11/01/2025

Họ đặt “cục gạch” vào vùng biển Việt Nam

Gắn bó với ngành dầu khí từ năm 1975 đến nay, TS Ngô Thường San, chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, biết rất rõ quá trình leo thang gây hấn, cướp đoạt của Trung Quốc đối với chủ quyền biển Việt Nam.

 

Họ đặt “cục gạch” vào vùng biển Việt Nam

Gắn bó với ngành dầu khí từ năm 1975 đến nay, TS Ngô Thường San, chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, biết rất rõ quá trình leo thang gây hấn, cướp đoạt của Trung Quốc đối với chủ quyền biển Việt Nam.

Ông nói:

 

Ông Ngô Thường San – chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam – Ảnh: Hữu Khoa

 

– Theo diễn biến tình hình mà tôi nắm được, Trung Quốc đang diễn trò đặt “cục gạch” cướp đoạt chủ quyền của quốc gia khác. Đây là trò chính trị chứ không phải kỹ thuật dầu khí gì. Nếu họ đặt được “cục gạch” ở vùng biển này, chắc chắn họ sẽ tiếp tục đặt các “cục gạch” xuống phía nam và ngày càng vào gần bờ của chúng ta hơn. Họ trắng trợn đem cả thiết bị có thể cướp đoạt tài nguyên lẫn quân sự tới tận thềm nhà người ta (xin nói rõ là đến tận thềm nhà, chứ không phải sân vườn nữa). Xét trên tất cả phương diện, đây là sự đổi trắng thay đen, hoàn toàn không đúng cả về mặt pháp lý, đạo lý lẫn học thuật. Tự họ phá bỏ tất cả lời hứa hẹn, cam kết của họ.

* Ông có thể nói rõ hơn, có phải Trung Quốc muốn chiếm đoạt chủ quyền lẫn tài nguyên không?

– Phải khẳng định từ lâu ngành dầu khí Việt Nam đã cử các tàu Poisk và Bình Minh khảo sát địa chất lòng biển này, đồng thời đang mời thầu thăm dò, khai thác dầu khí. Trung Quốc chỉ là kẻ nhảy ngang vào ăn cướp. Tuy nhiên theo tôi biết, đây là vùng biển có điều kiện tự nhiên rất phức tạp. Nó chịu nhiều trận bão nhiệt đới lớn, đáy biển sâu trung bình 1.500-2.500m, tồn tại hai tầng hải lưu mạnh khác nhau, tạo nên lực cắt ngang rất mạnh. Hiện chỉ một ít quốc gia như Mỹ có thể khai thác dầu khí được ở vùng biển sâu phức tạp thế này. Trung Quốc hoàn toàn chưa có khả năng đó. Họ không thể khai thác dầu khí được ở vùng biển sâu và quá xa bờ của mình như thế. Giàn HD 981 của họ ngoài cái lớn xác, chẳng có gì là ghê gớm. Việt Nam từ lâu đã sử dụng thiết bị công nghệ này thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam.

* Về mặt kỹ thuật, giàn HD 981 có thể định vị ở đây thế nào?

– Khi bão nhiệt đới đánh vào, chắc chắn giàn khoan này phải tránh đi. Nó không thể chịu được bão lớn. Thiết bị này định vị động học bằng các “chân vịt” chứ không phải bằng neo. Tọa độ định vị được xác định bằng vệ tinh, dao động trong vài mét. Nó chỉ có thể hoạt động tốt khi biển yên ả. Việt Nam cũng đang thiết kế để đóng một giàn thế này nhưng hiện đại hơn với công nghệ Na Uy. Xin nhắc lại sự có mặt của HD 981 ở vùng biển này chỉ là công cụ chính trị, chứ không phải là kỹ thuật dầu khí gì cả.

* Trung Quốc phải trả giá thế nào cho hành động phi pháp này?

– Họ đang trả nhiều cái giá rất nặng nề. Về mặt kỹ thuật và tài chính, họ đang phải chi mỗi ngày hàng triệu USD, thậm chí là hai con số, để vận hành thiết bị khổng lồ cùng đội ngũ hậu cần, lực lượng bán vũ trang và quân sự đông đảo bảo vệ. Nhưng tôi nghĩ cái giá nặng nề hơn rất nhiều mà Trung Quốc phải gánh chịu là tự phá hỏng vị thế, hình ảnh cường quốc của mình. Thử hỏi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc mà lại đi tuyến đầu chiếm đoạt thô bạo chủ quyền nước khác như thế thì ai còn dám tin? Ai còn dám làm việc với đối tác có câu cửa miệng hoa mỹ “hợp tác đôi bên cùng có lợi” mà sự thật là ăn cướp? Những nước đang và sẽ hợp tác với tập đoàn dầu khí này, kể cả các ngành nghề khác, có còn niềm tin vào sự trung thực của phía Trung Quốc nữa hay không? Chủ quyền quốc gia người ta rõ ràng thế, mà họ vẫn còn lu loa đổi trắng thay đen, chiếm đoạt thì họ sẽ còn làm gì nữa với các quốc gia đối tác khác?

Xét trên cả chính trị lẫn kỹ thuật, kinh tế, Trung Quốc đang phơi bày bộ mặt thật của mình. Binh pháp nói đây là kế quá hạ sách, lợi bất cập hại! Tôi tin rằng người dân Trung Quốc cũng sẽ hiểu rõ mặt trái này.

*  Trước sự kiện nghiêm trọng này, ngành dầu khí Việt Nam từng chứng kiến những sự gây hấn, xâm phạm chủ quyền nào khác từ phía Trung Quốc?

– Ngay từ những năm 1980, khi Việt Nam mới bắt đầu khai thác dầu khí đã gặp phải sự cản phá, gây hấn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tiềm lực họ lúc ấy còn rất yếu, kể cả tàu bè dân sự, hải quân. Họ chưa làm gì mạnh tay được. Vấn đề này chỉ rõ rệt và leo thang từ những năm 1990 trở lại đây. Khoảng năm 1993-1994, họ ngang nhiên mời thầu một lô ngay trên vùng biển miền Trung Việt Nam. Có một công ty nước ngoài đã nhận thầu, nhưng phải ra đi sau khi được ta giải thích và phản ứng. Gần đây, tình hình càng căng thẳng hơn khi Trung Quốc cho tàu vào khảo sát địa chấn bằng thuốc nổ ngay trong vùng biển Việt Nam, rồi cắt cáp tàu Bình Minh, Viking, cản phá, đuổi bắt, nổ súng vào tàu bè, cướp bóc ngư dân…

* Ngành dầu khí Việt Nam sẽ đối phó với tình hình nghiêm trọng này thế nào, thưa ông?

– Chúng ta hoàn tất khảo sát thềm lục địa của mình và trình lên Liên Hiệp Quốc để chứng minh chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc hội nghị trong nước và quốc tế để ngày càng nhiều bạn bè thế giới biết rõ về sự đúng đắn của Việt Nam. Đây là việc làm rất cần thiết và tất cả đều có cơ sở khoa học, pháp lý rõ ràng, chứ không phải kiểu nói vơ lấy được, đổi trắng thay đen một cách thô bạo.

Chúng ta có thể không sánh với Trung Quốc về tiền bạc và vũ khí, nhưng chúng ta có một sức mạnh không gì có thể khuất phục được đó là tinh thần ái quốc. Tôi đã rơi nước mắt khi nhìn lớp lớp đồng bào xuống đường, giương cao ngọn cờ Tổ quốc. Lịch sử Việt Nam chứng minh rất rõ khi toàn dân kết thành một mối thì sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng khủng khiếp, bất cứ kẻ thù nào cũng phải thất bại.

 

QUỐC VIỆT thực hiện