09/01/2025

Kịch bản Triều Tiên có biến

Trung Quốc bắt đầu cân nhắc các kịch bản nhằm ứng phó trường hợp xảy ra biến cố đột ngột tại nước láng giềng CHDCND Triều Tiên.

 

Kịch bản Triều Tiên có biến

Trung Quốc bắt đầu cân nhắc các kịch bản nhằm ứng phó trường hợp xảy ra biến cố đột ngột tại nước láng giềng CHDCND Triều Tiên.

Cuộc tập trận mùa đông vào cuối năm 2013 của Quân khu Thẩm Dương - Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Cuộc tập trận mùa đông vào cuối năm 2013 của Quân khu Thẩm Dương - Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Theo tạp chí Kanwa Defense Review của Canada, chuyên về quân sự khu vực Đông Bắc Á, số tháng 5.2014, ngày càng có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang xem xét các biện pháp ứng phó với trường hợp Bình Nhưỡng sụp đổ. Kể từ tháng 7.2013, có nhiều tài liệu nội bộ của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) viết về việc này. Các tài liệu đề cập đến Triều Tiên bằng cụm từ “một nước Đông Á láng giềng”, giả định rằng trong “những điều kiện hạt nhân” nhất định, nước này sẽ phải hứng chịu một cuộc tấn công của liên quân nước ngoài và Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp khác nhau để ứng phó.

Làn sóng tị nạn

Các tài liệu lưu hành nội bộ của PLA nhấn mạnh các viễn cảnh mà Trung Quốc phải đối mặt bao gồm một số lượng lớn các lãnh đạo chính trị và quân sự cao cấp, các binh sĩ tan hàng của nước láng giềng chạy qua biên giới và thậm chí cả trường hợp các đơn vị quân đội còn nguyên vẹn của Triều Tiên ùa vào lãnh thổ Trung Quốc. Theo Kanwa Defense Review, các tài liệu gọi họ là những “người tị nạn”, “người tị nạn chính trị” và “người tị nạn quân sự”, đồng thời kêu gọi các binh sĩ ở phòng tuyến thứ nhất và phòng tuyến thứ hai của PLA phải sẵn sàng chiến đấu.

Nếu các kịch bản này xảy ra, các binh sĩ ở phòng tuyến thứ nhất phải hành quân ngay đến biên giới và phong tỏa hoàn toàn khu vực, nhằm ngăn chặn số lượng khổng lồ người tị nạn tràn vào Trung Quốc. Các binh sĩ triển khai dọc phòng tuyến thứ hai phải kịp thời tiến lên phía trước và kiểm soát toàn bộ các hẻm núi, các đường cao tốc và cây cầu quan trọng, thiết lập vùng phong tỏa thứ hai dọc biên giới.  

Theo Kanwa Defense Review, ngày càng có nhiều dấu hiệu về sự bất hòa giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng sau vụ nhân vật số 2 ở CHDCND Triều Tiên Jang Song-thaek bị xử tử hồi cuối năm ngoái. Một tờ báo ở Hàn Quốc dẫn lời một người Triều Tiên đào tẩu tiết lộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un gần đây đã gọi biên giới Trung – Triều là “chiến tuyến thứ hai”. Tuy nhiên, theo Kanwa Defense Review, điều này không có gì mới bởi việc gọi biên giới với Trung Quốc là “chiến tuyến” đã có từ thời ông Kim Jong-il, xuất phát từ việc kiểm soát số lượng người chạy qua biên giới ngày càng tăng. Đây cũng là “chiến tuyến” mà Hàn Quốc sử dụng để thực hiện các hoạt động gián điệp chống lại Triều Tiên.

Bảo vệ yếu nhân

Các tài liệu nội bộ của PLA cũng dành ra những phần đặc biệt để đề cập vấn đề bảo vệ các “nhân vật quân sự và chính trị chủ chốt lưu vong” của CHDCND Triều Tiên. Theo đó, khi các binh sĩ thất trận, các đơn vị quân đội nguyên vẹn hoặc các lãnh đạo chính trị, quân sự chủ chốt của nước láng giềng Đông Á băng qua hoặc xin phép băng qua biên giới, họ phải được giải giáp hoàn toàn và đặt dưới sự bảo vệ đặc biệt của phía Trung Quốc. Đối với các nhân vật quân sự và chính trị chủ chốt, cần phải xác định danh tính của họ càng nhanh càng tốt. Kanwa Defense Review trích một đoạn trong tài liệu nhấn mạnh rằng: “Cần phải thực hiện các biện pháp tức thời để chuyển những người đó vào sâu trong nội địa Trung Quốc để bảo vệ họ và ngăn chặn họ bị sát hại bởi các điệp viên đối địch hoặc bởi những vấn đề an ninh khác”.

Các tài liệu nội bộ cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa các lãnh đạo chính trị, quân sự chủ chốt lưu vong với đất nước của họ và sự cần thiết phải kiểm soát các hoạt động này, nhằm ngăn cản họ tham gia vào cuộc đấu tranh trong nước, vốn có thể tạo ra cái cớ để các nước khác châm ngòi xung đột quân sự dọc biên giới của Trung Quốc. Theo Kanwa Defense Review, các khuyến nghị trên trước hết là tín hiệu rõ ràng rằng Trung Quốc không có ý định gây chiến với Mỹ vì những biến động ở Triều Tiên và chủ động tránh dính líu đến những thay đổi tại đây. Thứ hai, Trung Quốc cũng không có ý định cử một lượng lớn binh sĩ băng qua biên giới để tái lập một chế độ thân Bắc Kinh. Thứ ba, Trung Quốc không có ý định thiết lập một chính phủ CHDCND Triều Tiên lưu vong dưới bất kỳ hình thức nào. Các tài liệu cũng đề cập đến các chiến lược và biện pháp quan trọng để thiết lập các trại tị nạn dọc biên giới. Những khuyến nghị của quân đội có ý nghĩa quan trọng bởi ý kiến của PLA rất được tôn trọng trong những vấn đề liên quan đến bán đảo Triều Tiên, xuất phát từ sự tổn thất xương máu nặng nề của họ trong chiến tranh Triều Tiên. 

Tập trận khẩn cấp

Theo Kanwa Defense Review, trong 3 năm qua, Quân khu Thẩm Dương thường tiến hành các cuộc diễn tập lớn trong mùa đông. Nhằm phản ứng với tình trạng khẩn cấp ở Triều Tiên, các tập đoàn quân số 39 và số 16 đều nhiều lần diễn tập phong tỏa biên giới. Theo tờ Đại công báo ở Hồng Kông, việc Tập đoàn quân số 39 thuộc Quân khu Thẩm Dương tiến hành diễn tập khẩn cấp vào cuối tháng 4 là dấu hiệu gợi ý CHDCND Triều Tiên có thể đang chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 4. Tờ báo dẫn nguồn từ Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết Quân khu Thẩm Dương đã triển khai xe tăng, trực thăng chiến đấu và các đơn vị sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở gần biên giới với Triều Tiên vào ngày 21.4.

Tập đoàn quân số 39 từng tham gia chiến tranh Triều Tiên là một trong những đơn vị phản ứng trước nhất của PLA trong trường hợp nổ ra khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Vào tháng 12 năm ngoái, tập đoàn quân này đã tiến hành cuộc diễn tập mùa đông với sự tham gia của 3.000 binh sĩ trên núi Trường Bạch nằm trên biên giới hai nước. Đây là thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong-un xử tử người dượng Jang Song-thaek vì tội phản đảng, phản cách mạng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24.4 khẳng định Bắc Kinh có lợi ích lớn đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh rằng nước này sẽ “không cho phép bất ổn diễn ra ngay trước cửa ngõ”. Hải quân Trung Quốc cũng thông báo sẽ tiến hành tập trận ở vịnh Bột Hải và Hoàng Hải từ ngày 27.4 đến 4.5. Các hoạt động quân sự gần biên giới này giống với những gì xảy ra trước vụ thử hạt nhân thứ 3 vào tháng 2 năm ngoái của CHDCND Triều Tiên.

 

Triều Tiên thay nhân vật số 2

Ngày 2.5, hãng thông tấn KCNA đưa tin lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vừa bổ nhiệm Phó nguyên soái Hwang Pyong-so làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội Triều Tiên, thay ông Choe Ryong-hae, người được cho là nhân vật số 2 của nước này.

Ông Hwang được giao vị trí mới chỉ 5 ngày sau khi được phong hàm phó nguyên soái. Theo Yonhap, ông Hwang, người được cho là thân tín của ông Kim, ngày càng trở nên nổi bật ở Triều Tiên, còn ông Choe ngày càng ít xuất hiện trước công chúng. KCNA không nói rõ lý do ông Choe rời chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Việc thay đổi nhân sự diễn ra 6 ngày sau khi KCNA đưa tin ông Kim chỉ trích một đơn vị quân đội vì không chuẩn bị cho tình trạng sẵn sàng tác chiến và nhấn mạnh chi bộ đảng của đơn vị phải chịu trách nhiệm, một tuyên bố được cho là nhắm vào ông Choe.

Văn Khoa

 

Sơn Duân