26/11/2024

Những cỗ máy chiến tranh biến hình

Mỹ đang nghiên cứu những loại máy bay không người lái có thể thay hình đổi dạng hoặc biết phối hợp hành động cho các cuộc chiến trong tương lai.

 

Những cỗ máy chiến tranh biến hình

Mỹ đang nghiên cứu những loại máy bay không người lái có thể thay hình đổi dạng hoặc biết phối hợp hành động cho các cuộc chiến trong tương lai.

Đồ họa ý tưởng của chương trình ARES - Ảnh: DARPA
Đồ họa ý tưởng của chương trình ARES - Ảnh: DARPA 

Những thông tin mới nhất từ Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc khiến nhiều người liên tưởng đến các bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng về robot có thể thay đổi hình dạng và hoạt động độc lập như The Terminator (Kẻ hủy diệt) hay Transformers (Người máy biến hình).

Trong thông cáo đăng trên webiste chính thức Darpa.mil, cơ quan này nhận định trong 25 năm qua máy bay không người lái (UAV) đã chứng minh được giá trị trong nhiều sứ mệnh từ giám sát, do thám đến tấn công chiến thuật. Tuy nhiên, DARPA thừa nhận “hầu hết các UAV hiện nay sẽ không thể đáp ứng nhu cầu cho các cuộc xung đột trong tương lai, vốn sẽ vô cùng phức tạp”.  Vì thế, DARPA không ngừng nghiên cứu những tính năng mới cho UAV theo hướng tăng cường độ linh hoạt và tự hành.

Biến hình theo nhu cầu

Hiện nay, các chuyên gia của DARPA đang tiến hành giai đoạn phát triển cuối cùng của chương trình đầy tham vọng mang tên ARES, theo trang tin Arstechnica.com. Từng được đặt mật danh là Transformer, dự án này tập trung chế tạo các loại UAV lắp ráp từ nhiều bộ phận được thiết kế riêng cho từng sứ mệnh khác nhau như vận chuyển hàng tiếp tế, thu thập thông tin tình báo, tấn công mục tiêu, vận chuyển người bị thương khỏi chiến trường…

Những mô đun này có khả năng xếp vào bật ra rất linh hoạt, giúp UAV có khả năng biến hình tùy theo nhu cầu thực tế tại thời điểm tác chiến. Điều đặc biệt là binh sĩ có thể dễ dàng ra lệnh cho UAV cất radar vào hay giương súng lên bằng các ứng dụng trên điện thoại di động hoặc máy tính bảng.

Chuyên san AIN dẫn lời giới chức DARPA cho hay mục tiêu của chương trình ARES nhằm giúp quân đội Mỹ vượt qua các thách thức hiện nay lẫn trong tương lai là những thiết bị quân sự cồng kềnh, kể cả trực thăng, chưa đáp ứng được điều kiện chiến tranh chống lại các nhóm du kích ẩn hiện khôn lường hoặc các hệ thống phòng thủ giấu mình trong địa hình trên cao và nhiều đồi núi. “ARES sẽ tạo ra những cỗ máy tự hành độc lập với địa hình để có thể tránh các mối đe dọa từ mặt đất nhưng có thể được ứng dụng vô cùng linh hoạt tùy theo từng nhiệm vụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả về chi phí và khả năng thành công cho các sứ mệnh”, ông Ashish Baga thuộc DARPA cho hay. Theo AIN, bản mẫu đầu tiên của UAV biến hình sẽ được cho thử nghiệm vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Phối hợp tác chiến

Tạp chí Military & Aerospace Electronics dẫn các nguồn tin từ DARPA cho hay vào ngày 11.4, cơ quan này sẽ tổ chức thông báo mời thầu cho giai đoạn tiếp theo của dự án CODE để xây dựng cơ chế giúp UAV do thám và UAV tấn công có thể tự phối hợp và chia sẻ thông tin. Từ đó, Mỹ có thể nâng cao tính độc lập cho UAV, xây dựng một đội tác chiến không người lái không thua kém các phi đội có người lái thông thường, thậm chí còn đa dạng hơn, đồng thời tận dụng được thế mạnh của từng loại UAV.

Chẳng hạn như sau khi xác định khóa mục tiêu nhờ radar và cảm biến siêu mạnh, UAV do thám sẽ hướng dẫn cho UAV tấn công, vốn có tầm quan sát hẹp hơn, bay đến vị trí tác chiến để phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu.

Theo Military & Aerospace Electronics, bước đầu tiên của CODE là các chuyên gia phát triển khả năng hoạt động độc lập cho các hệ thống phụ và quỹ đạo bay của UAV để nó có thể tự hành tương đối. Kế đến, họ muốn xây dựng cơ chế ghép nối điện tử để bộ chỉ huy giám sát và phát lệnh cùng lúc cho nhiều UAV có chức năng khác nhau, bảo đảm hoạt động và hiệu quả tác chiến trong những môi trường không hoàn hảo như nhiễu điện từ, thời tiết xấu…

Dự án CODE đã có kết quả bước đầu sau khi DARPA thành công trong việc cho 2 UAV tự tiếp liệu cho nhau trên không. Nhờ thành quả này, ngân sách nghiên cứu cho chương trình này được tăng lên 15 triệu USD trong tài khóa 2014 – 2015, gấp đôi so với trước đó.

 

Mỹ thanh lý vũ khí ở Afghanistan

Mỹ đang rao bán vũ khí, thiết bị quân sự trị giá hàng tỉ USD trước khi rút quân khỏi chiến trường Afghanistan vào cuối năm nay.

Trong số này, chỉ tính riêng 800 xe thiết giáp chống mìn MRAP đã có thể thu được tổng cộng khoảng 500 triệu USD, theo AP. Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan cho hay chính quyền Islamabad đã đề nghị được tham gia danh sách đặt mua nhưng chưa rõ Lầu Năm Góc có đồng ý hay không, do vấp phải phản đối từ Afghanistan. Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Wright cho biết quân đội cũng đang tìm cách thanh lý số tài sản phi quân sự trị giá 6 tỉ USD tại quốc gia Nam Á như bàn, ghế, máy phát điện… Mỹ đã bắt đầu bán tài sản dạng này tại Afghanistan từ năm ngoái và mới thu về hơn 42 triệu USD. 

Thụy Miên

 

Văn Khoa