07/01/2025

Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế

Lần đầu tiên, công bố kết quả thanh tra chuyên đề về chuyển giá của ngành thuế đã thực sự gây “sốc” khi có tới hàng trăm doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên cả nước liên tục khai lỗ, trốn thuế với số tiền bị truy thu, truy hoàn lên tới nghìn tỉ đồng.

 

Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế

Lần đầu tiên, công bố kết quả thanh tra chuyên đề về chuyển giá của ngành thuế đã thực sự gây “sốc” khi có tới hàng trăm doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên cả nước liên tục khai lỗ, trốn thuế với số tiền bị truy thu, truy hoàn lên tới nghìn tỉ đồng.

Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế

Công nghệ cao là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh chuyển giá, trốn thuế – Ảnh: Ngọc Thắng

Theo báo cáo của Thanh tra Tổng cục Thuế, trong năm 2013, ngành thuế đã tập trung nhân lực vào công tác trọng tâm chống chuyển giá đối với các DN FDI có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Kiểm tra là thấy vi phạm

 

 
 

Các tập đoàn, công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng sản xuất kinh doanh và dịch vụ với các công ty của các nước với đơn giá gia công sản xuất dịch vụ rất cao. Sau đó, các tập đoàn này giao lại cho các công ty con lập tại VN thực hiện sản xuất gia công dịch vụ và xuất thẳng cho các đơn vị mà công ty mẹ đã ký hợp đồng

 

Báo cáo về các hành vi vi phạm của Thanh tra thuế

 

 

Kết quả thanh tra, kiểm tra tại 2.110 DN đã truy thu, truy hoàn, phạt hơn 988 tỉ đồng, giảm khấu trừ 136,95 tỉ đồng. Đặc biệt thanh tra thuế đã buộc DN phải giảm lỗ lên tới hơn 4.192 tỉ đồng. Theo đánh giá của thanh tra, số tiền truy thu chủ yếu tập trung ở khu vực DN FDI (chiếm 40% tổng số thu), tỷ lệ số thu bình quân trên 1 DN là 1,73 tỉ đồng.

Tuy nhiên, con số trên chỉ phản ánh một góc của bức tranh về thực trạng trốn thuế của DN FDI. Báo cáo của 63 cục thuế, hơn 100 chi cục thuế trên cả nước thực sự khiến không ít người phải giật mình. Cụ thể, kết quả thanh tra tại 870 DN FDI có tới 720 DN vi phạm.

Đáng lưu ý là tại một số đơn vị, tỷ lệ vi phạm lên đến 100% như Cục thuế Bắc Giang thanh tra 16 DN thì cả 16 đều vi phạm. Tỷ lệ này diễn ra tương tự tại Hòa Bình (16/16), Gia Lai (15/15)…

Tại một số tỉnh, thành khác dù không đến 100% nhưng tỷ lệ này cũng rất lớn như Hà Nội thanh tra 332 DN thì phát hiện có 326 đơn vị vi phạm, số tiền giảm lỗ hơn 1.500 tỉ đồng, truy thu, phạt, truy hoàn gần 498 tỉ đồng. TP.HCM thanh tra 193 DN FDI, có tới 164 DN vi phạm, giảm lỗ hơn 870 tỉ đồng và truy thu, phạt gần 173 tỉ đồng.

Còn tại 1.240 DN bị kiểm tra, có tới 942 DN vi phạm. Cục thuế Bắc Giang kiểm tra 106 DN có 106 DN vi phạm, tỷ lệ này cũng xảy ra tại Đồng Nai 39/39, Gia Lai 30/30, Hải Phòng 45/45, Thái Nguyên 46/46, Quảng Ngãi 80/80…

Thủ đoạn tinh vi

 

 
 

Giảm thuế TNDN để hạn chế chuyển giá

Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang,VN hiện nay đã có quy định áp dụng thỏa thuận trước giá, biện pháp này chỉ là một phần trong việc chống chuyển giá chứ không hoàn toàn làm mất đi việc chuyển giá. Chuyển giá có thể nhận diện được nhưng chống chuyển giá hiện nay rất khó bởi chúng ta không thể kiểm soát được hoạt động mua bán của các DN trên toàn cầu. Để tình trạng chuyển giá không xảy ra, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của VN cần được điều chỉnh xuống thấp hoặc ngang bằng mức thuế suất của các nước lân cận. Thời gian qua, VN đã điều chỉnh thuế suất thuế TNDN từ 32% xuống 28%, rồi xuống 25% nhưng vẫn còn chậm. Thuế suất thực chất còn cao hơn cả mức này vì chi phí của DN chưa được loại ra.

T.Xuân (ghi)

 

 

Hành vi vi phạm, thủ đoạn của các DN FDI đã được lực lượng thanh tra làm rõ. Cụ thể, quá trình thu thập các thông tin, dữ liệu, thanh tra phát hiện các nhà đầu tư nước ngoài thường góp vốn vào DN trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Bằng cách này đã giúp nâng khống giá trị vốn góp, gây thất thu cho ngân sách và bất lợi cho DN trong nước.

Một hình thức chuyển giá khác được các DN FDI áp dụng là bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết với giá thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết. Theo đánh giá của một lãnh đạo Bộ Tài chính, đây là hành vi phổ biến nhất. Bởi với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các DN VN, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài.

“Các tập đoàn, công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng sản xuất kinh doanh và dịch vụ với các công ty của các nước với đơn giá gia công sản xuất dịch vụ rất cao. Sau đó, các tập đoàn này giao lại cho các công ty con lập tại VN thực hiện sản xuất gia công dịch vụ và xuất thẳng cho các đơn vị mà công ty mẹ đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, tiền không thu được trực tiếp từ các công ty đã xuất hàng mà chỉ thu được theo đơn giá gia công, sản xuất dịch vụ do công ty mẹ quy định, đơn giá này rất thấp”, báo cáo về các hành vi vi phạm của Thanh tra thuế nêu rõ.

Bên cạnh đó, một hình thức chuyển giá khác thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh cũng được các nhà “ảo thuật” FDI vận dụng. Hành vi này thông qua giá bán hàng hóa dịch vụ xuất khẩu cho nước ngoài, chủ yếu bao tiêu sản phẩm qua công ty mẹ với giá bán hoặc giá gia công thấp hơn giá vốn dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN FDI liên tục lỗ nhiều năm. Để tiếp tục hoạt động và mở rộng kinh doanh, công ty mẹ thực hiện hình thức hỗ trợ vốn hoặc cho vay không tính lãi.

Khoanh vùng đối tượng DN, theo Thanh tra thuế các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ, tiêu dùng có các nhãn hàng nổi tiếng ở nước ngoài thường xuyên có hành vi chuyển giá thông qua định giá tiền bản quyền thương hiệu rất cao so với giá trị thực. Thủ đoạn này giúp cho nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận từ việc nâng khống giá trị thương hiệu trong khi bên phía VN vẫn phải chịu chi phí quảng cáo cho thương hiệu đó.

Điều đáng nói, quảng cáo tại thị trường trong nước với chi phí cao làm cho thương hiệu này trở nên nổi tiếng hơn, và bên nước ngoài có lý do yêu cầu bên VN phải trả thêm tiền bản quyền thương hiệu, mặc dù thực chất các khoản chi phí này phải do công ty mẹ tại nước ngoài trang trải.

Xây dựng hệ thống dữ liệu giá toàn cầu

Kết luận của Thanh tra thuế, theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh là một trong những nỗ lực đáng khen ngợi khi tình trạng chuyển giá, trốn thuế luôn là lĩnh vực vô cùng khó phát hiện, với nhiều thủ đoạn tinh vi, giao dịch nội bộ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, những vi phạm quá nhiều, diễn ra khắp mọi nơi đang cho thấy các chính sách, công cụ phòng ngừa chuyển giá hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng.

Chuyên gia này kiến nghị, cần phải tập trung vào các đối tượng liên tục kê khai lỗ, trong các lĩnh vực có tài sản vô hình, giá trị thương hiệu lớn để thanh, kiểm tra thường xuyên. Nhưng quan trọng hơn cả, sắp tới cần xây dựng được hệ thống dữ liệu giá toàn cầu, cùng đội ngũ nhân lực cao để có thể sớm phòng ngừa, phát hiện các hành vi, thủ đoạn này tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng.

Hàng loạt doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế 1

 

Thiệt đơn, thiệt kép

Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành phân tích: “Vấn đề này đâu có mới và chúng ta đã từng nói nhiều từ mấy năm về trước. Tuy nhiên, chúng ngày càng nóng hơn khi mỗi năm trôi qua vẫn không thấy sự thay đổi với điệp khúc doanh nghiệp FDI lỗ, nghi án chuyển giá… và sự bất lực của ngành thuế. Thực tế, nền kinh tế VN thuở sơ khai với tư duy ưu đãi tuyệt đối để mời gọi nguồn vốn FDI bằng mọi giá, chúng ta đã tạo ra khá nhiều lỗ hổng về luật. Đó là những cam kết ưu đãi về chính sách thuế, giá thuê đất mà DN trong nước có nằm mơ cũng không có được. Những tưởng các tập đoàn lớn nước ngoài vào sẽ tạo công ăn việc làm, giúp kinh tế VN phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, giá lao động VN vẫn được đánh giá là thấp nhất so với các nước trong khu vực (không tính Lào và Campuchia). Đổi lại, chúng ta đang mất nhiều từ những khai báo lỗ mà không ít trong số đó phải khẳng định ngay là giả. Một số liên doanh lớn với tỉ lệ góp vốn 30% của VN bằng đất đai và 70% từ nước ngoài, khi DN FDI liên tục báo lỗ, chúng ta đã không những không thu được thuế mà chính phía VN còn phải nộp thêm vốn, bù lỗ cho liên doanh nữa. Thiệt đơn thiệt kép là vậy”.

Nguyên Nga (ghi)

 

Anh Vũ – Hương Giang