Cần xoá bỏ kiểu “mạnh ai nấy làm”!
Dự thảo Luật đầu tư công đang góp ý rộng rãi được kỳ vọng khi ban hành sẽ hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan làm thất thoát vốn nhà nước.
Cần xoá bỏ kiểu “mạnh ai nấy làm”!
Thời gian qua hệ quả của tình trạng này quá rõ từ các dự án sân bay, bến cảng, khu công nghiệp, khu kinh tế… Nhiều dự án đã khiến vốn ngân sách “teo tóp” vì đầu tư không hiệu quả. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân sâu xa là do chúng ta vẫn duy trì một mô hình cơ cấu kinh tế địa phương kiểu “mạnh ai nấy làm”. Cứ thế, địa phương nào cũng tham vọng đầu tư một cách hoàn chỉnh tất cả kết cấu hạ tầng của địa phương mình nhằm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa của địa phương. Dự án đầu tư công cứ thế cấp phép tràn lan mà thiếu tính liên kết vùng!
Luật lần này khắc phục được một bước tình trạng lãng phí bất cập trong đầu tư công hiện nay. Tuy nhiên, còn hai điểm lớn trong quản lý đầu tư công phải thay đổi triệt để mà dự thảo luật chưa đề cập. Thứ nhất, cần thay đổi quan điểm tư duy về kinh tế địa phương. Cụ thể, các dự án đầu tư công phải đứng trên quy mô vùng phát triển, gắn với lợi ích từng vùng chứ không phải lợi ích từng địa phương riêng lẻ. Chẳng hạn một tỉnh mạnh về nông nghiệp thì không nhất thiết phải xây dựng rầm rộ các khu công nghiệp mà phải công nghiệp hóa nông nghiệp để nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp lên chứ không phải tỉnh nào cũng phải “chạy đua” công nông nghiệp tràn lan như hiện nay.
Thứ hai, cần xóa bỏ cơ chế “ngân sách lồng ghép”, tức gộp chung khái niệm ngân sách nhà nước là bao gồm cả ngân sách của trung ương lẫn địa phương. Ở đây cần tách bạch rõ ràng vốn nào của trung ương thì do Quốc hội quyết định đầu tư, vốn nào của địa phương thì do hội đồng nhân dân quyết định, chứ chúng ta không lồng ghép hai cái này rồi phân cấp lớn nhỏ như hiện nay. Tách bạch được điều này sẽ làm rõ được trách nhiệm quản lý và trách nhiệm với dân. Trong đó, phần vốn nào trung ương trợ cấp cho địa phương vẫn là ngân sách trung ương.
Đây cũng là hai vấn đề lớn mà luật này chưa giải quyết được nên sẽ nằm trong cải cách tiếp tục. Còn trong tình hình hiện nay, luật này chỉ mới cố gắng tối đa để xử lý những tồn tại hiện nay. Tuy nhiên vấn đề này không thể giải quyết một sớm một chiều, đặc biệt trong điều kiện hiện nay trung ương đang phải cấp ngân sách cân đối cho rất nhiều địa phương.
Mặt khác, dự thảo Luật đầu tư công quy rõ trách nhiệm là cần nhưng vấn đề là phải công khai minh bạch từng dự án để người dân có thể giám sát. Phải minh bạch đến mức trước khi xây dựng một cây cầu, một bến cảng phải công khai dự án để người dân thấy rằng trong thời điểm hiện nay giữa cái đó với làm một chuyện khác thì cái nào cần hơn. Phải lắng nghe ý kiến của người dân. Còn nếu cứ để dự án làm sai rồi mới truy tìm trách nhiệm thì tiền của nhân dân cũng đã tiêu rồi. Phải làm sao để không dẫn tới cái sai đó mới là quan trọng vì luật này đưa ra một quy trình để hạn chế tối đa cái sai và giám sát việc tiêu cực. Đây cũng là điểm nổi bật của dự thảo lần này.
TS TRẦN DU LỊCH (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM)
ĐÌNH DÂN ghi