11/01/2025

Bịt đường xe quá tải

Sau những ngày đầu triển khai trạm cân chưa hiệu quả, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu các tỉnh phải cân xe 24/24 giờ, tránh tình trạng lơ là, thiếu kiên quyết xử lý xe chở quá tải.

 

Bịt đường xe quá tải

Sau những ngày đầu triển khai trạm cân chưa hiệu quả, Bộ GTVT đã có công văn yêu cầu các tỉnh phải cân xe 24/24 giờ, tránh tình trạng lơ là, thiếu kiên quyết xử lý xe chở quá tải.

 

Bịt đường xe quá tải
Xe tải nằm hàng dài trên quốc lộ 51 sáng 9.4 – Ảnh: Lê Lâm

 

Bộ GTVT đề nghị chính quyền các địa phương chỉ đạo CSGT không để tình trạng xe quá tải lưu thông trên địa bàn, yêu cầu lái xe vào bãi hạ tải và phải chịu trách nhiệm thanh toán trả chi phí dịch vụ phục vụ hạ tải…

 

 

Cái khó là nhiều địa phương né tránh không muốn xử phạt, không loại trừ khả năng tiêu cực. Tổng cục đã làm văn bản đề nghị Bộ đề xuất lên Chính phủ giải pháp mạnh, đề nghị Chính phủ phê bình các địa phương không chịu thực hiện

 

Ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN

 

 

Đặc biệt, khi phát hiện xe đã thay đổi kết cấu, hình dáng, kích thước không đúng quy định phải lập biên bản tạm giữ giấy tờ xe, yêu cầu chủ xe tự tháo dỡ phần cải tạo trái quy định và đưa xe đến trung tâm đăng kiểm gần nhất để kiểm tra. Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và các ngành có liên quan xử lý các cơ sở sản xuất, sửa chữa, cải tạo xe trái phép.

Nằm đường vì sợ… cân

Ngày 9.4, hàng chục chiếc xe tải đã nằm dài trên QL51 theo hướng từ Bà Rịa-Vũng Tàu về Đồng Nai (đoạn qua nghĩa trang liệt sĩ H.Long Thành) vì cách đó khoảng 1 km, tại Km 25, trạm cân di động của đoàn kiểm tra tải trọng liên ngành tỉnh Đồng Nai gồm thanh tra giao thông, CSGT và kiểm soát quân sự đang hoạt động. Một tài xế đang nằm chờ ở đây nói: “Đoạn này không có đường rẽ để né, xe chạy lên chắc chắn sẽ quá tải. Giờ ráng nằm chờ đến chiều tối hy vọng trời mưa, trạm cân không hoạt động mới chạy tiếp”. Ông Trần Tiến Dũng, Phó chánh thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trong buổi sáng, chúng tôi đã kiểm tra và đưa vào trạm cân 5 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp xe quá tải 20%. Tại địa điểm đặt trạm cân này, chúng tôi đã khảo sát không có đường nhánh để né”.

Tại Phú Yên, đoàn xe nối đuôi nằm chờ cơ hội vượt trạm hôm qua vẫn tiếp tục “bám trụ” dốc Đài thuộc xã An Mỹ, H.Tuy An. Từ khi trạm cân tại An Mỹ đi vào hoạt động thì cũng bắt đầu có các “cò” xuất hiện. Sau khi thỏa thuận với các tài xế, “cò” dẫn xe tải đi đường vòng né trạm cân bằng cách rẽ xuống tuyến đường ngang ở xã An Hòa và An Mỹ, rồi men theo đường du lịch ven biển, sau đó vòng lại QL1 với giá 100.000 đồng/xe. Cánh tài xế xe tải đường dài cho rằng, thà tốn 100.000 đồng còn hơn bị “cân” mất cả chục triệu và chờ đợi mất thời gian vì xe nào cũng quá tải. Ông Đoàn Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã An Mỹ cho biết: “Xe tải né trạm nên đi vào đường liên xã, gây đứt dây điện thoại, làm hư đường khiến người dân rất bức xúc. Chúng tôi đã lập chốt chặn và ngăn chặn được tình trạng này”.

“Xe đứng nhìn người, người đứng nhìn xe”

Tuy nhiên theo ghi nhận của Thanh Niên, nhiều địa phương đến nay vẫn còn tiếp tục “thả lỏng” cho xe quá tải. Thậm chí đến chiều qua, ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ, cho biết địa phương này chưa thể triển khai vì “trong quá trình lắp đặt, vận hành, cân lưu động đã bị lỗi thiết bị, đến nay chưa sửa chữa xong nên không thể vận hành”. Tại Quảng Ninh, đến hôm qua cũng chỉ mới “hoàn thành việc tiếp nhận thiết bị cân”.

 

Bịt đường xe quá tải
Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, kiểm soát quân sự cùng tham gia kiểm tra trọng tải – Ảnh: Lê Lâm

 

Tại TP.HCM, bộ cân xe mới do Tổng cục Đường bộ trang bị cho Sở GTVT TP vẫn chưa thể hoạt động do vướng một số thủ tục, xe cân chưa có biển số. Đến hôm qua bộ xe cân vẫn đậu tạm trong Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn.

Tại Thanh Hóa, trạm cân lưu động trên tuyến QL1A được triển khai từ 15.12.2013. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3.2014 cũng chỉ cân được khoảng 200 xe. Lý do là trạm này chỉ hoạt động trong giờ hành chính nên các xe tải chỉ việc nằm chờ, hết giờ hành chính thì đi.

 

Bịt đường xe quá tải
Đo khoảng cách giữa các trục để tính trọng tải riêng từng trục – Ảnh: Lê Lâm

 

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho rằng, dù Bộ GTVT đã có công văn đôn đốc, yêu cầu nhưng tình hình xe né trạm cân, lơ là không xử phạt vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương. Ông Thắng cho hay, có tình trạng nhiều nơi “xe đứng nhìn người, người đứng nhìn xe”, nhưng không hề xử lý. Theo Thông tư 35, việc xe chất hàng quá tải trọng đã có thể xử lý, nhưng tại một số địa phương, xe quá tải đứng ngay trước trạm để rình chờ vượt qua, nhưng cán bộ cân xe cũng không ra xử lý. Nhiều trạm còn thực hiện cân xe kiểu “đối phó”, không sử dụng trạm cân di động do Tổng cục cấp, mà dùng trạm cân xách tay. Trong khi đó, chỉ khi sử dụng trạm cân di động thì thông tin mới tự động báo về Tổng cục để xử lý. Cái khó là nhiều địa phương né tránh không muốn xử phạt, không loại trừ khả năng tiêu cực. “Tổng cục đã làm văn bản đề nghị Bộ đề xuất lên Chính phủ giải pháp mạnh, đề nghị Chính phủ phê bình các địa phương không chịu thực hiện”, ông Thắng cho biết.

Liên quan đến việc nhiều ý kiến cho rằng việc xử phạt xe quá tải khiến hàng hóa nông sản đang vào vụ bị ách tắc, đặc biệt phí vận tải lên cao cũng ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ một số mặt hàng nông sản, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho rằng, xe phải vận chuyển theo đúng trọng tải thiết kế, việc vi phạm tải trọng để chở nhiều hàng hơn là sai quy định, nhưng trước đây vì nhiều lý do nên chưa bị xử lý triệt để. Việc siết lại tải trọng với các trạm cân tự động trước mắt có thể khiến một vài doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ đối phó bằng cách không chở hàng, gây sức ép lên người thuê, nhưng không thể vì thế mà nương nhẹ, không thực hiện.

 

Giá cước hàng hóa tăng 2 – 2,5 lần

Theo ông Đinh Nam Dinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải số 9 (TP.HCM), với các tuyến đường dài, hiện không có doanh nghiệp nào dám chở quá tải. Vì vậy từ vài ngày nay giá cước chở hàng trái cây, đông lạnh, tươi sống từ nam ra các tỉnh phía bắc, liên tỉnh đã tăng 2 – 2,5 lần so với lúc chưa có chiến dịch cân xe. Ông Dinh cho rằng: “Bản thân chúng tôi là nhà vận tải, bao giờ cũng muốn chở đúng tải. Nhưng bị oan ở chỗ nhiều người lúc nào cũng nói chúng tôi là hung thần xa lộ. Thực ra hành vi chở quá tải chỉ chủ hàng có lợi chứ nhà vận tải không có lãi”.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty CP vận tải số 2 (TP.HCM, có hàng trăm xe tải chạy bắc – nam), cho biết: “Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng vận chuyển lâu dài thì chúng tôi không chở quá tải. Còn đối với các khách hàng lẻ, nếu trước đây tài xế chở quá tải thì nay chấp nhận lỗ chứ không dám chở quá tải nữa. Chúng tôi ráng chịu đến tháng 5 sẽ điều chỉnh giá cước”.

Đình Mười

 

Thanh Niên