26/11/2024

Bước ra cổng trường để học văn

Dự án “Học văn để sống” được hình thành bởi cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên môn văn Trường Đinh Thiện Lý (quận 7, TP.HCM). Mục tiêu của dự án là “Thực học – trải nghiệm – khôn lớn và yêu thương”.

 

Bước ra cổng trường để học văn

Mùa hè năm 2013, dự án “Học văn để sống” được hình thành bởi cô Nguyễn Thị Minh Ngọc, giáo viên môn văn Trường Đinh Thiện Lý (quận 7, TP.HCM).

Phụ huynh em Nguyễn Quốc Huy (giữa), lớp 9A1, sau khi xem đoạn phim con trai làm đạo diễn – Ảnh: Lê Vân

 

Mục tiêu của dự án là “Thực học – trải nghiệm – khôn lớn và yêu thương”. Ngoài việc tiếp thu kiến thức trên lớp, “Học văn để sống” yêu cầu học sinh phải thực học bằng cách áp dụng các thể loại văn (tự sự, nghị luận xã hội, phân tích, bình luận) viết về những đề tài từ cuộc sống.

Giai đoạn 1 của dự án, học sinh dùng thể loại văn tự sự viết và kể chuyện bằng hình ảnh về những người sống xung quanh mình. Trong giai đoạn 2, học sinh học văn nghị luận xã hội bằng cách thực hiện những đoạn phim 10 phút về những câu chuyện xoay quanh nhịp sống TP.

Sài Gòn qua lăng kính học trò

 

“Thông qua các bài học văn trong giáo trình, chúng tôi muốn học trò có cảm xúc, biết trân trọng, yêu thương những người xung quanh mình…”

Cô giáo Hạnh Trâm

 

Lao động suốt gần hai tháng trời, 12 đoạn phóng sự của 12 nhóm học sinh Trường Đinh Thiện Lý đã được công bố ngày 7-3 vừa qua. Để có những đoạn phim vỏn vẹn chỉ 10 phút, 12 nhóm học sinh cùng ba thầy cô phụ trách và một nhóm sinh viên đã “chiến đấu” với những đề tài gai góc, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống.

Hội trường Trường Đinh Thiện Lý hôm 7-3 như muốn vỡ tung bởi những tràng pháo tay của khán giả cũng chính là những học sinh của trường. Bên ngoài sân khấu là những poster giới thiệu những bộ phim học sinh làm với tiêu đề và hình ảnh hấp dẫn, hoành tráng như ở rạp phim.

Mở đầu buổi công chiếu, “LGBT và những góc nhìn” – đề tài về cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) khiến khán giả ồ lên hứng khởi với hình ảnh về cặp đồng tính nam đang dựa đầu vào nhau trong phần mở đầu. “Không ai được quyền chọn giới tính khi mình sinh ra. Nhưng tất cả mọi người đều có quyền sống và hạnh phúc với bản năng gốc của chính mình” – một thông điệp rõ ràng được đưa ra từ những học sinh lớp 9! Dưới góc nhìn của nhóm học sinh lớp 9A1 và 12I Trường Đinh Thiện Lý, một vấn đề xã hội khá gai góc được đặt ra một cách nhân văn và gần gũi bằng góc quay cận cảnh, những đoạn phỏng vấn sâu sắc, chân thật…

Lần lượt sáu phim ngắn thể hiện góc nhìn học sinh được trình chiếu. Những đoạn phim với tiêu đề như: “Lặng lẽ Sài Gòn”, “Đêm”, “Cho đi là hạnh phúc”, “Như những ngọn gió bay đi”, “Cuộc sống của những người lao động nhập cư”… là những câu chuyện rất đời thường nhưng sống động. Nhiều phụ huynh không chỉ bất ngờ mà còn được thưởng thức tiệc phim đầy cảm xúc.

Bà Phạm Thị Thanh Hạnh, mẹ của một học sinh làm phim “Như những ngọn gió bay đi”, nói: “Tiêu đề và câu chuyện phim thật ý nghĩa. Mấy ngày làm hậu kỳ cho phim, bé nhà mình vui lắm. Lần đầu tiên trong đời bé lắng nghe, chia sẻ và chạm đến những mảnh đời khốn khó bằng chính cảm xúc rất thật. Không ngờ ở lứa tuổi này mà tụi nhỏ đã trăn trở với nhiều suy nghĩ đáng để người lớn chúng ta ngẫm nghĩ”.

Sao không nhân rộng dự án?

Đó là câu hỏi của nhiều phụ huynh khi tham dự buổi chiếu phim học sinh Trường Đinh Thiện Lý. Sau buổi chiếu phim “cây nhà lá vườn”, rất nhiều phụ huynh đã xúc động với những câu chuyện phim gần gũi và ý nghĩa. “Từ 0g ngày 8-3, 12 phim sẽ chính thức công chiếu trên trang Facebook “Học văn để sống”, các em hãy xem và bình chọn phim yêu thích của bạn mình nhé!” – cô Minh Ngọc nhắn nhủ. Buổi chiếu phim kết thúc trong tiếng vỗ tay không ngớt, nhiều học sinh khối lớp 9 vây quanh các nhóm làm phim và thầy cô hướng dẫn dự án để “phỏng vấn”, xin được tham gia những giai đoạn sau của dự án…

Cũng có nhiều lời mời từ các trường tư khi cô Ngọc và học trò hoàn thành ấn tượng giai đoạn 1 dự án. Tuy nhiên vì thời gian giảng dạy kín lịch nên nhóm giáo viên hướng dẫn đề án chưa thể chia sẻ dự án. “Nếu dự án được nhân rộng, đó sẽ là một giáo án ngoài chương trình đầy ý nghĩa với học sinh. Suy cho cùng, văn là người, điều mà chúng tôi hướng đến là thông qua các bài học văn trong giáo trình giúp học sinh có cảm xúc, biết trân trọng, yêu thương những người xung quanh mình” – cô Hạnh Trâm chia sẻ.

Gieo cảm xúc để gặt yêu thương qua những bài học trên bục giảng. Đó là cách mà nhóm giáo viên phụ trách dự án “Học văn để sống” đang miệt mài thực hiện với những học sinh của mình. Giải thích về ý tưởng làm dự án, cô Ngọc đúc kết: “Không có gì đáng yêu, đáng quý bằng đam mê. Những người thầy như mình rất hạnh phúc khi nhìn thấy học trò say mê với những câu chuyện đầy cảm xúc trong cuộc sống. Chính các em đã thổi lại đam mê và hứng khởi cho thầy cô khi thầy trò cùng học, cùng chơi, cùng cảm nhận cuộc đời này bằng lăng kính đa màu của tuổi trẻ”.

LÊ VÂN

 

 

Đề tài gai góc

Có những đề tài gai góc như “Đêm” là câu chuyện về cuộc đời một cô gái làm nghề mại dâm, nhóm học sinh lớp 9A1 và 12I đã phải theo chân cô gái này từ nhà trọ, quán bar đến… “đứng đường”. Để làm đề tài này, nhóm học sinh phải nhờ đến sự trợ giúp cật lực của cô Hạnh Trâm, một trong ba giáo viên theo đề án.

Cô Trâm kể: “Tuy chúng tôi giải thích đề tài này khá khó với học sinh, khuyên các em chọn cái nào nhẹ nhàng hơn nhưng các em vẫn quyết làm cho được. Chúng tôi hướng dẫn các em đường đi, cách tiếp cận và quan trọng là bảo đảm an toàn cho các thành viên trong nhóm lúc đi quay thực tế. Xong phần quay, mọi người mới thật sự nhẹ nhõm vì trước đó là bao nỗi lo từ an toàn lúc đêm hôm khi các em đi phỏng vấn, quay phim cho tới việc gặp “ma cô”, “bảo kê” trong các quán bar, sự khó chịu của “đồng nghiệp” nhân vật cản trở các em quay phim…”.