10/01/2025

Trung Quốc leo thang trên biển Đông

Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp có nhiều hành động khiến tình hình biển Đông không thể yên ổn. Kể từ khi thay đổi dàn lãnh đạo cấp cao vào tháng 3.2013, Trung Quốc không ít lần đưa ra các tuyên bố cứng rắn, hàm ý doạ dẫm về chủ quyền.

 

Trung Quốc leo thang trên biển Đông

Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tiếp có nhiều hành động khiến tình hình biển Đông không thể yên ổn.

 Trung Quốc leo thang trên biển Đông
Tàu Trung Quốc (lớn) giằng co với tàu Philippines gần bãi Cỏ Mây tháng 4.2014- Ảnh: Hoàn Cầu thời báo

Kể từ khi thay đổi dàn lãnh đạo cấp cao vào tháng 3.2013, Trung Quốc không ít lần đưa ra các tuyên bố cứng rắn, hàm ý doạ dẫm về chủ quyền. Chẳng hạn, ngày 31.7.2013, Chủ tịch Tập Cận Bình nói nước này muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển thông qua đàm phán nhưng sẽ không thoả hiệp về chủ quyền, theo Tân Hoa xã. Đến tháng 3.2014, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhấn mạnh trước báo giới: “Chúng tôi không lấy bất kỳ thứ gì không thuộc về mình… Chúng tôi sẽ không bao giờ bắt nạt các nước nhỏ, nhưng sẽ không chấp nhận những lời vu khống vô lý”. Tuy nhiên, trên thực tế, Trung Quốc liên tục có những động thái trái ngược với “mong muốn giải quyết tranh chấp một cách hoà bình” hay “không bắt nạt nước nhỏ”. 

“Cố tạo sự đã rồi”

Bằng chứng mới nhất cho thấy Bắc Kinh “nói một đằng làm một nẻo” là đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng biển của VN, đồng thời triển khai số lượng lớn tàu công vụ, tàu chiến và máy bay quân sự đến thị uy, đe doạ. Nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản, Singapore và Ấn Độ đã chỉ trích quyết liệt hoặc bày tỏ quan ngại sâu sắc. Hành động đặt giàn khoan phi pháp của Trung Quốc còn cho thấy một bước mới trong tiến trình leo thang rõ ràng ở biển Đông nhằm phục vụ một số toan tính hướng tới mục đích cao nhất là biến yêu sách đường lưỡi bò phi lý thành sự thật.

Đầu tháng 1.2014, VN và Philippines mạnh mẽ phản đối quy định vô lý của chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc là các tàu cá nước ngoài phải xin phép họ nếu muốn hoạt động trong vùng biển chiếm gần 2/3 diện tích biển Đông. Ngay cả Mỹ và Nhật cũng không thể im lặng trước hành động ngang ngược này. Khi đó, Giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Đại học New South Wales (Úc) nhận định với Thanh Niên rằng quyết định của chính quyền tỉnh Hải Nam là một ví dụ nữa về việc Trung Quốc sử dụng các luật lệ riêng của mình để đẩy mạnh các yêu sách về chủ quyền và quyền tài phán phi lý ở biển Đông.

 

 
 

Trước những hành động liên tiếp vừa qua của Trung Quốc, quân đội Philippines đang lo ngại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gia tăng áp lực lên một số khu vực thuộc quần đảo Trường Sa. Cụ thể, Kyodo News loan tin phóng viên của hãng được cung cấp một tài liệu quân sự mật từ Manila nói Trung Quốc đang nhắm đến bãi Cỏ Rong và một số bãi, đá thuộc cụm Bình Nguyên như bãi Chóp Mao, bãi đá Long Điền và bãi Hồ Tràm. Trước đó, báo mạng Tiền Chiêm của Trung Quốc cũng loan tin quân đội nước này đã lên kế hoạch nhằm vào đảo Thị Tứ. Trước những nguy cơ trên, Philippines đã lên kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng vệ trong khu vực.

Minh Trung

 

 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng liên tiếp tăng áp lực lên Philippines. Chẳng hạn, Philippines hồi tháng 2 tố tàu công vụ Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công, đẩy đuổi nhiều tàu cá Philippines khỏi bãi cạn Scarborough. Khoảng một tháng sau, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên tuyên bố tàu công vụ Trung Quốc đã ngăn chặn tàu Philippines tới bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa. Kể từ đó, tàu hai nước liên tục giằng co, chạm mặt tại khu vực này và đến đầu tháng 5, Manila thông báo đã phát hiện có 5 tàu Trung Quốc, trong đó có 1 tàu hộ vệ hải quân và 3 tàu hải cảnh vây quanh bãi Cỏ Mây, theo tờ The Philippine Star.

Trước những diễn biến trên, Asahi Shimbun, tờ báo lớn thứ 2 ở Nhật, nhận định dường như Trung Quốc đang “cố tạo ra sự đã rồi” liên quan đến tuyên bố chủ quyền đối với khu vực nằm trong bản đồ đường lưỡi bò phi lý mà Trung Quốc tự tạo dựng. Asahi Shimbun khẳng định bản đồ này hoàn toàn mơ hồ về bản chất và không rõ ràng theo luật pháp quốc tế, nhưng Bắc Kinh dường như tin rằng họ có quyền tuyệt đối đối với vùng biển bị lưỡi bò “liếm” trúng. 

Cưỡng bách và thị uy quân sự

Song song với gây căng thẳng trên thực địa, quân đội Trung Quốc cũng đã có những hành động mang tính thị uy, cưỡng bách trên biển Đông. Cụ thể, hồi tháng 3.2013, ngay sau khi có ban lãnh đạo mới, một đội tàu hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn, kéo xuống tận nam biển Đông tập trận gần bãi đá James, vốn chỉ cách bờ biển Malaysia 80 km, nhưng cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800 km. Trung Quốc tuyên bố bãi đá ngầm James là lãnh thổ cực nam của nước này và liệt khu vực trên vào phần mút của đường lưỡi bò như Malaysia cũng khẳng định chủ quyền ở đây. “Cần lưu ý, đây không chỉ là đội tàu ất ơ nào đó mà là tàu đổ bộ chở lính thủy đánh bộ và tàu đệm khí được bảo vệ bởi các tàu hộ tống tốt nhất của hải quân Trung Quốc. Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều đó diễn ra ở vùng biển phía nam”, nhà phân tích Gary Li tại Công ty IHS Fairplay (Anh) nhận định với tờ South China Morning Post. Ông Li cho rằng cuộc diễn tập của đội tàu đã gửi “một thông điệp mạnh bạo đáng ngạc nhiên” từ ban lãnh đạo mới của Trung Quốc. Trước khi đến bãi đá James, 2 trong 4 tàu hải quân Trung Quốc cũng đã ngang nhiên tuần tra phi pháp xung quanh các đá thuộc Trường Sa như Xu Bi, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Chữ Thập…

Sau đợt tập trận rầm rộ nói trên khoảng 9 tháng, quân đội Trung Quốc tiếp tục đưa tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của họ cùng đoàn tàu hộ tống xuống tập trận ở biển Đông. Tân Hoa xã khoe rằng tàu Liêu Ninh đã thực hiện hơn 100 cuộc thử nghiệm toàn diện, trong đó có thử nghiệm hệ thống tác chiến. Khi đó, trong lúc hoạt động ở vùng biển quốc tế, tàu tuần dương Mỹ USS Cowpens đã phải đổi hướng để tránh va chạm với một tàu hộ tống tàu Liêu Ninh gần đó.

Nhận định về các hành động của Trung Quốc, mới nhất là vụ giàn khoan, tiến sĩ Subhash Kapila thuộc Viện Nghiên cứu SAAG (Ấn Độ) nhận định nước này đang tái diễn chiến lược cưỡng bách và chính sách bên miệng hố chiến tranh. Theo ông, ngoài mục tiêu tối hậu là từng bước dùng sức mạnh để hiện thực hoá yêu sách chủ quyền trên gần trọn biển Đông, các hành động nói trên có thể còn nhằm phản ứng đối với các diễn biến thời sự thế giới. Thứ nhất là phản ứng chuyến công du châu Á vừa qua của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó ông Obama tái khẳng định chính sách xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ cũng như cam kết bảo vệ các đồng minh đang có tranh chấp với Trung Quốc. Thứ hai, có thể Trung Quốc cho rằng Mỹ đang bận rộn với các diễn biến ở Ukraine và Trung Đông nên xem đây là cơ hội để ra tay trên biển Đông. Thứ ba, tiến sĩ Kapila suy đoán Trung Quốc còn muốn gây áp lực lên ASEAN trước thềm hội nghị thượng đỉnh tại Myanmar mà biển Đông và đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) được cho là một trong những chủ đề trọng tâm. Dù với bất cứ mục đích hay toan tính gì thì theo tiến sĩ Kabila, các hành động của Trung Quốc một lần nữa gây nguy hiểm cho an ninh và ổn định trên biển Đông.

 Văn Khoa