10/01/2025

Tham vọng khai thác mặt trăng

Cơn khát tài nguyên của trái đất hứa hẹn sẽ sớm được giải tỏa khi nỗ lực khai thác tài nguyên trên mặt trăng bắt đầu được tư nhân hoá.

 

Tham vọng khai thác mặt trăng

Cơn khát tài nguyên của trái đất hứa hẹn sẽ sớm được giải tỏa khi nỗ lực khai thác tài nguyên trên mặt trăng bắt đầu được tư nhân hoá.

 

 Tham vọng khai thác mặt trăng
Phác họa ý tưởng gửi tàu khai thác lên mặt trăng của hãng Moon Express – Ảnh: Moonexpress.com

 

Lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo khó của Ấn Độ, Naveen Jain thường ngắm mặt trăng hằng đêm và mơ về một cuộc sống khấm khá hơn. Giờ đây, ông vẫn giữ thói quen nhìn về hướng chị Hằng nhưng với lý do hoàn toàn khác. Jain, 55 tuổi, hiện mang quốc tịch Mỹ và là nhà đồng sáng lập hãng Moon Express, có trụ sở tại Mountain View, bang California. Ông đã gây xôn xao giới làm ăn lẫn khoa học với thông báo về kế hoạch đưa Moon Express trở thành nhà khai thác tài nguyên tư nhân đầu tiên trên mặt trăng. 

Mỏ tiền của chị Hằng

Tạp chí Forbes dẫn lời tỉ phú Jian cho biết trên mặt trăng có những mỏ vàng ròng khổng lồ, chưa kể các mỏ sắt, cobalt, titan và tungsteng. Hơn nữa, mặt trăng được cho là chứa một số lượng lớn palladium, niobium, yttrium và dysprosium. Đây đều là những kim loại rất hiếm trên trái đất nhưng đóng vai trò không thể thiếu trong nhiều ngành sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ, hiện diện trong vi mạch, xe hơi cho đến tên lửa liên lục địa và vũ khí laser. Đặc biệt, tài nguyên lớn nhất của mặt trăng là ít nhất 1 triệu m3  khí helium-3, nguyên liệu sản xuất điện hạt nhân sạch và an toàn nhất. Helium-3 khá hiếm trên trái đất và được các chuyên gia đánh giá là nguồn năng lượng hoàn hảo có thể thay thế dầu mỏ lẫn khí đốt.

 

 
 

Mục tiêu tiểu hành tinh

Sau mặt trăng, hướng đi kế tiếp của lĩnh vực thám hiểm không gian là các tiểu hành tinh chứa đầy tài nguyên. Khi tiểu hành tinh 2012 DA14 di chuyển cách trái đất khoảng 27.700 km vào đầu năm ngoái, trong con mắt của các thương gia có tầm nhìn xa, nó là một khối tài sản khổng lồ. Trang Extreme Tech dẫn tính toán của các chuyên gia cho biết 2012 DA14 trị giá gần 200 tỉ USD về khoáng chất và nước. Công ty Deep Space Industries đã công bố kế hoạch gửi phi thuyền FireFly về hướng tiểu hành tinh này vào năm 2015, và sau đó là tàu rô bốt khai thác DragonFly vào năm 2016.

H.G

 

 

Đến nay, việc thám hiểm mặt trăng vẫn do nhà nước đảm trách và do nhiều trở ngại công nghệ lẫn chính trị, chiến lược nên chưa nước nào chính thức bước vào khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ của chị Hằng. Vì thế, Moon Express quyết tâm trở thành nhà tiên phong khai phá con đường tư nhân hóa lĩnh vực đầy thách thức này. Theo trang tin CNET, tỉ phú Jian đã trao quyền chủ tịch công ty cho chuyên gia kỳ cựu về lĩnh vực thương mại hóa vũ trụ là Andrew Aldrin. Ông này chính là con của phi hành gia Buzz Aldrin, người cùng Neil Armstrong lên mặt trăng năm 1969.

Hiện nay, 50 chuyên gia của Moon Express, hầu hết từng làm việc cho NASA, đang nỗ lực hoàn thành chương trình đưa tàu thám hiểm lên mặt trăng trước cuối năm 2015. “Nếu tàu tiếp đất an toàn và gửi hình ảnh về trạm địa cầu thì chúng tôi sẽ tiến tới thử nghiệm mang vật thể từ mặt trăng về trái đất”, ông Jian nói với Đài CNBC.  

Nguy cơ tiềm ẩn

Đến nay vẫn chưa có bất cứ cơ sở pháp lý nào liên quan đến việc khai thác mặt trăng, ngoại trừ một số khuôn khổ quy tắc do NASA và các cơ quan vũ trụ quốc gia khác đặt ra. Trả lời phỏng vấn tờ Los Angeles Times, tỉ phú Naveen Jain tỏ ra không lo lắng vì nguy cơ xảy ra tranh chấp. “Tôi nghĩ mặt trăng cũng giống như các vùng biển quốc tế trên trái đất vậy. Không ai sở hữu nó và các công ty vẫn có thể khai thác theo nguyên tắc ai tìm ra trước thì của người đó”. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng tình hình sẽ không đơn giản như vậy vì mặt trăng lâu nay vẫn là “chiến trường ngầm” của các bên và không thể loại trừ các nguy cơ về quân sự và an ninh.

Theo website Indomitus.net, Hiệp ước Không gian năm 1967 được Mỹ và Liên Xô phê chuẩn quy định không quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ nơi nào ngoài trái đất. Nhưng dường như vẫn có một sự phân chia ngầm giữa 2 siêu cường thời Chiến tranh lạnh trên lãnh thổ mặt trăng. Không tàu vũ trụ nào của Liên Xô được đưa lên mặt trăng từ ngày 13.2.1966 đến ngày 9.8.1976 đáp xuống bên trong một khu vực hình ngũ giác được xác định bởi điểm đáp của các tàu vũ trụ Surveyor 1, Surveyor 7, Apollo 11, Apollo 17 và Apollo 15 của Mỹ. Ngược lại, trong giai đoạn 28.7.1964 đến 19.12.1972, không tàu Mỹ nào đáp trong lằn ranh được xác lập bởi các tàu Luna 9, Luna 2, Luna 21 và Luna 16 của Liên Xô. Sau đó, một số nước đề xuất Hiệp ước Mặt trăng có hiệu lực từ năm 1984 quy định mặt trăng là tài sản chung của nhân loại và phục vụ cho lợi ích của mọi quốc gia. Tuy nhiên mới có 13 nước phê chuẩn hiệp ước này. Trong số đó không có Ấn Độ, Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Mới đây nhất, sau khi Trung Quốc đưa tàu tự hành Thỏ ngọc lên mặt trăng hồi cuối năm ngoái, tờ The Beijing Times dẫn lời một số chuyên gia nói nước này có khả năng lập căn cứ quân sự tại đây. Ngay từ năm 2010, ông Tôn Gia Đống, nguyên Tổng phụ trách kỹ thuật vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trung Quốc đã kêu gọi cần nỗ lực nhanh chóng đạt được thành quả thám hiểm mặt trăng để khi “quốc tế thảo luận về việc chia sẻ quyền lợi trên mặt trăng, Trung Quốc sẽ có quyền phát ngôn lớn hơn và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của mình”.

Thụy Miên