09/01/2025

Mổ xẻ nạn quay cóp

Phần lớn thời gian dành cho sinh viên bày tỏ về nạn quay cóp, đạo văn của chính mình và những người xung quanh. Đó là không khí cởi mở của buổi tọa đàm “Lặng im hay lên tiếng?” do Câu lạc bộ FACE, Trường ĐH Hoa Sen tổ chức.

 

Mổ xẻ nạn quay cóp

Phần lớn thời gian dành cho sinh viên bày tỏ về nạn quay cóp, đạo văn của chính mình và những người xung quanh. Đó là không khí cởi mở của buổi tọa đàm “Lặng im hay lên tiếng?” do Câu lạc bộ FACE, Trường ĐH Hoa Sen tổ chức.

 Sinh viên thẳng thắn chia sẻ về nạn quay cóp - Ảnh: Như Lịch
Sinh viên thẳng thắn chia sẻ về nạn quay cóp – Ảnh: Như Lịch

Những lời tự thú

Khi người dẫn chương trình hỏi: “Có bao giờ các bạn gặp áp lực trong học tập? Có bao giờ chúng ta chứng kiến những điều không thực trong học tập?”, khá nhiều sinh viên đã thừa nhận rằng: “Có”.

Sinh viên Nguyễn Quốc Toàn, không giấu giếm: “Tôi bắt đầu quay cóp từ năm học lớp 5, giảm đi từ năm lớp 9 và bắt đầu quay lại vào năm lớp 12. Hầu hết việc quay cóp xảy ra ở các môn phụ”.

 

 Sinh viên thẳng thắn chia sẻ về nạn quay cóp - Ảnh: Như Lịch
Trích từ khảo sát của FACE

 

Trần Phương Đức Minh, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, cho biết Minh đang miễn cưỡng học ngành tài chính ngân hàng. Bởi, đây là ngành do gia đình lựa chọn, chứ bản thân không hề có một sự yêu thích hay đam mê gì. Minh tâm tư: “Tôi chịu áp lực của gia đình từ mẫu giáo đến bây giờ. Tôi từng học thuộc toàn bộ bài văn mẫu, chứ không thể sáng tạo được. Lúc bấy giờ trong não chỉ nhớ là làm sao phải đạt điểm thật cao và đậu đại học!”.

Đề cập đến việc học hiện tại, Đức Minh day dứt: “Đến bây giờ, tôi đã trải qua rất nhiều lần không trung thực trong học tập, để cho gia đình cảm thấy rằng tôi học ngành tài chính cũng được điểm cao. Nhưng tôi cảm thấy không thể chấp nhận mình. Chẳng thà tôi thất bại nhưng ít ra đó là tôi! Tôi mong tất cả các bạn ở đây đừng như tôi. Và mong phụ huynh hãy mở lòng ra lắng nghe con mình nhiều hơn”.

Mỹ Yến, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, bộc bạch: “Mình không cảm nhận được mục đích việc học của mình như thế nào. Các anh chị đi trước chỉ những bí quyết có điểm cao, chỉ cách học cũng có, cách quay cóp cũng có. Một số thầy cô chia sẻ cách dạy sáng tạo, nhưng cũng có một số giáo viên chỉ mình học câu này câu kia”.

Tại sao phải dựa trên bảng điểm ?

Gần 200 sinh viên thuộc nhiều trường ĐH tại TP.HCM trực tiếp tham dự tọa đàm đã cùng mổ xẻ nguyên nhân và đưa ra giải pháp đối với nạn gian lận trong học tập, thi cử.

Phùng Thục Uyển, sinh viên Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng: “Học sinh, sinh viên mình thường lấy người lớn làm tấm gương. Bản thân thầy cô xài văn mẫu thì hỏi sao học sinh không đạo văn?”.

Theo một số ý kiến, nạn đạo văn tràn lan trong xã hội là do một phần lỗi từ phía thầy cô, gia đình và nhà trường. Một nữ sinh nói: “Do không được khai sáng, nhắc nhở từ đầu nên đã thành thói quen, dẫn đến việc ngày ngày lấy thông tin của ai mà không thèm dẫn nguồn”.

Cô gái người Hàn Quốc Hari Won, sinh viên ngành Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể lưu loát bằng tiếng Việt rằng có những môn học, giáo viên lật sách đọc hơn 30 trang, rồi bảo sinh viên tuần sau thi. Hari Won than thở: “Những trường hợp như vậy, chỉ có thể phải quay bài thôi, vì không hiểu được, không biết được, không có thời gian để thuộc”. Cô gái này trăn trở: “Tại sao người ta hay phán xét dựa trên bảng điểm? Tức là, ai đạt điểm cao là học giỏi chứ không biết người này có trung thực hay không”.

Theo nhiều sinh viên, để không còn nạn đạo văn, quay cóp, điều quan trọng là mỗi người không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh nữa, mà phải tự nhận thức để thay đổi từ chính thân mình. Từ đó, lan tỏa ra những nhóm rộng hơn, có ảnh hưởng tích cực đến xã hội.

Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen tiến sĩ Bùi Trân Phượng, tâm tình: “Các bạn đang ở độ 18 – 20 tuổi, là tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Liệu các bạn có suy nghĩ một mình mình có đủ bản lĩnh để đi ngược dòng sự suy thoái của xã hội? Đi ngược dòng bằng cách nào?”. Và bà nhấn mạnh: “Trong thẩm quyền của mình, tôi cam kết sẽ không có chuyện thiệt thà thường thua thiệt trong ngôi trường này”.

Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc, Chủ tịch FACE khẳng định, Việt Nam đang mở cửa và buộc phải mở cửa, nên chúng ta phải đẩy mạnh những giá trị mà thế giới cho là bình thường, trong đó có vấn đề trung thực trong học tập, thi cử.

 

55% không hiểu thế nào là đạo văn

Mới đây, Câu lạc bộ FACE đã khảo sát 60 học sinh, sinh viên từ nhiều trường khác nhau. Kết quả cho thấy, có đến 93% số người được khảo sát khẳng định bản thân từng gian lận hoặc chứng kiến người khác gian lận trong học tập, thi cử. Với câu hỏi: “Bạn có hiểu thế nào là đạo văn không?”, có 55% thừa nhận không biết. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạo văn, 24% cho là do lười học, lười suy nghĩ; do thiếu kiến thức, kỹ năng (21%); do áp lực điểm số (18%), áp lực bằng cấp (6%)…

 

Như Lịch