10/01/2025

Tính xấu người Việt: Bệnh không chữa, nước không mạnh

Từ góc nhìn riêng và kinh nghiệm riêng, theo anh chị, tính cách nào hoặc thói hư tật xấu nào đang cản trở sự phát triển của chính mình và của xã hội Việt Nam hôm nay? Một câu hỏi được gửi đến nhiều người và câu trả lời Tuổi Trẻ nhận được lại rất đa dạng.

 

Tính xấu người Việt: Bệnh không chữa, nước không mạnh

Từ góc nhìn riêng và kinh nghiệm riêng, theo anh chị, tính cách nào hoặc thói hư tật xấu nào đang cản trở sự phát triển của chính mình và của xã hội Việt Nam hôm nay? Một câu hỏi được gửi đến nhiều người và câu trả lời Tuổi Trẻ nhận được lại rất đa dạng.

Tranh biếm họa của tác giả Mai Sơn trưng bày tại Ngày hội biếm họa 6-4 ở TP.HCM

 

* Ông LẠI NGUYÊN ÂN (nhà nghiên cứu):

Không chịu trưởng thành!

 

Ảnh: V.Dũng

Gần đây đọc trên mạng, tôi bắt gặp ý kiến một bạn nào đó bảo rằng dân Việt ta có một đặc điểm hầu như cố hữu là cứ không chịu trưởng thành! Tôi rất thú vị với nhận xét ấy. Có thể nói đây là điểm hội tụ rất nhiều thứ mà giờ đây được xem như “thói hư tật xấu” của người Việt, dân Việt. Chính tình trạng thiếu trưởng thành, không chịu trưởng thành là nét gắn bó, quán xuyến hầu hết những thói tật vẫn còn đang tồn tại.

 

Quả không dễ định tính cho đủ thế nào là trưởng thành. Song có thể nói, trưởng thành tức là tăng cường các năng lực lý tính, biết dùng lý trí để soát xét lại hệ thống các hành vi của mình, biết dùng lý trí – không chỉ lý trí các cá nhân mà còn cả lý trí của cộng đồng – để điều chỉnh, chấn chỉnh những loại suy nghĩ và hành vi sẽ được lý trí ấy nhận ra là lạc hậu, trái với nhân tính, không phù hợp với các chuẩn mực ứng xử của con người trong các xã hội văn minh hiện đại.

Ở xã hội các nước phát triển, người ta chứng kiến hiện tượng có thể gọi là thức nhận, tự ý thức, tự phê bình, phản tỉnh…, tức là nhận biết và điều chỉnh hệ thống các hành vi ấy. Chẳng hạn, ta thấy họ từng sống và ứng xử như mọi tộc người trong các cộng đồng thuần chủng, rồi đem chuẩn của chủng tộc chủ thể áp vào cộng đồng đã trở nên đa chủng, đa tộc, đa nguồn, đa văn hóa. Trải qua những bi kịch tự gây cho nhau theo lối ứng xử ấy, họ đã đi tới chỗ nhận ra những bất công, bất cập của lối sống ấy, do vậy đã cùng nhau đề xuất hệ chuẩn mực mới, thích hợp với các xã hội đa chủng, đa văn hóa. Theo đó, các định kiến chủng tộc bị coi là xấu, là không thể chấp nhận phải bị trừng phạt nếu ai đó vi phạm…

Trong khi đó, trong các cộng đồng người Việt, chúng ta vẫn còn tha thiết giữ lại hầu như tất cả những thói quen, ứng xử như khi còn sống khép trong từng làng xã. Chẳng hạn, chấp nhận những hành động xô bồ, ồn ào nơi đám đông, thích giải quyết các vấn đề bằng những “linh hoạt, linh động”, bằng xin xỏ, chạy chọt, thích dựa vào thân quen, thần thế…

* Ông LÊ BÁ THÔNG (doanh nhân):

Tính tự cao làm mất khả năng lắng nghe

 

Ảnh: NVCC

Thời cuộc 30 năm qua đã hình thành một thế hệ doanh nhân thành công rực rỡ. Những câu chuyện tự lực lập nghiệp, đứng dậy và đi lên của họ đã như những câu chuyện thần kỳ đáng khâm phục. Bắt đầu từ nghèo khó, từ hai bàn tay trắng, từ những kiến thức ít ỏi, bằng sự thông minh, tài trí, kiên tâm, họ đã làm nên những cái tên doanh nghiệp không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp bên ngoài phải e dè nể phục. Nhưng cũng từ đó đã hình thành một tính cách đang giết chết sự phát triển của nền kinh tế: tính tự cao, tự phụ.

 

Từ sự tự cao thái quá của những người dẫn đầu mà doanh nghiệp ảo tưởng rằng khi thành công ở một lĩnh vực chuyên môn “rất phức tạp” của mình thì mình có thể thành công ở tất cả lĩnh vực khác. Kết quả những năm gần đây đã nhìn thấy trước mắt, nhiều doanh nghiệp đã quên đi năng lực cốt lõi của mình mà vượt ra ở những thị trường xa lạ khác, hàng loạt doanh nghiệp phá sản vì dùng vốn sản xuất đi kinh doanh tiền tệ, kinh doanh địa ốc.

Sự tự cao cũng đã và đang cản bước những sự hợp tác và sáp nhập lớn. Khó có hai doanh nhân vốn đã và đang thành công trong quá khứ của chúng ta có thể ngồi lại cùng nhau để bắt tay xây dựng hai doanh nghiệp nhỏ trở thành một tập đoàn lớn hơn. Thay vì ngồi chung và xây dựng một doanh nghiệp lớn thì các bước sáp nhập hiện nay mang màu sắc của “xâm chiếm”, “cá lớn nuốt cá bé”.

Tính tự cao tự đại đã làm mất khả năng lắng nghe, không còn thời gian để nghe cấp dưới, càng khó nghe hơn nếu đó là một sự góp ý chê trách. Không có ở đâu mà ngành tư vấn khó khăn như ở đây. Các công ty tư vấn trình bày được vài câu đã nhận được một thái độ có lúc rất nhã nhặn, nhưng cũng có lúc khó nghe như “những điều này tôi đã biết”. Cũng từ đấy, các cuộc cải cách trong các doanh nghiệp Việt hiện nay được triển khai vội vã (có khi cũng triển khai vì phong trào) hàng loạt cải tiến TQM, ISO… thật sự đang thiếu chiều sâu, sai lệch nền tảng, sai bản chất dẫn đến mất tiền không hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng suy giảm.

“Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” thì làm sao các doanh nghiệp Việt có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp quốc tế đã vững vàng hàng trăm năm.

* Anh ĐẶNG HOÀNG GIANG (giảng viên ĐH Phan Chu Trinh):

Sự hời hợt tạo ra một xã hội làng nhàng

 

Ảnh: NVCC

Trong những tật xấu nổi bật của người Việt hiện nay, tôi thấy rất đáng lo ngại là thói hời hợt. Sự hời hợt thể hiện trước hết trong nhận thức, tư duy. Đã thành thói quen, khi nhận thức một vấn đề nào đó, người Việt không đủ quyết liệt, nghiêm túc để nắm được bản chất toàn diện của đối tượng nhận thức. Khi tư duy, chúng ta thường cũng không tìm cách đẩy vấn đề đi đến tận cùng mà chỉ mon men dừng lại ở dạng ý tưởng. Vì nhận thức và tư duy hời hợt nên hành động cũng hời hợt theo. Biểu hiện thường thấy là lối làm việc khơi khơi, nửa vời, không chu đáo, không tận tâm, không đến đầu đến đũa, không ra tấm ra món nên ít khi hoàn thành trách nhiệm. Do đó, người đi sau bao giờ cũng phải mất công dọn dẹp hay sửa sai những sai sót do người trước để lại.

 

Dưới góc nhìn phát triển, thói hời hợt đã tạo ra một xã hội làng nhàng với những cá nhân làng nhàng, không dốt hẳn cũng không giỏi hẳn, không có cái mới và thiếu tính đột phá đã đành, mà luôn ngưng trệ, bị động và luẩn quẩn trong giới hạn làng nhàng của nó.

Dưới góc độ đạo đức, thói hời hợt vừa là ngọn nguồn, vừa là anh chị em sinh đôi của thói ích kỷ, vô tình, vô trách nhiệm. Từ chỗ hời hợt với chính mình, người ta đi đến hời hợt với xã hội bên ngoài. Vậy nên, người Việt sống trong, sống với cộng đồng nhưng lại chưa xây dựng được một đời sống cộng đồng đúng nghĩa. Họ tìm cách khai thác, trục lợi, phá hoại cộng đồng hơn là có ý thức xây dựng một cộng đồng chia sẻ, gắn kết, trách nhiệm.

* Ông GIẢN TƯ TRUNG (nhà giáo):

Ngộ nhận về sự hiểu biết

 

Ảnh: T.T.D.

Tôi cho rằng trong rất nhiều bệnh/tật gây cản trở sự phát triển của chính mình và của dân tộc mình thì bệnh ấu trĩ là nổi bật nhất. Ấu trĩ ở đây được hiểu là “điểm mù” của bản thân, là ngộ nhận về sự hiểu biết của chính mình, đó là tình trạng “vô minh” hay “u minh”, nhưng lại tưởng rằng mình “khai minh”, hay nói nôm na hơn đó là dốt nhưng lại không hề biết là mình dốt.

 

Giai đoạn 1945 cả nước cùng diệt “ba giặc” là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Bây giờ “giặc dốt” còn không!? Tôi cho rằng vẫn còn, thậm chí là nghiêm trọng và đáng sợ hơn xưa. Bởi lẽ nhiều người nói giặc dốt ngày xưa dễ thương lắm, hồi đó cả nước hầu như ai cũng sẵn sàng thừa nhận là mình dốt và muốn được học hành để được khai minh/khai sáng. Nhưng nay, trong một xã hội mà ai cũng bằng này cấp nọ, tràn lan cử nhân, tiến sĩ, kỹ sư thì khả năng tự nhận ra mình “dốt” sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Một người bình thường ấu trĩ thì sẽ chỉ tai hại cho chính mình và những người quanh mình, nhưng nếu một người có nhiều ảnh hưởng thì sự ấu trĩ của họ còn gây hại cho cả xã hội, không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả trong lâu dài. Những người có nhiều ảnh hưởng thường là người có quyền, người có tiền, người có tiếng, người có bằng và người có chữ.

Chẳng hạn, một trong những biểu hiện của bệnh ấu trĩ ở những người có quyền là việc thường xuyên đưa ra những quyết sách tồi nhưng có khi lại rất tự hào về điều đó. Trong bất kỳ xã hội nào và thời đại nào, một nhà lãnh đạo giỏi thì có thể không cần phải biết tất cả mọi thứ hay giỏi tất cả mọi việc, nhưng họ sẽ biết mình là ai và mình dốt cái gì, sẽ biết đâu là quân tử và đâu là ngụy quân tử, đâu là thực tài và đâu là ngụy tài; từ đó biết ai là người mà mình nên lắng nghe và ai là người mà mình nên tin tưởng để hình thành các quyết sách tốt. Còn một nhà lãnh đạo ấu trĩ thường không có được những phẩm tính này, bởi sự u minh của bản thân, lại thiếu sự tự vấn nên đã làm họ mất đi khả năng và cơ hội để minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai.

 

 

 NGUYỄN THẾ THANH (nhà báo):

Tính ỷ lại – tác hại không nhỏ

 

Ảnh: T.T.D.

Trong thực tế, bệnh ỷ lại, dựa dẫm trong xã hội chúng ta hiện nay vẫn còn nhiều và phần lớn có căn nguyên từ môi trường gia đình. Không ít trường hợp, khi nhỏ, việc ăn việc học đều có cha mẹ lo cho từ A tới Z, kể cả việc chạy điểm, chạy trường. Khi tốt nghiệp đã có cha mẹ chạy chỗ làm với điều kiện tốt về “sếp”, về lương. Khi lập gia đình đã có sẵn nhà cha mẹ cho. Khi có con đã có “ôsin già” là cha mẹ.

 

Một môi trường văn hóa gia đình như thế trách nào chẳng hình thành nên những đứa con luôn dựa dẫm vào cái thế của cha mẹ (hoặc người giúp việc dưới quyền cha mẹ) để vơ vào cho mình những ưu đãi mà lẽ ra phải thuộc người khác xứng đáng hơn về năng lực và phẩm chất. Không thể trách ai đó khi họ phản ứng với quá trình thăng quan tiến chức quá nhanh của một vài con cái cán bộ lãnh đạo, bởi thực tế trình độ, năng lực của những người này không hơn nhiều người khác ngoài cái hơn duy nhất là “con ông cháu cha”. Cũng đừng cho là quá đáng khi có người chỉ ra khía cạnh ỷ lại, dựa dẫm của những cán bộ con ông cháu cha này là đã không đủ dũng khí để từ chối một chức vụ được sắp đặt cho bản thân mình mà cả về thực tế năng lực lẫn tâm lý xã hội đều không nên nhận.

Tính ỷ lại, dựa dẫm từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn đã thủ tiêu ý thức con người cá nhân; đã tạo ra đặc quyền, đặc lợi; đã góp phần phá vỡ giá trị công bằng, và cao hơn làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Như vậy, tác hại của sự ỷ lại, dựa dẫm đâu còn là nhỏ nữa. Và trách nhiệm sửa chữa căn tính trầm kha này trước hết vẫn là từ gia đình, từ những người làm cha mẹ. Nhưng một khi tư duy “một người làm quan cả họ được nhờ” không còn là hiện tượng đơn lẻ thì trách nhiệm điều chỉnh và thay đổi triệt để nó phải thuộc về hệ thống chính trị. 

Ông NGUYỄN THANH SƠN (nhà phê bình):

Thói đố kỵ – bệnh ung thư của tâm trí

 

Ảnh: L.Điền

Một bộ phim mới ra đời, đang định viết về nó thì có người bảo “đừng có viết, viết chỉ tổ nó bán thêm được vé”. Một cô bé hồng hồng tím tím viết một cuốn tiểu thuyết dở tệ, ai cũng nhắn nhủ “đừng có viết nhé, viết là làm sang cho nó”. Viết bài về “cuộc đấu khẩu” giữa Trung Nguyên và Starbucks, nhiều người cũng nói viết về Trung Nguyên là mắc mưu PR “của địch”, chỉ “tốn công làm cho Trung Nguyên nổi tiếng thêm”.

 

Những lời khuyên đó làm tôi nhớ đến câu chuyện “cầu trời cho tôi mù một mắt”. Hẳn chúng ta nhiều người nhớ câu chuyện này. Có anh chàng hay ghen tị. Trời muốn làm cho anh ta hiểu được vấn đề nên mới nói: “Ta cho con được một điều ước, muốn ước gì cũng được, nhưng nên nhớ con ước được một thì anh chàng hàng xóm nhà con sẽ được gấp đôi”. Anh ta suy nghĩ một lúc rồi nói: “Con ước trời cho con mù một mắt”.

Tại sao có nhiều người Việt Nam sẵn sàng hi sinh quan điểm của mình chỉ vì lo điều đó sẽ tạo thêm cơ hội cho người khác? Hoặc họ sẽ “khen cho mày chết”, hoặc họ sẽ tảng lờ, thà để tác phẩm hay sản phẩm chìm trong quên lãng còn hơn tạo ra một vấn đề có thể được công chúng và dư luận quan tâm, chỉ vì sợ rằng sản phẩm hay tác phẩm ấy được “PR không công”.

Những người ấy sẵn sàng cầu trời cho mình mù một mắt, nếu như anh hàng xóm vì vậy sẽ mù cả hai. Nếu như trước đây chỉ âm thầm, gặm nhấm đầu độc cuộc sống của họ thì mạng xã hội và tính ẩn danh của môi trường Internet hiện nay khiến thói đố kỵ có đất để sinh sôi, nảy nở, đầu độc cả môi trường sống của xã hội.

Thói đố kỵ của người Việt chính là “bệnh ung thư của tâm trí”, nói như B. C Forbes.

 

TT