11/01/2025

Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì nguy cơ vỡ quỹ hưu trí

Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) có thể tăng lên vì nguy cơ vỡ quỹ hưu trí.

 Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì nguy cơ vỡ quỹ hưu trí

 

Chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Theo tờ trình của Chính phủ, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) có thể tăng lên vì nguy cơ vỡ quỹ hưu trí.

 

 
  Ảnh minh họa

Để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để được hưởng lương hưu của người lao động. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Tuy nhiên, hiện có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này. Thứ nhất, tán thành với dự thảo Luật quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo phương án này, phải đến năm 2031 (sau 15 năm) tuổi nghỉ hưu của nữ mới đạt 60 tuổi và đến năm 2022 (sau 6 năm) thì tuổi nghỉ hưu của nam mới đạt 62 tuổi.

Ý kiến thứ hai cho rằng việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, không làm tăng sức ép về việc làm cũng như hạn chế cơ hội tìm việc làm của lao động trẻ. Ngoài ra, vấn đề tuổi nghỉ hưu là thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật lao động.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ thì quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 2007, tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì đến năm 2013 là khoảng 76,6%.

Do vậy, cần phải điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên cao hơn so với quy định hiện hành. Tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện đang thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn nhưng thời gian hưởng lương hưu dài do tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên.

Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động đã đạt tới 52,3 triệu người nhưng đồng thời cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số và tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh hơn so với các nước trong khu vực và thế giới (năm 2011, nhóm dân số 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số). Do vậy, để ngăn ngừa khả năng mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất, Thường trực Ủy ban thấy rằng việc quy định lộ trình tăng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu như Chính phủ trình là cần thiết.

“Tuy nhiên, để có thể quyết định vấn đề này, Ban soạn thảo cần có báo cáo đánh giá tác động toàn diện về kinh tế, xã hội, tài chính, có số liệu chính xác về số người hưởng hưu trí tăng dần, sự thay đổi tỷ lệ lao động với số người phụ thuộc, dự báo về thị trường việc làm, việc bảo toàn và tăng trưởng của Quỹ BHXH trong 10-20 năm tới để làm cơ sở cho việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu”, bà Mai cho biết.

Dự thảo Luật cũng đưa ra cách thay đổi cách tính mức lương hưu hàng tháng của người lao động. Theo đó, từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm, năm 2017 là 17 năm, 2018 là 18 năm, 2019 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm.

Qua thảo luận, ý kiến tán thành với dự thảo Luật, nhưng có ý kiến cho rằng khi thay đổi cách tính lương hưu như trên là làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (mức hưởng chênh lệch 10% đối với nam và 15% đối với nữ).

Ủy ban Các vấn đề xã hội cũng cho rằng, việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng là giải pháp cần thiết để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành (thời gian đóng ít và mức đóng thấp, thời gian hưởng dài; tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi thấp), từng bước thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng và bảo đảm sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các đối tượng, đồng thời bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm hưu trí.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người lao động hưởng lương hưu hàng tháng thì phải tổ chức thực hiện quy định này đồng bộ với lộ trình thu BHXH trên cơ sở tiền lương quy định tại Điều 90 của Bộ luật lao động để không tạo ra sự chênh lệch lớn về mức sống giữa những người hưởng lương giữa các thời kỳ.

Dương Công Chiến