09/01/2025

Mê trận kinh doanh dịch vụ đầu số

Theo nhiều chuyên gia mạng, việc quản lý các đầu số dịch vụ hiện có nhiều lỗ hổng, khiến nhà mạng hốt bạc, còn các thuê bao điện thoại di động thì khổ sở vì tin nhắn rác và bị thiệt hại về kinh tế.

Mê trận kinh doanh dịch vụ đầu số

 

Theo nhiều chuyên gia mạng, việc quản lý các đầu số dịch vụ hiện có nhiều lỗ hổng, khiến nhà mạng hốt bạc, còn các thuê bao điện thoại di động thì khổ sở vì tin nhắn rác và bị thiệt hại về kinh tế.

Mê trận kinh doanh dịch vụ đầu số

Ảnh: Ngọc Thắng

Tự đẩy giá cước lên cao

Hiện tại, ngoài đầu số 1900xxxx được Bộ TT-TT quy định dùng cho dịch vụ giá trị gia tăng thì lãnh địa còn lại là thuộc “quyền sinh sát” của các doanh nghiệp (DN) viễn thông như Tập đoàn bưu chính viễn thông VNPT (sở hữu các đầu số 4xxx, 6xxx, 7xxx, 8xxx…), Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel (đầu số 5xxx). Với quy định hiện nay, các đầu số cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí là do các nhà mạng tự quy hoạch và cấp cho các công ty dịch vụ nội dung (CSP) mà không cần báo cáo với Bộ TT-TT. Điều này dẫn đến việc khi xảy ra sự cố, Bộ TT-TT muốn thu hồi các đầu số cũng đành “bó tay”. Theo thống kê, hiện nay có hơn 1.400 đầu số 1900xxxx và gần 800 đầu 4 số (8xxx, 7xxx…) được DN viễn thông cấp cho CSP.

Theo một chuyên gia viễn thông, việc Bộ TT-TT không quản lý kho đầu số dẫn tới không quy định được hành vi thu hồi đầu số khi DN vi phạm pháp luật. Nhà nước không thu được phí sử dụng kho số, DN sẵn sàng vi phạm mà không sợ bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ.

Tại hội nghị giao ban hồi tháng 3 vừa qua, Thanh tra Bộ TT-TT cho biết việc cấp đầu số không theo quy hoạch làm nảy sinh tình trạng cùng một đầu số mà 3 nhà mạng (Viettel, MobiFone, Vinaphone) có thể cấp cho 3 CSP, dẫn tới không thể kết nối kỹ thuật được với tất cả các mạng di động. Cũng theo Thanh tra Bộ TT-TT, giá cước trước đây tối đa chỉ 15.000 đồng/tin nhắn, nhưng gần đây có những đầu số đã tự ý đẩy giá cước lên cao hơn nhiều. Thanh tra Bộ TT-TT nhấn mạnh việc không minh bạch giá cước cũng như thiếu quy hoạch đầu số khiến cơ quan chức năng rất khó xác định chính xác DN phát tán tin nhắn rác, còn người dùng thì bị thiệt hại về kinh tế.

Nhà mạng hốt bạc

Theo số liệu từng được Thanh tra Bộ TT-TT công bố, hiện có gần 400 CSP. Một số CSP sau khi ký hợp đồng với các nhà mạng để được cấp đầu số và cung cấp dịch vụ nội dung, ngoài việc trực tiếp kinh doanh còn ký kết với hàng chục công ty vệ tinh (CP) khác để cùng kinh doanh và ăn chia theo thỏa thuận. Nhiều CP lớn thậm chí còn dựng lên cả loạt CP chỉ để chuyên phân tán tin nhắn rác, khi có vấn đề gì xảy ra, ví dụ như bị phạt hay thu hồi đầu số, sẽ không ảnh hưởng đến tên tuổi của CP mẹ.

Một cán bộ trong lĩnh vực thanh tra viễn thông (đề nghị không nêu tên) cho biết rất nhiều công ty ngay sau khi xin giấy phép đăng ký kinh doanh, xin cấp đầu số, thiết lập hệ thống thiết bị, cơ sở dữ liệu đã lập tức thực hiện phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo nhằm quảng cáo, dẫn dắt người sử dụng nhắn tin vào đầu số của mình gây bức xúc trong dư luận xã hội. Giám đốc một DN CSP cũng thừa nhận, khoảng 3 – 4 năm trở lại đây lĩnh vực kinh doanh đầu số đã không còn là “con gà đẻ trứng vàng” như trước nữa nên nhiều CSP tìm mọi cách để khai thác đầu số. Tính trung bình với mỗi đầu số CSP phải bỏ ra trên dưới 500 – 700 triệu đồng/năm cho tiền thuê trả cho nhà mạng, thuê máy chủ… nên các CSP chịu nhiều áp lực. Ngoài việc tự kinh doanh, các CSP cũng “bán cái” hợp tác với nhiều DN hoặc cá nhân khác để tận dụng tối đa đầu số của mình.

Trong các phương án kinh doanh, có phương án CSP sẽ cho thuê đầu số, cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo kết nối kỹ thuật. Cá nhân hoặc DN muốn thuê đầu số được toàn quyền biên soạn nội dung, kịch bản dịch vụ và tự đầu tư quảng cáo dịch vụ. Về tỷ lệ ăn chia, ví dụ: mỗi tin nhắn đến đầu 4 số khách hàng sẽ mất 15.000 đồng, trong đó CSP và đối tác sẽ được hưởng khoảng 35 – 40%, tùy theo từng nhà mạng. Tỷ lệ ăn chia giữa CSP và các đối tác của CSP cũng dao động tùy doanh thu: từ 1 – 500 triệu thì CSP hưởng 25%, đối tác hưởng 75%; trên 1 tỉ đồng thì CSP chỉ hưởng 10%… Điều đáng nói là trong mọi trường hợp, nhà mạng vẫn là người hưởng lợi nhất. Đơn cử, trường hợp người tiêu dùng có bị mất 15.000 đồng cho một tin nhắn tới một đầu số nào đó thì có ít nhất 8.000 – 10.000 đồng rơi vào túi nhà mạng.

Theo nhiều chuyên gia, lợi ích to lớn của các mạng di động gắn chặt với các CSP sẽ khiến vấn đề khó được giải quyết triệt để. Vì vậy, các đầu số nên đưa về dưới sự quản lý của Bộ TT-TT. Bộ TT-TT cũng chủ trương đưa đầu số về quản lý từ hai năm nay, song vẫn chưa triển khai được vì một số vướng mắc. Hiện tại, Cục Viễn thông đang xây dựng dự thảo mới trong đó quy định Bộ TT-TT sẽ là đơn vị đứng ra cấp đầu số trực tiếp cho các DN nội dung.

 

Hơn 100.000 thuê bao di động bị cài phần mềm gián điệp

Như Thanh Niên đã đưa tin, Công an TP.Hà Nội ngày 29.4 bắt giữ nhóm nghi phạm dùng các ứng dụng trên ĐTDĐ (mobile app) đã bị chỉnh sửa để điều khiển thiết bị gửi tin nhắn đến các đầu số dịch vụ mà chủ thuê bao không biết. Từ cuối năm 2013 cho tới khi bị bắt, nhóm này đã chiếm đoạt khoảng 2,1 tỉ đồng từ hơn 100.000 thuê bao.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng, thủ đoạn chỉnh sửa mobile app để gửi tin nhắn tính phí là rất tinh vi và khó phát hiện. Thông thường, theo quy định, các dịch vụ gửi tin nhắn sẽ bắt buộc người dùng phải có bước xác nhận đồng ý hay không đồng ý gửi tin nhắn, nhưng ứng dụng bị chỉnh sửa sẽ cho phép bỏ qua thao tác này, qua đó gửi đi tin nhắn ngoài chủ đích của người sử dụng ĐTDĐ. Chuyên gia này cho rằng việc quản lý các đầu số nội dung lỏng lẻo như hiện tại (chủ yếu là hậu kiểm, xử lý sau khi đã xảy ra sự vụ) là một trong các nguyên nhân mà các tội phạm có thể lợi dụng.

Cũng theo chuyên gia này, hiện việc can thiệp vào các mobile app mới chỉ có thể thực hiện trên các smartphone sử dụng hệ điều hành Android. Đối với các hệ điều hành phổ biến khác như iOS hoặc Windowsphone sẽ khó thực hiện.

 

 

“Thượng đế” luôn chịu thiệt

Tin nhắn rác được phát tán từ các số thuê bao di động trả trước, đa số có nội dung không lành mạnh như bói toán, lô đề hoặc có dấu hiệu lừa đảo như nhắn tin thông báo trúng thưởng, tặng nhạc chuông, hình ảnh… Khi chủ thuê bao nhắn tin đến các đầu số theo hướng dẫn thì lập tức bị trừ tiền.

Từ năm 2010, Bộ TT-TT đã có văn bản yêu cầu các DN phải niêm yết rõ ràng giá cước dịch vụ, giá cước nhắn tin… Tuy nhiên, phần lớn các DN vẫn dùng chiêu trò “đánh lận con đen” khi đưa thông tin về giá cước, hoặc nếu có đưa thì chữ rất nhỏ, chạy trên màn hình, khó theo dõi. Tương tự, nhiều chương trình, game sau khi khách hàng tải về không sử dụng được nhưng vẫn bị mất tiền.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện việc giám sát thu cước đang được các nhà mạng để mặc các CSP mà không có kiểm tra giám sát. Nếu CSP không thông báo về số lượng tin nhắn thu tiền không đúng của khách hàng thì hai bên vẫn tiến hành đối soát và phân chia doanh thu, trừ khi có khiếu nại của người sử dụng. Tuy nhiên, thông thường rất ít người khiếu nại vì không biết liên hệ với địa chỉ nào, đặc biệt là với người dùng điện thoại di động ở các vùng nông thôn. Trong trường hợp có khiếu nại, các nhà mạng thường đùn đẩy trách nhiệm cho CSP hoặc ngược lại. Vì thế, hầu hết nạn nhân đành ngán ngẩm bỏ qua do số tiền mất không lớn nhưng thủ tục phức tạp, rườm rà, tốn thời gian. Điều này vô tình tạo điều kiện cho các DN thông tin di động, CSP và các CP thu lợi bất chính. Một cán bộ Thanh tra Bộ TT-TT cho biết, đến nay chưa có vụ xử phạt nào đối với các nhà mạng do liên quan đến kinh doanh đầu số.

 

Trường Sơn