Thử nghiệm làm việc 6 giờ/ngày
Thành phố Gothenburg của Thuỵ Điển lên kế hoạch cho công chức làm việc chỉ 6 giờ/ngày nhưng vẫn giữ nguyên mức lương để đánh giá chất lượng và ảnh hưởng đến hạnh phúc của con người.
Thử nghiệm làm việc 6 giờ/ngày
Một phân xưởng tại Thụy Điển – Ảnh: Reuters
Tờ The Local của Thụy Điển cho biết hội đồng thành phố Gothenburg sẽ thí điểm với hai nhóm là “nhóm thử nghiệm” và “nhóm kiểm soát”. Công chức trong nhóm thử nghiệm sẽ làm việc chỉ 6 giờ/ngày, tức 30 giờ/tuần trong khi các đồng nghiệp của họ thuộc nhóm kiểm soát vẫn làm 40 giờ/tuần. Cả hai nhóm đều được nhận số tiền lương như nhau.
Cuộc thử nghiệm lý thú tại thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển sẽ triển khai trong nay mai và kéo dài ít nhất một năm. Các chuyên viên của Đại học Gothenburg sẽ hỗ trợ theo dõi công trình này để đưa ra đánh giá khoa học.
Đem lại nhiều lợi ích
Phó thị trưởng Mats Pilhem, thuộc Đảng Cánh tả, giải thích: “Chúng tôi sẽ so sánh hai xu hướng. Chúng tôi hi vọng công chức sẽ ít xin nghỉ bệnh hơn và cảm thấy tinh thần lẫn thể chất khỏe mạnh hơn khi ngày làm việc ngắn hơn”.
Ông Pilhem cho rằng cách làm này sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn vì ông từng nhận thấy ca làm việc dài dẫn đến làm việc kém hiệu quả. Ở một số ngành nghề như chăm sóc người già, vấn đề không phải thiếu nhân lực mà do người ta làm việc thiếu hiệu quả trong một ca làm việc dài. Thêm vào đó, ông Pilhem chỉ ra ví dụ tại một nhà máy sản xuất xe hơi ở Gothenburg, nơi gần đây đã thử nghiệm ca làm việc sáu giờ và kết quả được nói là đáng khích lệ.
Theo People Daily, sau khi thông tin về kế hoạch làm sáu giờ được đưa ra, kênh Radio Sweden đã thăm dò dư luận trên trang web của mình. Kết quả, 73% ủng hộ việc làm 6 giờ/ngày, 22% không coi đó là ý hay trong khi 5% tỏ ra không dứt khoát về chuyện này. |
Tờ Telegraph của Anh hồi năm ngoái có dẫn nghiên cứu của các nhà kinh tế học chỉ ra rằng một tuần làm việc 30 giờ sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn, có cuộc sống cân bằng hơn. Không chỉ sức khỏe, cuộc sống gia đình, bạn bè và cộng đồng của người lao động cũng sẽ được cải thiện.
Những đề xuất này được đưa ra trong một cuốn sách phát hành năm ngoái của Quỹ kinh tế mới (NEF), trong đó các chuyên gia nói việc hướng đến một tuần làm việc 30 giờ có thể thực hiện được thông qua việc thay đổi dần thị trường lao động. Các công ty được khuyến khích để người lao động có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn là tăng lương. Người trẻ khi mới bắt đầu làm việc có thể làm việc 4 ngày/tuần, như đã thực hiện ở Hà Lan.
Trưởng bộ phận chính sách xã hội tại NEF, bà Anna Coote, nhận định: “Đã đến lúc biến chuẩn làm việc bán thời gian thành chuẩn toàn thời gian mới”. Theo Telegraph, cuốn sách của NEF cũng chỉ ra rằng Bỉ, Hà Lan và Đức đã cho thấy có thể giảm giờ làm mà không làm nền kinh tế yếu đi. Thêm vào đó, việc giảm giờ làm sẽ giúp đàn ông có thêm thời gian chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình với phụ nữ, giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới trong gia đình.
Những tranh cãi
Người phát ngôn chính sách kinh tế của Đảng Cánh tả Ulla Anderson còn cho rằng ngày làm việc sáu giờ sẽ đem lại nhiều cơ hội việc làm hơn và nhiều người sẽ tham gia công việc.
Tuy nhiên, ý tưởng trên cũng vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích. Bà Maria Ryden, thuộc Đảng Ôn hòa ở Gothenburg, cho rằng kế hoạch giảm giờ làm là “không thật lòng và chỉ là một mánh khóe dân túy” để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới.
Thực tế nhiều nơi khác ở Thụy Điển từng thử nghiệm rút ngắn thời gian làm việc nhưng xem ra chưa thành công. Theo Daily Mail, trong vòng 16 năm, 250 công chức ở hội đồng thành phố Kiruna (cũng thuộc Thụy Điển) đã làm việc theo ca 6 giờ/ngày. Tuy nhiên, chính sách này bị bãi bỏ năm 2005 sau một báo cáo cho thấy nó không có chút tác động nào tới sức khỏe. Ở một số nghề như chăm sóc trẻ em, việc rút ngắn giờ làm gây thiệt hại về tài chính khi việc thuê người lao động tạm thời trở nên quá đắt.
Tân Hoa xã dẫn lời chuyên gia Thomas Bjorklund cho rằng nếu ngày làm việc sáu giờ được thực hiện thì người lao động sẽ không có thời gian nghỉ ngơi giữa giờ. Thay vào đó, ông đề xuất tuần làm việc bốn ngày để người lao động có thêm thời gian rảnh rỗi với gia đình.
Telegraph dẫn một nghiên cứu khác vào năm 2013 của giáo sư Robert Rudolf thuộc Trường đại học Hàn Quốc cho biết việc rút ngắn giờ làm việc có thể không giúp người lao động hạnh phúc hơn mà còn khiến họ thêm căng thẳng. Nghiên cứu này chỉ ra rằng giờ làm việc ít đi đồng nghĩa với việc người lao động sẽ phải hoàn thành chừng đó công việc trong khoảng thời gian hạn hẹp hơn. Đặc biệt là đối với phụ nữ, ở nhà nhiều hơn đồng nghĩa với việc họ phải làm việc nhà nhiều hơn.
Ngoài ra, tùy theo hoàn cảnh, không phải ai cũng thích cuối tuần dài hơn. Ông Ryan Bourne, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách của Anh, bình luận: “Nhiều người coi công việc là một sự giải thoát khỏi gánh nặng của cuộc sống gia đình”.
VIỆT PHƯƠNG