân chủ XHCN, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, nhất là trong giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước, xây dựng sự đồng thuận xã hội…

Tiếp tục triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm

Về việc chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, T.Ư nhấn mạnh, đây là công việc trọng tâm, cần sớm được triển khai thực hiện.

Về đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy định 165 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm, BCH T.Ư khẳng định chủ trương lấy phiếu tín nhiệm là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết. Việc lấy phiếu tín nhiệm là một kênh thông tin đánh giá cán bộ, có tác dụng kịp thời cảnh báo, nhắc nhở để cán bộ tự soi mình, phát huy ưu điểm, tự sửa chữa khuyết điểm, góp phần ngăn ngừa sự thoái hóa, biến chất, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời cũng là biện pháp tốt để quản lý và bảo vệ cán bộ. T.Ư nhất trí điều chỉnh một số điểm trong Quy định 165 để tiếp tục triển khai thực hiện.

Theo TTXVN