09/01/2025

Lo ngại bất ổn ở Ukraine

Ukraine đang lo ngại bất ổn có thể lan rộng tới các khu vực đông nam và phía đông của nước này, nơi có đông cộng đồng người Nga sinh sống.

Lo ngại bất ổn ở Ukraine

Ukraine đang lo ngại bất ổn có thể lan rộng tới các khu vực đông nam và phía đông của nước này, nơi có đông cộng đồng người Nga sinh sống.

Một lính Ukraine nói chuyện với các lính Nga gần một căn cứ không quân ở Belbek của Crimea – Ảnh: Reuters 

Ngày 23-3, lãnh đạo của Crimea đã ra lời kêu gọi người Nga trên toàn Ukraine nổi dậy để chống lại chính quyền ở Kiev. Chính quyền Kiev thì kêu gọi người dân xuống đường diễu hành để củng cố tinh thần đoàn kết.

Chủ tịch Hội đồng an ninh và quốc phòng quốc gia Andriy Parubiy nói với đám đông tại Kiev rằng quân Nga đang ở biên giới và bày tỏ lo ngại có thể bị can thiệp.

Tư lệnh tối cao lực lượng liên quân NATO ở châu Âu – tướng Philip Breedlove nói Nga triển khai lực lượng rất lớn ở biên giới phía đông Ukraine. “Lực lượng quân Nga ở biên giới phía đông Ukraine rất lớn và rất sẵn sàng” – Reuters trích lời ông Breedlove nói. Trong khi đó, trả lời Itar-Tass, Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho rằng lực lượng duy trì ở biên giới này không vượt quá thỏa thuận quốc tế mà Nga đã ký.

Tướng Breedlove nói ông lo ngại Matxcơva sẽ dùng chiến thuật tập trận bất ngờ để chuẩn bị cho việc đưa quân nhanh chóng vào Ukraine, như từng làm với khu vực Crimea. Cách đây mười ngày, Nga từng tiến hành tập trận với khoảng 8.500 pháo binh ở gần biên giới.

 

Ukraine đàm phán với IMF

Hôm qua, thủ tướng tạm quyền của Ukraine Arseniy Yatsenyuk nói ông sẽ không dự hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân tại The Hague (Hà Lan) để tập trung cho cuộc đàm phán với IMF về gói cứu trợ nền kinh tế nước này. IMF đã tới Kiev từ ngày 4-3 để kiểm tra sổ sách của Ukraine cho một gói cứu trợ tài chính ở nước này. Chính quyền của Kiev nói họ hoàn toàn trắng tay và cần khoảng 25 tỉ euro trong hai năm tới để trả các khoản nợ nước ngoài và thiếu hụt ngân sách.

 

Lãnh đạo NATO cũng bày tỏ lo ngại diễn biến mới có thể gây bất ổn ở khu vực Transdniestria của Moldova. Transdniestria, nằm ở biên giới phía tây Ukraine, từng tuyên bố độc lập khỏi Moldova từ năm 1990 nhưng chưa được công nhận bởi bất cứ thành viên Liên Hiệp Quốc nào. Khoảng 30% trong nửa triệu dân nước này là người Nga và tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức của vùng đất này.

Tư lệnh Breedlove của NATO cảnh báo khả năng quân Nga có thể tràn qua Ukraine để tới Transdniestria. Người lãnh đạo vùng này thực tế đã kêu gọi Nga tới để sáp nhập vùng đất.

Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Nga, đã tuyên bố thừa nhận Crimea “thực tế” đã là một phần của Nga. Nhưng ông Lukashenko đồng thời nói những gì xảy ra ở Crimea là “một tiền lệ xấu”.

Lo ngại của ông Lukashenko có thể thấy khi ông khẳng định Belarus, nước có đường biên giới dài với Nga, phải duy trì là “quốc gia đơn nhất, không chia rẽ, thống nhất và không tham gia liên minh nào”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tuần này cũng tới châu Âu dự hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân. Trọng tâm ban đầu về thỏa thuận thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương giờ đã phải thay đổi với những diễn biến mới tại Ukraine. Cả Mỹ và EU đang cố thống nhất các biện pháp của mình đối phó với Kremlin trong cuộc khủng hoảng hiện tại.

“Châu Âu khá chia rẽ trong cách xử lý cuộc khủng hoảng. Đây chính là thời điểm, như trong lịch sử, Mỹ cần thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ với liên minh xuyên Đại Tây Dương” – Heather Conley, giám đốc chương trình châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nói với AFP.

THANH TUẤN