25/11/2024

Cuộc đua vũ khí bội siêu thanh

Nhiều nước đang nỗ lực chạy đua phát triển vũ khí tấn công chớp nhoáng trên toàn cầu với tốc độ lên tới gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

 

Cuộc đua vũ khí bội siêu thanh

Nhiều nước đang nỗ lực chạy đua phát triển vũ khí tấn công chớp nhoáng trên toàn cầu với tốc độ lên tới gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

 WU-14 của Trung Quốc (trái) có nguyên lý tương tự HTV-2 của Mỹ - Ảnh: CCTV/Darpa
WU-14 của Trung Quốc (trái) có nguyên lý tương tự HTV-2 của Mỹ – Ảnh: CCTV/Darpa

Mới đây, Trung Quốc chính thức ghi tên vào cuộc đua trang bị vũ khí bội siêu thanh (gấp 5 lần vận tốc âm thanh trở lên) sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận đã tiến hành thử nghiệm thiết bị HGV được tạm đặt tên là WU-14. “Cuộc thử nghiệm được tiến hành hợp pháp trên lãnh thổ Trung Quốc nhằm phục vụ nghiên cứu khoa học và không nhằm vào quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào”, tờ China Daily dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết. Lầu Năm Góc cũng xác nhận Mỹ đã biết và theo dõi sát thông tin về cuộc thử nghiệm nói trên.

Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều không tiết lộ thêm chi tiết nhưng trang tin Sina Military Network dẫn một số nguồn giấu tên cho hay WU-14 đạt tốc độ tối đa Mach 10 (gấp 10 lần vận tốc âm thanh, tức khoảng 12.359 km/giờ). Thiết bị này được một tên lửa liên lục địa đưa lên độ cao nhất định rồi tách ra tự lao đến mục tiêu. Tuy Trung Quốc khẳng định “không nhằm vào quốc gia hay mục tiêu cụ thể nào” nhưng Đài CCTV dẫn lời chuyên gia quân sự Trần Hổ nói thẳng là khi được hoàn thiện WU-14 có thể dùng để “tấn công tàu sân bay Mỹ trên toàn cầu”. Một số nhà phân tích khác thì nói cuộc thử nghiệm là nhằm tìm kiếm khả năng xuyên thủng hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ.

Trong khi đó, giới chức Mỹ tỏ ra muốn giảm nhẹ ý nghĩa của WU-14. Tạp chí Aviationweek dẫn lời người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Samuel Locklear tuyên bố cuộc thử nghiệm của Trung Quốc cũng chỉ là một trong rất nhiều thứ cần xem xét về các viễn cảnh quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Mặt khác, Mỹ vẫn đang dẫn đầu về công nghệ bội siêu thanh với các thành tựu vượt trội. Theo trang Global Security, nước này đã xây dựng chương trình Tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS) gồm nhiều thiết bị bội siêu thanh khác nhau đang được thử nghiệm.

Nổi bật trong số này có vũ khí siêu thanh tiên tiến (AHW) đủ sức vượt 6.000 km chỉ trong 35 phút. Không chỉ nhanh, AHW còn cực kỳ chính xác khi độ chênh lệch so với mục tiêu không quá 10 m và sẽ được phát triển thành nhiều dạng tấn công khác nhau. Theo trang Gizmodo.com, AHW có thể là tên lửa hay đầu đạn đánh phá trực tiếp, mang theo các vũ khí khác để triển khai tấn công khi tiếp cận mục tiêu hoặc trở thành vũ khí đánh chặn cực nhanh cũng như có khả năng do thám. Song song đó là nhiều dự án khác đang được thử nghiệm như thiết bị phóng từ máy bay X-51 WaveRider, tốc độ Mach 6 và có thể còn được nâng lên, hay tàu X-37B đã được đặt trên quỹ đạo cận trái đất từ tháng 12.2012.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Nga cũng được cho là đang nỗ lực nghiên cứu vũ khí bội siêu thanh, tập trung vào tên lửa liên lục địa RS-26 Rubezh, được cho là có khả năng xuyên thủng bất cứ lá chắn nào, theo Đài RT. Tuy nhiên, thông tin được bảo mật rất kín kẽ nên bên ngoài không nắm được về tiến độ và kết quả các cuộc thử nghiệm.

 

Những máy bay có người lái nhanh nhất thế giới

Những chiến đấu cơ có người lái hiện đại nhất của Mỹ hiện nay là F-22 và F-35 có vận tốc lần lượt là Mach 1,82 và Mach 1,6. Theo trang tin LiveScience, trong quá khứ đã từng xuất hiện nhiều loại máy bay quân sự có tốc độ gấp nhiều lần so với vận tốc âm thanh. Tuy nhiên, vận tốc quá nhanh lại có thể dẫn đến nhiều khiếm khuyết như không thể mang nhiều vũ khí, phi công khó điều khiển, không phù hợp về chiến lược… nên hiện nay, các máy bay này đã dần lui vào dĩ vãng.

Giữ kỷ lục về máy bay có người lái nhanh nhất từ trước đến nay là chiếc X-15 do NASA và không quân Mỹ phối hợp phát triển trong thập niên 1960. Sử dụng tên lửa đẩy, X-15 đạt được tốc độ nhanh nhất là Mach 6,72 (nhanh gấp 6,72 lần vận tốc âm thanh, tức 8.299,2 km/giờ). Dù không còn hoạt động từ năm 1970 nhưng đây được xem là cơ sở cho các bước phát triển vũ khí siêu thanh sau này của Mỹ. 

Trong chiến tranh lạnh, Mỹ còn có SR-71 Blackbird, máy bay trinh sát tân tiến có thể tăng tốc lên Mach 3,3 (hơn 4.075,5 km/giờ) được không quân sử dụng cho đến năm 1998. Không chịu thua kém, Liên Xô trình làng chiếc

MiG-25 Foxbat chuyên đánh chặn máy bay địch ở tốc độ siêu âm và thu thập dữ liệu trinh sát. MiG-25 Foxbat có thể đạt tốc độ tối đa là Mach 3,2 (3.952 km/giờ) và hiện vẫn được dùng với số lượng hạn chế trong không quân Nga.

Danh Toại

 

Thụy Miên