26/11/2024

Nhật ứng phó ngư dân Trung Quốc vũ trang

Giới lãnh đạo Nhật đang nghiên cứu cơ sở pháp lý cho việc triển khai binh sĩ nếu ngư dân Trung Quốc vũ trang đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư.

 

Nhật ứng phó ngư dân Trung Quốc vũ trang

Giới lãnh đạo Nhật đang nghiên cứu cơ sở pháp lý cho việc triển khai binh sĩ nếu ngư dân Trung Quốc vũ trang đổ bộ lên Senkaku/Điếu Ngư.

 Tàu tuần duyên Nhật (phải) truy đuổi một tàu cá Trung Quốc ở gần đảo Miyako của Nhật - Ảnh: AFP
Tàu tuần duyên Nhật (phải) truy đuổi một tàu cá Trung Quốc ở gần đảo Miyako của Nhật 
– Ảnh: AFP

Kể từ vụ va chạm với tàu cá Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 2010, giới chức Nhật vẫn đau đầu về nguy cơ ngư dân Trung Quốc được trang bị vũ khí hoặc thậm chí lính thủy giả trang làm ngư dân đổ bộ lên đảo, vì chưa có biện pháp ứng phó hữu hiệu. Nguy cơ đó được các chính trị gia và quan chức Nhật nêu ra trong lúc tranh luận về việc diễn giải lại hiến pháp nhằm cho phép nước này thực hiện quyền phòng vệ tập thể.

Theo tờ Asahi Shimbun, hồi tháng 10.2013, trong phiên họp Hạ viện, nghị sĩ đối lập Kohei Otsuka đã chất vấn Thủ tướng Shinzo Abe rằng chính phủ của ông sẽ ứng phó như thế nào trong trường hợp ngư dân có vũ trang đổ bộ lên nhóm đảo hẻo lánh do Nhật kiểm soát. Ông Abe trả lời: “Cho dù là ngư dân, luôn có khả năng họ được trang bị vũ khí. Vì lý do đó, cần phải tạo ra một cơ sở pháp lý để giải quyết trường hợp như thế”.

Vùng xám pháp lý

Hiện tại, ông Abe đã giao nhiệm vụ cho ban cố vấn xây dựng cơ sở pháp lý về an ninh để đưa ra kiến nghị về việc thay đổi diễn giải hiến pháp nhằm dỡ bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng vệ tập thể và các hạn chế với lực lượng Nhật. Trong cuộc họp vào tháng 2 của ban cố vấn, ông Abe nêu 2 tình huống cần xem xét để chính phủ có thể quyết định ứng phó như thế nào. Một là ngư dân có vũ trang đổ bộ lên đảo và hai là tàu ngầm nước ngoài xâm nhập lãnh hải Nhật. Ông Abe mô tả 2 tình huống đó vẫn còn nằm trong vùng xám khi xem xét cách ứng phó dựa trên nền tảng pháp lý hiện nay của Nhật.

Theo Asahi Shimbun, các chuyên gia của ban cố vấn đang tập trung bàn về cơ sở pháp lý để quyết định xem có nên triển khai binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ (SDF) trong tình huống thứ nhất hay không. Theo luật, lực lượng này có thể được điều động để bảo vệ quốc gia dựa trên cơ sở phòng vệ. Ngoài ra, SDF cũng có thể được triển khai dựa trên quyền cảnh sát để dẹp bất ổn hoặc bảo vệ lãnh hải. SDF được phép dùng lực lượng của họ để đáp trả cuộc tấn công quân sự của kẻ thù, nhưng không thể đưa quân để chặn ngư dân đổ bộ lên đảo nếu hành động của họ không được liệt vào dạng cuộc tấn công có tổ chức của kẻ thù.

Tướng ngoài biên ải

Trường hợp các đơn vị SDF được điều động theo quyền cảnh sát liên quan đến các tình huống căng thẳng vượt khả năng kiểm soát của cảnh sát hoặc Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG). Tuy nhiên, việc triển khai cho những trường hợp đó vẫn gặp nhiều hạn chế so với việc triển khai vì mục đích phòng vệ. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định họ đủ khả năng xử lý tình huống ngư dân vũ trang xâm nhập, nhưng thừa nhận thủ tục cho việc triển khai SDF có thể mất thời gian do phải có sự phê chuẩn của nội các.

Do vậy, đảng cầm quyền LDP của Nhật đang kêu gọi nới lỏng các điều kiện ra lệnh điều động SDF hoặc cho phép họ dùng vũ khí khi thực thi quyền cảnh sát. Cụ thể, vài thành viên ban cố vấn của ông Abe cho rằng cần trao quyền sử dụng vũ khí cho binh sĩ SDF được điều động, với lập luận điều đó sẽ cho phép SDF hành động trong các tình huống khẩn cấp mà không cần phải chờ sự phê chuẩn của nội các hay quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng. Hiện tại, SDF chỉ được nổ súng trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc trong tình huống sơ tán khẩn cấp.

Tuy nhiên, một số quan chức quốc phòng Nhật cho rằng việc trao quyền quyết định khai hỏa cho các thành viên SDF làm nảy sinh tình trạng “tướng ngoài biên ải”. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nhật nói: “Nhìn lại lịch sử, có nhiều trường hợp đạn rời khỏi nòng theo quyết định của chỉ một đơn vị đã leo thang thành cuộc chiến toàn diện. Các chính trị gia đừng bao giờ giao quyền quyết định những vấn đề như thế cho các thành viên SDF ở ngoài biên ải”.

Ngoài ra, một cựu quan chức cấp cao JCG lập luận rằng Senkaku/Điếu Ngư được tàu JCG và máy bay của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) tuần tra nghiêm ngặt, nên khó có chuyện ngư dân vũ trang đổ bộ lên đảo.

Dự kiến, ban cố vấn của Thủ tướng Abe sẽ trình đề xuất về việc thay đổi diễn giải hiến pháp vào tháng 5. Theo Asahi Shimbun, ban này cũng đang xem xét thay đổi diễn giải để cho phép SDF sử dụng vũ lực ở nước ngoài nếu cần. 

 

Mỹ đủ sức tái chiếm Senkaku/Điếu Ngư

Tranh chấp về Senkaku/Điếu Ngư đã khiến căng thẳng Nhật – Trung dâng cao trong thời gian qua, gây quan ngại về nguy cơ xung đột quân sự giữa hai bên. Trước tình hình này, Mỹ tuyên bố Senkaku/Điếu Ngư vẫn nằm trong hiệp ước phòng thủ chung với đồng minh Nhật. Mới đây, trung tướng John Wissler, chỉ huy lính thủy đánh bộ Mỹ ở Nhật, tuyên bố nếu Trung Quốc xâm chiếm Senkaku/Điếu Ngư, lính thủy đánh bộ Mỹ ở Thái Bình Dương có đủ khả năng tái chiếm quần đảo đó. Tờ Stars and Stripes dẫn lời ông Wissler nói các chiến đấu cơ và tàu chiến của Mỹ đủ sức quét sạch lực lượng Trung Quốc trên đảo mà không cần phải đổ bộ.

 

Văn Khoa