09/01/2025

Nước mắt bên vựa lúa

Những ngày cuối tháng 3 này, tại nhiều tỉnh ĐBSCL lúa chất đầy đồng. Nông dân trúng mùa nhưng đang “ôm” lúa khóc ròng vì không bán được. Những cánh đồng lúa chín rực dưới ánh nắng chói chang như đang thiêu đốt nỗi lòng người nông dân nơi đây.

 

Nước mắt bên vựa lúa

Những ngày cuối tháng 3 này, tại nhiều tỉnh ĐBSCL lúa chất đầy đồng. Nông dân trúng mùa nhưng đang “ôm” lúa khóc ròng vì không bán được. Những cánh đồng lúa chín rực dưới ánh nắng chói chang như đang thiêu đốt nỗi lòng người nông dân nơi đây.
Lúa thu hoạch về chất cao như núi nhưng lúa ngoài đồng tiếp tục chín rực (ảnh chụp tại thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp) – Ảnh: Thanh Tú

 

 

“Sốt ruột lắm nhưng đành chịu thôi. Ngày trước giá lúa cao, cánh thương lái, doanh nghiệp canh me liên lạc với mình từng ngày, dặn tới dặn lui không được bán cho ai khác. Giờ lúa chất đống họ không đoái hoài” – chỉ tay về đống lúa cao ngất ngưởng bên cạnh nhà, bà Huỳnh Thị Ngoan (xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cho biết gần 40 tấn lúa của gia đình bà và mấy hộ dân xung quanh đã thu hoạch nhưng thương lái chẳng thèm đến cân.

Lúa ế, thương lái bỏ chạy

 

Đại lý phân bón, thuốc trừ sâu thì réo đòi nợ. Trong khi đó lúa đã quá kỳ thu hoạch cả tuần rồi. Càng phơi ngoài đồng lúa càng khô, mất ký nhưng thương lái vẫn không thấy đâu. Nông dân tụi tui khổ quá mấy chú ơi…

Ông Nguyễn Văn Tèn (nông dân ở ấp 5, xã Tân Mỹ, H.Thanh Bình, Đồng Tháp)

 

Chiều 29-3, ông Nguyễn Văn Tèn (ấp 5, xã Tân Mỹ, H.Thanh Bình, Đồng Tháp) ngồi bên hiên nhà ngóng thương lái đến mua lúa như “ngóng mẹ đi chợ về”. Ông Tèn hết đứng lại ngồi, đi vào đi ra miệng lầm bầm: “Hẹn 9g sáng đến nhưng đã 5g chiều vẫn chưa thấy ma nào đến cân lúa. Điện thoại thì không liên lạc được”. Hai hôm trước, ông Tèn hẹn với thương lái đến bán lúa. Họ đã nhận lời nhưng nay lại không đến. Ông Tèn sốt ruột liên tục điện thoại tìm các thương lái khác để đẩy nhanh việc bán lúa nhưng tất cả đều hẹn dăm bảy hôm nữa mới tới xem lúa.

Dọc tuyến tỉnh lộ 844 từ thị trấn Trường Xuân, huyện Tháp Mười đến thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) tràn ngập một màu vàng óng của những cánh đồng lúa đã chín rực dưới cái nắng tháng 3. Thế nhưng, chỉ lác đác dăm chiếc máy gặt đập liên hợp làm việc trên một vài khoảnh ruộng. Nhiều nông dân ở đây cho biết lúa chưa gặt bởi đang chờ thương lái đến xem lúa.

Tương tự, tại thời điểm này lúa ở tỉnh An Giang cũng vào vụ thu hoạch rộ. Trên cánh đồng xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, nhiều đám ruộng đã gặt xong trơ gốc rạ cả tuần nay nhưng những đống lúa vẫn còn chất dài theo bờ ruộng. Người dân trùm kín bạt lại rồi bỏ biệt về nhà chẳng thèm trông coi. Nhiều thửa ruộng khác lúa chín rũ mà chưa thể thu hoạch vì không kêu được thương lái đến mua. Ngồi bên cánh đồng lúa chín vàng rực cặp mé kênh Vĩnh Tế, ông Cao Văn Thành bộc bạch: “Nghe nói Nhà nước đã triển khai chương trình mua tạm trữ lúa nhưng nông dân vẫn rất khó bán lúa, chẳng thấy doanh nghiệp nào mua. Mấy ngày nay cánh thương lái cũng đều bặt tăm”.

Người có ruộng đã khổ, những nông dân phải đi thuê ruộng làm lúa mà không bán được càng khổ hơn. Thuê 8ha đất tại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An để canh tác nhưng nay lúa ế nên ông Võ Văn Mười như ngồi trên lửa bởi các khoản nợ đang bủa vây ông. Lúa đã chín rực dù không có ai mua, cách đây bảy ngày ông Mười đành liều mình vay thêm tiền, thuê máy gặt đập liên hợp về thu hoạch lúa. Ông Mười kể: “Giống lúa OM 4900 khoảng 105 ngày là phải thu hoạch nhưng tui đã để quá cả tuần đợi thương lái. Trước 10 ngày gặt họ đã tới đặt cọc mua. Nhưng đến sát ngày cắt lúa liên lạc thương lái thì điện thoại lại không nghe máy”.

Giá lúa giảm liên tục

Thời điểm này tại Long An giá lúa OM 4900 đang ở mức 4.400 đồng/kg. Theo ông Võ Văn Mười, làm một mẫu lúa phải đầu tư tiền thuê đất, tiền giống, tiền phân, thuốc… hết hơn 22 triệu đồng. Với giá lúa OM 4900 hiện nay, tính ra ông Mười cầm chắc lỗ. Còn tại Đồng Tháp giá lúa cũng ngày một giảm. Lúa Nàng Hoa đầu vụ có giá 6.100 đồng/kg, nay sụt giảm chỉ còn 5.100 đồng/kg. Tương tự, giống lúa khá phổ biến IR 50404 đầu vụ người dân phấn khởi khi bán được giá 4.800 đồng/kg, nhưng chỉ chưa đầy nửa tháng giá lúa hiện nay dao động ở mức 4.200-4.300 đồng/kg.

Theo bà con nông dân tại Đồng Tháp, vụ đông xuân năm nay trúng mùa. Ruộng nhà nào thấp nhất cũng 8-9 tấn/ha, cá biệt có hộ thu hoạch được 10 tấn/ha. Thế nhưng dù giá lúa giảm mạnh nhưng chẳng ai mua.

Ông Nguyễn Hữu Bình (xã Phú Lợi, H.Thanh Bình, Đồng Tháp) có 5ha trồng lúa OM 6976 đã quá năm ngày nhưng thương lái lại hẹn thêm khoảng tuần nữa mới đến mua. Lúa chín rực trên đồng khô cong queo, gặp nắng gay gắt nên trọng lượng ngày càng giảm. Ông Bình tính toán mỗi ngày thu hoạch trễ thì mỗi hecta bét nhất cũng mất 400.000-500.000 đồng bởi lúa giảm trọng lượng.

Giải thích cho việc mua lúa chậm, thương lái Bảy Hương (xã Phú Mỹ, H.Tân Phước, Tiền Giang) cho biết từ đầu vụ đến giờ giá lúa liên tiếp giảm mạnh nên ông cũng như thương lái khác không dám ôm hàng. “Lúa được mùa nên mua rất dễ, ghe của tôi tải trọng trên 80 tấn mấy mùa trước gom cả tuần mới đủ nhưng bây giờ chỉ một ngày là đầy ghe. Tuy nhiên từ đầu vụ đến giờ đi chuyến nào cũng lỗ, may lắm thì huề vốn. Cứ mỗi chuyến lỗ, chuyến sau tui lại phải mua lúa của bà con thấp hơn để gỡ vốn, chứ mua cao mà bán thấp thì có nước bán nhà, bán ghe” – ông Hương cho hay.

Bà Nguyễn Hồng Ngọc, thương lái mua lúa hàng chục năm nay tại An Giang, cho rằng tất cả đều tùy thuộc vào việc doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu để “ăn” gạo hay không. “Tuần trước sau khi có thông báo mua tạm trữ, giá lúa có nhích lên 100-200 đồng/kg, nhưng sau đó giảm lại do các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ mua gạo cầm chừng” – bà Ngọc đứng trên ghe đang giao gạo lứt cho một doanh nghiệp ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, nói.

Cùng chung nhận xét, ông Huỳnh Ngọc Chuyển, thương lái đang mua lúa tại Hòn Đất (Kiên Giang), cho biết thêm vụ đông xuân năm nay tình hình tiêu thụ lúa gạo rất chậm, giá cả lại thất thường nên thương lái cũng khổ, khó làm ăn. “Lúc đầu vụ doanh nghiệp cho giá mua gạo bình quân 7.200 đồng/kg (gạo thường), tui xuống ruộng bỏ cọc 4.700 đồng/kg lúa với bà con nông dân. Tới chừng lúa chín rộ, giá mua gạo các doanh nghiệp tự nhiên tụt xuống còn 6.700 đồng/kg, tính ra mỗi ký lúa lỗ mấy trăm đồng. Tụi tui chỉ còn nước năn nỉ bà con xin lại tiền cọc, ai thương thì cho lại, còn không coi như bỏ của chạy lấy người còn hơn là cắm cổ mua lúa vào càng lỗ nặng thêm” – ông Chuyển than.

Theo sở công thương một số tỉnh, với chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo như hiện nay của Chính phủ chỉ có tác dụng giúp giá lúa ngừng giảm, chứ không đảm bảo tiêu thụ hết lúa cho nông dân. Ông Huỳnh Văn Gành, giám đốc Sở Công thương Kiên Giang, cho biết vụ này sản lượng lúa hàng hóa của tỉnh gần 2,5 triệu tấn, quy ra gạo khoảng 1,2 triệu tấn. Trong khi Hiệp hội Lương thực VN chỉ phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ 84.000 tấn gạo, tính ra chẳng thấm vào đâu.

Ngoài ra ông Gành cũng cho rằng do tình hình xuất khẩu gạo khó khăn nên doanh nghiệp chỉ dám mua cầm chừng, chủ yếu nghe ngóng tình hình nên nông dân không bán được lúa là phản ánh đúng thực tế.

L.SƠN – T.TÚ – Đ.VỊNH – K.NAM – S.LÂM

 

 

Thanh Hóa: nông dân không tha thiết với ruộng đồng

Ngày 31-3, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã có buổi giám sát về tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng tại huyện Hậu Lộc.

UBND huyện Hậu Lộc cho biết đến nay huyện có 69,83ha đất nông nghiệp bỏ hoang, với 1.170 hộ không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp; trong đó bỏ hoang đất cấy lúa là 68,72ha (với 1.159 hộ). Riêng xã Tiến Lộc có tới 41,14ha đất nông nghiệp bỏ hoang lâu nay, với 747 hộ nông dân không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp; trong đó có 65 hộ nông dân làm đơn trả ruộng cho UBND xã với diện tích 3,19ha.

Theo cử tri và lãnh đạo huyện Hậu Lộc, nguyên nhân của thực trạng nông dân bỏ ruộng, trả ruộng là hiệu quả sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là gieo cấy lúa) không cao; tập trung ở những xã có ngành nghề, công việc làm khác thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp.

HÀ ĐỒNG

 

_______________________

 

Anh Nguyễn Văn Thanh (Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang) là một trong hàng triệu nông dân tại ĐBSCL thu hoạch xong không bán được lúa – Ảnh: Khánh Duy

 

Hàng chục triệu nông dân đang chờ ngoài đồng

Phát biểu tại hội thảo “Góp ý thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định 62 về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn” do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Tháp tổ chức tại Đồng Tháp ngày 31-3, phó Ban Kinh tế trung ương Lê Vĩnh Tân cho rằng cần giải quyết ngay những vướng mắc trong câu chuyện hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân. “Hơn chục triệu nông dân ĐBSCL đang ở ngoài kia chờ kết quả của hội nghị này” – ông Tân nhấn mạnh.

Ngay sau phát biểu của ông Tân, hội trường nóng lên với những ý kiến của các đại biểu. Không ít doanh nghiệp quay ra “tố cáo” nông dân đã phá vỡ hợp đồng khi lúa có giá. Ông Nguyễn Văn Đời, giám đốc HTX nông nghiệp Bình Thành (xã Bình Thành, H.Lấp Vò, Đồng Tháp), lập tức “trả đũa”: Trong vụ lúa đông xuân (2013-2014) này, HTX bị hai doanh nghiệp thu mua “bẻ kèo”, ép giá khi không chấp nhận mua theo hợp đồng đã ký mà yêu cầu mua với giá thị trường, thấp hơn 400-500 đồng/kg so với thỏa thuận trước đó. Lúa “ế” nên lãnh đạo HTX phải cầu cứu khắp nơi, kêu gọi doanh nghiệp khác mua thay thế.

“Chúng tôi là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp nên ai “bẻ kèo” chúng tôi đều khốn đốn cả. Năm nay doanh nghiệp “bẻ kèo” nhiều. Từ đầu năm đến giờ chúng tôi rầu thúi ruột vì bị nông dân – các xã viên mắng cho tối mặt tối mũi. Bởi thế tôi cho rằng phải có hợp đồng ràng buộc rõ ràng, khung xử lý cụ thể mới được” – ông Đời nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về tình hình mua lúa hiện nay, ông Nguyễn Thanh Hùng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết thực tế hiện nay giá lúa xuống thấp khiến thương lái cũng như doanh nghiệp không mặn mà thu mua. Để giải quyết tình trạng này, theo ông Hùng, tỉnh sẽ rà soát lại chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa giao cho doanh nghiệp, bởi hiện nay các doanh nghiệp trong tỉnh đã thực hiện mua lúa gần như hoàn tất chỉ tiêu được giao. Từ đó sẽ kiến nghị thay đổi chỉ tiêu này cho phù hợp.

Trở lại câu chuyện cánh đồng lớn, ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khẳng định đây là mô hình đúng đắn với chủ trương trong phát triển ngành nông nghiệp và sẽ cho thí điểm đại trà tại các tỉnh trong vụ hè thu 2014. “Đã đến lúc chúng ta không nên cứ ngồi bàn, chậm trễ nữa” – ông Nam nói và đề nghị nên thành lập ngay tổ chỉ đạo để giám sát chặt chẽ quá trình liên kết.

LÊ SƠN – THANH TÚ