26/11/2024

Không mặn mà với trường thi riêng

Ngày 9.5, các tỉnh thành khu vực phía bắc đã bàn giao hồ sơ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Theo thống kê sơ bộ, năm nay dù có nhiều trường tổ chức thi riêng bằng cách xét tuyển kết quả học tập phổ thông nhưng rất ít thí sinh đăng ký vào những trường này.

 

Không mặn mà với trường thi riêng

Ngày 9.5, các tỉnh thành khu vực phía bắc đã bàn giao hồ sơ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Theo thống kê sơ bộ, năm nay dù có nhiều trường tổ chức thi riêng bằng cách xét tuyển kết quả học tập phổ thông nhưng rất ít thí sinh đăng ký vào những trường này.

 

Không mặn mà với trường thi riêng
Đại diện các sở GD-ĐT phía bắc bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh cho các trường ĐH, CĐ – Ảnh: Ngọc Thắng

 

Chỉ một vài hồ sơ

Điểm mới của kỳ thi năm nay là Bộ GD-ĐT cho phép 62 trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh (hay còn gọi là tuyển sinh riêng). Phần lớn các trường này tổ chức xét tuyển bằng kết quả học tập phổ thông của thí sinh (TS). Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các địa phương, có rất ít TS đăng ký vào các trường này.

Lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT cho biết chỉ nhận được một vài hồ sơ. Thậm chí có những địa phương, toàn tỉnh không có TS nào đăng ký vào những trường đóng tại địa phương tổ chức thi riêng, nhất là những trường ngoài công lập. Sở GD-ĐT Hưng Yên cho biết không nhận được hồ sơ nào của TS đăng ký vào Trường ĐH Chu Văn An. Tương tự, tại tỉnh Hải Dương, rất ít TS đăng ký hồ sơ vào Trường ĐH Thành Đông. Một số trường, dù là trường công lập cũng không có nhiều hồ sơ, như Trường ĐH Nông Lâm (Bắc Giang)…

Kinh tế vẫn là lựa chọn hàng đầu

Theo nhận định ban đầu của các địa phương thì năm nay, số TS đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường có ngành kinh tế, kỹ thuật và y dược chiếm tỷ lệ cao. Đáng lưu ý là nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng mặc dù đã được khuyến cáo là dư thừa nguồn nhân lực nhưng vẫn rất đông TS ĐKDT.

Tại Hà Nội, số hồ sơ vào các trường đào tạo về kinh tế vẫn rất cao như trường ĐH: Kinh tế Quốc dân có 4.900, Học viện Tài chính có 4.700, Học viện Ngân hàng có 4.900 và Thương mại có 3.800… Tại tỉnh Thanh Hóa, số TS đăng ký vào ngành kinh tế cũng rất đông. Học viện Tài chính có 1.599, Kinh tế Quốc dân có 1.078, Thương mại có 1.064… Tại tỉnh Vĩnh Phúc, số TS nộp hồ sơ vào ngành kinh tế còn tăng hơn so với năm 2013 như các trường ĐH: Ngoại thương tăng 16,4%, Học viện Tài chính tăng 173%; Kinh tế Quốc dân tăng 19,3%; Học viện Ngân hàng tăng 11,3%.

Cũng theo thông tin từ các địa phương, năm nay các trường đào tạo kỹ thuật thu hút rất đông TS nhưng chỉ ở nhóm trường có mức điểm chuẩn thấp như các trường ĐH: Công nghiệp Hà Nội, Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp. Tại Nam Định, nhiều nhất là vào Trường ĐH Công nghiệp với 2.835 hồ sơ; Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp với 2.020. Tại Hà Nội, số lượng hồ sô nhiều nhất cũng là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với 8.500; tiếp đến là Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp 8.100. Tại Thanh Hóa, số lượng hồ sơ TS nộp dẫn đầu cũng là Trường ĐH Công nghiệp với 4.321, Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp chiếm vị trí thứ 4 với 2.721 hồ sơ.

Ngoài ra, các ngành y dược cũng có nhiều TS ĐKDT. Các địa phương có trường đào tạo ngành này đều lọt vào nhóm 5 trường có số lượng hồ sơ cao. Trong khi đó, ngành sư phạm và một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội tiếp tục giảm hồ sơ.

 

Giảm ngành công nghệ, giao thông

Cũng như ở phía bắc, TS ở phía nam vẫn tập trung nhiều vào nhóm ngành kinh tế. Theo số liệu tổng hợp của Trường ĐH Tài chính – Marketing, năm nay trường nhận được trên 23.000 hồ sơ (trong khi năm ngoái là 21.503). Trường ĐH Kinh tế TP.HCM gần 4.000. Một cán bộ tuyển sinh trường này cho biết năm nay tăng từ 10 – 20%. Đặc biệt, hồ sơ ĐKDT nộp vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM tăng mạnh. Nếu năm ngoái trường chỉ nhận 1.760 thì nay chỉ riêng 8 tỉnh và tại trường đã lên tới 4.660.

Ngược lại, các trường đào tạo nhóm ngành công nghệ, giao thông giảm hồ sơ. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết năm nay tổng số hồ sơ trường nhận được khoảng 22.000, giảm hơn 7.000 so với năm 2013. Tương tự, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đến thời điểm này, qua số liệu của một số tỉnh chỉ trên 2.000. Riêng tại điểm nhận hồ sơ của trường, trường này nhận được trên 800 hồ sơ, thấp hơn năm ngoái trên 100 bộ.

Hà Ánh

 

 

Hồ sơ giảm mạnh do kinh tế khó khăn ?

Hồ sơ ĐKDT của TS ở hầu hết các địa phương đều giảm nhiều so với năm trước. Tại Hà Nội, năm nay có 152.000 hồ sơ, giảm 13.000 so với năm trước. Số hồ sơ giảm ở các tỉnh như sau: Thanh Hóa hơn 14.000, Hưng Yên gần 4.000, Thái Bình khoảng 8.000, Bắc Giang 6.000, Ninh Bình gần 3.000, Hải Phòng khoảng 6.000, Hà Nam hơn 1.000, Nam Định khoảng 5.000…

Theo thống kê của ĐH Đà Nẵng, số hồ sơ của TS tự do vào trường này là 3.000, giảm 1.000 so với năm 2013. Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, dự kiến năm nay số lượng hồ sơ các sở GD-ĐT gửi về cũng giảm mạnh, khoảng 15 – 20% so với năm trước. Sở GD-ĐT Đà Nẵng nhận được 21.944, giảm hơn 4.000 so với năm trước.

Cũng theo nhận định của các sở GD-ĐT thì năm nay số lượng hồ sơ dự thi CĐ sẽ tiếp tục giảm khoảng 1/3 so với năm trước. Theo đánh giá của các sở GD-ĐT, do kinh tế khó khăn nên TS không nộp nhiều bộ hồ sơ như mọi năm.

V.Thơ – D.Hiền

 

Vũ Thơ